Nếu yêu sách thái quá của Trung Quốc không bị phản ứng, họ sẽ hiểu cộng đồng quốc tế ngầm công nhận và thậm chí có thể từ chối quyền tiếp cận Biển Đông với các tàu Mỹ và đồng minh.

Tuần Việt Nam xin lược dịch từ báo cáo biển Đông do Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF) công bố ngày 16/10 vừa qua trong hội nghị “Những tình huống nguy hiểm và giải pháp tránh đụng độ quân sự trên Biển Đông” tại trường Harvard.

Trong khi Trung Quốc phát triển kinh tế vượt bậc và mở rộng hợp tác thương mại sâu rộng với các nước trên thế giới, thì chiến lược về an ninh nước này vẫn khiến người ta quan ngại. Ví dụ như các tính toán về Biển Đông; quy mô và tốc độ hiện đại hóa quân sự; về việc thiếu tuân thủ những quy chuẩn toàn cầu trong nhân quyền, minh bạch, luật pháp quốc tế.

Và Trung Quốc phản ứng thế nào? Biển Đông thuộc về chúng tôi, bởi cái tên đã nói lên điều đó, phó đô đốc Yuan Yubai tuyên bố hồi tháng 9. Hiểu thế logic này, nghĩa là Vịnh Mexico thuộc về Mexico, Ấn Độ Dương thuộc về Ấn Độ.

Bỏ qua nước nhỏ

Nhiều nước trong khu vực nghĩ tuyên bố này đáng cười, nhưng quan trọng hơn, sau nó là tham vọng xác lập bá quyền. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất ý tưởng hợp tác siêu cường với Mỹ trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama ngày 25/9 ở Vườn Hồng.

Ông Tập nói: "Tôi hy vọng Trung Quốc và Mỹ từ lợi ích căn bản của nhân dân hai nước và thế giới, sẽ cùng xây dựng mô hình mới cho quan hệ nước lớn, thực sự không xung đột, không đối đầu, cùng tôn trọng và hợp tác".

{keywords}

Tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Mỹ. Ảnh: CNN

Những quốc gia không phải "nước lớn" có lý do để lo rằng, ông Tập thúc đẩy mô hình mới cho quan hệ nước lớn nghĩa là gạt họ sang bên lề hoặc các siêu cường sẽ có thỏa thuận trong chia sẻ không gian ảnh hưởng. Theo giới phân tích, ngôn ngữ và hành động của ông Tập nhất là ở Đông Nam Á có sự tương đồng với chủ nghĩa thực dân và khước từ luật pháp quốc tế.

Tổng thống Obama đã đề cập tới luật pháp quốc tế ba lần trong cuộc họp báo chung ngày 25/9 nhưng ông Tập thì không thế. Ngược lại, khi Obama nói về các lợi ích quốc gia chỉ ba lần, ông Tập là 8 lần. Căn cứ vào sử dụng từ khóa để phân tích không hẳn là chính xác, nhưng dù sao nó cũng chỉ ra sự khác biệt trong mối quan tâm của hai nhà lãnh đạo: Obama thiên về luật pháp quốc tế, Tập Cận Bình chú trọng lợi ích quốc gia.

Nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông là điều rõ ràng. Trung Quốc sử dụng những kỹ thuật hiện đại nhất để bọc lót cho hành động của mình, và dẫn tới sự bất ổn vượt ra ngoài Đông Nam Á.

Với việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào vũ khí mạng, tình báo, máy bay không người lái, tàu hải quân và bỏ xa quân đội khu vực thông qua hệ thống vũ khí tầm xa, đảo nhân tạo với hệ thống sân bay xa bờ, thì sự bất ổn ở Biển Đông đã lan rộng ra ngoài chuỗi đảo đầu tiên cùng với những tham vọng thái quá của Trung Quốc.

Trung Quốc trực tiếp đe dọa lãnh thổ của Ấn Độ ở dãy Himalayas, của Indonesia ở quần đảo Natuna, không phận của Nhật Bản, và cả Mỹ. Trong khi đó, Washington thường xuyên nỗ lực khiến Trung Quốc hiểu cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, ngừng gây hấn trong yêu sách chủ quyền với bản đồ chữ U.

Đe dọa

Nguyên tắc tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế được thiết lập từ thế kỷ 17 đang bị Trung Quốc và đường chữ U đưa ra đe dọa.

Sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc ít nhất đang đặt ra mối đe dọa với 5 lĩnh vực toàn cầu: lãnh thổ, hàng hải, hàng không, không gian và không gian mạng.

Ở đây tập trung vào những mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra với Mỹ, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, VN ở Biển Đông. Dĩ nhiên, nó cũng ảnh hưởng tới những quốc gia khác nhất là Australia, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore. Đồng thời đưa ra ba đề xuất chính giải quyết tranh chấp.

