- Trong quá trình lập hồ sơ đền bù giải phòng mặt bằng (GPMB) tại khu vực hồ chứa nước Rào Trổ (xã Kỳ Thượng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có gần 40 ha đất hoang được "biến" đất màu, đất rừng thành đất trồng cây lâu năm với số tiền thất thoát gần 5 tỷ đồng.

Sai "mã đất", mất tiền tỷ

Sau khi nhận được thông tin về những bất thường trong quá trình lập hồ sơ, thẩm định, thanh toán bồi thường GPMB tại khu vực hồ Rào Trổ (Dự án Cấp nước khu kinh tế Vũng Áng), Phòng Cảnh sát kinh tế (PC 46 Công an tỉnh Hà Tĩnh) đã vào cuộc làm rõ.

Qua báo cáo ban đầu, Hội đồng đền bù - hỗ trợ - tái định cư (HĐĐB - HT - TĐC) huyện Kỳ Anh đã làm sai 2 bộ hồ sơ bồi thường diện tích 38,41 ha với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng cho UBND xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh).

Cụ thể, ngày 14/8/2013, HĐĐB - HT - TĐC huyện Kỳ Anh lập biên bản kiểm đếm 19,08 ha đất hoa màu được đền bù với số tiền khoảng 2,2 tỷ đồng.

{keywords}
Đất hoang, đất rừng được chính quyền xã "biến" thành đất màu, đất trồng cây lâu năm để rút 4,7 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 10/9/2013, cơ quan này tiếp tục lập biên bản kiểm đếm 19,6 ha đất trồng cây lâu năm với số tiền đền bù 2,5 tỷ đồng. Cả 2 hồ sơ này đều nhận được phê duyệt từ Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh ông Nguyễn Văn Bổng.

Thế nhưng, khi cơ quan điều tra làm việc với các ông Nguyễn Văn Tình, Lê Anh Đức, Nguyễn Tiến Việt (cán bộ HĐĐB là những người trực tiếp đo đạc, kiểm đếm, tổng hợp số liệu để lập hồ sơ đền bù) và ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, ông Vũ Văn Nhất, Cán bộ địa chính xã Kỳ Thượng đều thừa nhận, diện tích 38,41 ha không thuộc đất màu và đất trồng cây lâu năm như hồ sơ ban đầu.

Tuy nhiên, HĐĐB huyện Kỳ Anh vẫn "bất chấp" để làm hồ sơ, bồi thường cho UBND xã Kỳ Thượng. Từ đó, xã Kỳ Thượng đã làm "văn bản" xác định sai nguồn gốc đất, từ đất rừng và đất hoang bằng thành đất màu và đất trồng cây lâu năm để rút ra số tiền 4,7 tỷ đồng.

Xã vẫn khẳng định làm đúng?

Để làm rõ những sai phạm trong việc lập hồ sơ bồi thường, gây thất thoát 4,7 tỷ đồng, PV VietNamNet đã tìm gặp những cán bộ thuộc HĐĐB huyện Kỳ Anh, chính quyền xã Kỳ Thượng.

Theo ông Nguyễn Văn Tình, Tổ trưởng tổ cấp thoát nước KKT Vũng Áng (thuộc HĐBT huyện Kỳ Anh) xác nhận việc cơ quan điều tra có gọi ra tìm hiểu sự việc. Nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được phản hồi về sự việc.

Cũng theo ông Tình, HĐĐB huyện đã thực địa xác định diện tích, hiện trạng trên đất. Còn nguồn gốc đất từ địa phương làm rõ. Nếu có sai phạm thì địa phương phải chịu trách nhiệm.

Còn ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng lại tỏ ra khá bất ngờ về báo cáo của Cơ quan điều tra.

“Toàn bộ diện tích là đất màu và trồng cây lâu năm. Việc lập khống hồ sơ để rút tiền sai quy định là hoàn toàn không có cơ sở?”, ông Trung khẳng định.

Theo ông Tiến, vào năm 2010, tỉnh quyết định cắt 397 ha (trong này có 38 ha lập hồ sơ sai mã đất) thuộc quản lý của Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ giao cho xã để trồng chè phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khu vực này trước đó đã bị người dân lấn chiếm, trồng rau màu, cây cối.

Trong 397 ha thì phần lớn là đất màu và trồng cây lâu năm, chỉ có khoảng 21 ha đất rừng. Sau đó, xã biết có dự án xây dựng trên đất thuộc khu vực này nên đã yêu cầu người dân dừng việc lấn chiếm và không cho sản xuất nữa.

Tới năm 2012, công ty tư vấn thiết kế đo đạc địa chất Hồng Linh (Ninh Bình) được Sở TN&MT và HĐĐB huyện Kỳ Anh thuê để xác định nguồn gốc đất. Vì đã bỏ hoang 2 năm (2010 - 2012) và "tốt" đất nên cây cối hoang dại mọc rất nhanh, khiến cho công ty này "ghi nhầm" mã đất, từ đất màu thành đất hoang, đất rừng.

“Khi biết công ty Hồng Linh ghi sai mã đất, xã đã có văn bản trình huyện, phòng tài nguyên, sở tài nguyên để thay đổi. Và khi cơ quan công an gọi lên làm việc, tôi cũng đã giải thích nhưng không hiểu vì sao lại có báo cáo như thế”, ông Tiến phân trần.

Tuy nhiên, theo ông V. một lão thành và từng làm việc tại HĐND xã Kỳ Thượng, hầu hết diện tích đất Khu bảo tồn bàn giao cho xã quản lý (397 ha) là đất lâm nghiệp. Số đất này bị người dân vào lấn chiếm, làm trang trại từ nhiều năm trước, không hề được cấp giấy tờ gì cả.

Trao đổi với VietNamNet, ông Dương Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết, hiện cơ quan điều tra chỉ mới mời một số cán bộ thuộc HĐĐB lên làm việc. Còn huyện chưa nắm được thông tin gì và cũng nhận được bất cứ văn bản nào từ công an liên quan tới sự việc.

Trong quá trình thực hiện công tác GPMB, Hội đồng đền bù hạ tầng tái định cư huyện Kỳ Anh đã lập hồ sơ bồi thường cho 793 hộ dân, tổng diện tích đất bị thu hồi là 884,5 ha cùng tổng số tiền được phê duyệt là 162,8 tỷ đồng.

HĐĐB đã chi trả 160,3 tỷ đồng, trong đó có 4 bộ hồ sơ bồi thường cho UBND xã Kỳ Thượng với số tiền là 7,75 tỷ đồng.

Văn Đức - Duy Tuấn - Thiện Lương