Những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã đe dọa tới các đồng minh và bạn bè quan trọng nhất của Mỹ.

Dựa trên nét vẽ của một nhà địa lý năm 1936, và sau đó là bản đồ năm 1947, Trung Quốc đưa ra yêu sách tới 90% Biển Đông với bản đồ hình chữ U bao gồm rất nhiều khu vực mà nước khác tuyên bố chủ quyền.

Yêu sách mà Trung Quốc đưa ra đi ngược lại với luật pháp quốc tế hiện hành mà trước hết là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Nó còn đe dọa tự do hàng hải, hàng không với mọi nước trong khu vực.

Trung Quốc đã thực hiện nỗ lực quân sự nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền trong suốt 40 năm qua, và không ngại ngần dùng vũ lực chiếm đóng các đảo mà nước khác như VN, Philippines có chủ quyền.

Kể từ 2012, Trung Quốc bắt đầu sử dụng các tàu hải giám (CMS), bọc lót cho tàu cá hoạt động. Các tàu này về lý thuyết là tàu thực thi pháp luật nhưng hành động như các tàu hải quân. Năm 2013, họ còn tái cấu trúc các cơ quan liên quan tới thực thi luật pháp hàng hải, tập trung vào vai trò của lực lượng phòng vệ bờ biển, tách biệt khỏi hải quân. Lực lượng này hoạt động ở các khu vực gọi là “chủ quyền quốc gia” trong khi hải quân chỉ hoạt động ở vùng nước quốc tế.

Khi Trung Quốc coi phần lớn Biển Đông là của mình, thì sử dụng phòng vệ bờ biển thay vì hải quân là hợp lý. Hơn nữa, nó sẽ có lợi trong việc tránh sự chú tâm của cộng đồng quốc tế.

Chạy đua vũ trang

Nếu yêu sách thái quá của Trung Quốc không bị phản ứng, họ sẽ hiểu cộng đồng quốc tế ngầm công nhận và thậm chí có thể từ chối quyền tiếp cận Biển Đông với các tàu Mỹ và đồng minh. Từ đó làm tăng đáng kể chi phí vận chuyến, và hạn chế sự bảo vệ của Mỹ có thể trợ giúp các nước trong khu vực.

Trung Quốc đã hoàn tất chiến lược làm đảo nhân tạo ở Biển Đông để củng cố yêu sách chủ quyền, và cung cấp cho quân đội nước này các bến cảng phục vụ hải quân, các sân bay cho không quân. Hành động này càng làm gia tăng bất ổn trong khu vực và thử thách sự kiên nhẫn của các cường quốc.

Tại Vườn Hồng, ông Tập Cận Bình tuyên bố “Trung Quốc cam kết đi theo con đường phát triển hòa bình, hợp tác hữu nghị với láng giềng” nhưng lại đặt chính bản thân vào chỗ mâu thuẫn khi lớn tiếng nói: “Các đảo ở Biển Đông từ thời cổ đại là lãnh thổ của Trung Quốc”. Nói về các dự án làm đảo nhân tạo, ông nhấn mạnh: “Nó không nhằm mục tiêu hay quốc gia nào và Trung Quốc không có ý theo đuổi việc quân sự hóa ở Biển Đông”.

Điều này không đúng, vì Trung Quốc không ngừng xây các cảng, đường băng quân sự trên đảo nhân tạo, đe dọa lập tức chủ quyền các nước khác. Hơn thế, những hình ảnh vệ tinh chứng minh ngược lại lời nói của ông Tập. Một ngày trước tuyên bố, hình ảnh cho thấy Trung Quốc hoàn tất một đường băng trên Đá Chữ thập có khả năng phục vụ tất cả máy bay quân sự của Trung Quốc. Đường băng này cho phép Trung Quốc tiến hành các cuộc tuần tra không quân trong khu vực.

Khu vực và cả Mỹ ngày càng hoài nghi về các dụng ý của Trung Quốc ở Biển Đông dù Bắc Kinh có hùng biện thế nào đi nữa.

Đáng buồn là, hành xử của Trung Quốc đã tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực khi các nước buộc phải gia tăng ngân sách quốc phòng và mua sắm vũ khí mới.

Trung Quốc có 82 triệu người sống ở mức dưới 1 USD/ngày nhưng ngân sách quốc phòng năm nay đã lên tới 145 tỉ USD. Chi tiêu quốc phòng ở Đông Nam Á cũng tăng chủ yếu tập trung vào việc chế tạo hay mua sắm trang thiết bị, vũ khí hải quân. Khi khó sánh được với Trung Quốc về các tiềm lực, các nước nhỏ đã xiết chặt hơn quan hệ về kinh tế, chính trị và hợp tác quốc phòng với nhau, với Mỹ và các nước khác.

Phần 2: Liên minh để tạo sức nặng với Trung Quốc

Minh Tâm