Động cơ của Trung Quốc từ khi Philippines thúc đẩy quá trình pháp lý là phớt lờ, tập trung vào “thế mạnh” của mình là phát triển những “cơ bắp” và dùng nó xác quyết chủ quyền trên thực địa.

LTS: Trong hai ngày 9 - 10/6, Hội thảo quốc tế an ninh và phát triển biển đã diễn ra tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, thu hút 150 đại biểu. Những phán quyết sắp tới của tòa Trọng tài Quốc tế PCA về “vụ kiện Biển Đông” cũng như phản ứng của các bên được nhiều đại biểu quan tâm.

Cũng xung quanh vấn đề này, Tuần Việt Nam giới thiệu góc phân tích dưới đây.

Chiêu phớt lờ, dùng “cơ bắp” của TQ

Mới đây tại Đối thoại Shangri-La 2016, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Mỹ Ash Carter nhìn nhận phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc (PCA) về Biển Đông chuẩn bị công bố là một cơ hội để Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực tái cam kết những nguyên tắc ứng xử, thể hiện chính sách đối ngoại mới, để giảm bớt xung đột. Con đường pháp lý, cũng như những cơ chế giải quyết xung đột hòa bình khác thông qua đàm phán và đối thoại là con đường ngắn nhất để thúc đẩy an ninh chuẩn tắc, cũng như giải quyết các vấn đề an ninh trên toàn cầu, đặc biệt là tại châu Á – Thái Bình Dương.

Trong khi đó, thái độ của Trung Quốc về Tòa Trọng Tài do Philippines đệ đơn thành lập hoàn toàn trái ngược. Cũng trong Đối thoại Shangrila, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc nhấn mạnh nước này sẽ không chấp nhận phán quyết tại Hague về Biển Đông. Ông đồng thời còn kêu gọi những người khởi động “cuộc chơi nguy hiểm” này suy nghĩ lại. Một mặt, ông Tôn ngang ngược tuyên bố “Trung Quốc không tạo ra rắc rối nhưng cũng chẳng sợ rắc rối. Trung Quốc sẽ không đứng nhìn khi quyền chủ quyền của mình bị chà đạp”. Mặt khác, Bắc Kinh luôn mở rộng cửa để chào đón Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nối lại đàm phán song phương về tranh chấp lãnh thổ.

Hai phát biểu thể hiện hai lập trường hoàn toàn nghịch nhau trong cách tiếp cận tranh chấp Biển Đông và được cộng đồng thế giới quan sát rất kỹ. Đây là giai đoạn “nhạy cảm” khi thời điểm PCA dự kiến ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc do Philippines khởi xướng càng đến gần. Hầu hết các đại biểu dự đối thoại Shangri-La 2016 quan tâm đến từng động thái và nhất cử nhất động của Bắc Kinh. Chẳng hạn như những đồn đoán về quyết định về việc thành lập ADIZ ở Biển Đông của Bắc Kinh được nhìn theo lăng kính như một phản ứng lại phán quyết của PCA.

Những động thái trên tiếp tục khẳng định một xu thế từ hơn ba năm trở lại đây: Động cơ của Trung Quốc từ khi Philippines thúc đẩy quá trình pháp lý là phớt lờ, tập trung vào “thế mạnh” của mình là phát triển những “cơ bắp” và dùng nó xác quyết chủ quyền trên thực địa. Theo GS. Carlyle A. Thayer (ĐH New South Wales, Úc) có bốn động cơ chính thúc đẩy Trung Quốc tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông trong thời gian vừa qua. Đó là: chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, nguồn lợi đánh bắt, nguồn lợi khoáng sản, và vị trí địa lý chiến lược.

{keywords}

Một tàu trông như là tàu container ở tại khu vực Trung Quốc đổ đất xây đảo nhân tạo tại đá Châu Viên ngày 4.10.2014. Ảnh: Asahi Shimbun

Trong đó, ông cho rằng vị trí địa chính trị thuận lợi là nguyên nhân quan trọng nhất, vì Trung Quốc đang cố gắng đối phó với chiến lược tái cân bằng của chính quyền Obama trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền trên Biển Đông để đảm bảo đường liên lạc hàng hải, và tránh nguy cơ bị can thiệp từ phía nam bởi Hải quân và Không quân Mỹ trong tương lai.

Ngược lại, chiến lược của Mỹ - như lời của TS. Patrick Cronin (Viện Nghiên cứu Chính sách An ninh mới của Mỹ) phát biểu trong Hội thảo quốc tế về Tranh chấp Biển Đông tại Đại học Yale tháng 5 vừa qua bao gồm năm yếu tố chính. Năm yếu tố này vừa là chất xúc tác, vừa là những thành tố quyết định quyết định việc hoạch định chính sách đối ngoại sắp tới của Hoa Kỳ ở Biển Đông, đó là: (1) gắn kết chặt chẽ với chính sách Tái cân bằng của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; (2) quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc; (3) vai trò quyết định của Tổng thống sắp tới về mức độ tham gia của Mỹ; (4) chiến lược phải được tiến hành toàn diện, không chỉ hạn chế trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao, mà còn phải lan toả về kinh tế, thương mại, luật pháp quốc tế; (5) phải đảm bảo quyền lợi của Mỹ trong khu vực.

Lựa chọn của ASEAN

Hai lựa chọn của hai cường quốc sẽ đặt ASEAN vào thế lựa chọn. Chuyên gia William Choong trong một bài viết trước diễn đàn Shangri-La cũng đề cập đến yếu tố phản ứng của các nước ASEAN trước phán quyết của PCA. Ông cho rằng “Nếu các quốc gia ASEAN không thể ra tuyên bố chung ủng hộ phán quyết, Trung Quốc sẽ trở nên rảnh tay trong vấn đề Biển Đông”. Khi đó, Trung Quốc có thể tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ADIZ để trả đũa phán quyết của PCA và dằn mặt hành động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông. Đó là một trong những kịch bản mà các nước ASEAN cần tính đến khi các căng thẳng leo thang dẫn đến khả năng Trung Quốc “trả đũa” về kinh tế và ngoại giao.   

Ở một mặt nào đó, việc thay đổi môi trường chiến lược cần thiết cho ASEAN thúc đẩy quá trình bảo luật pháp quốc tế tại khu vực. Jeremy Lagelee, Khoa Luật ĐH Georgetown* nêu lên một số ý tưởng pháp lý mà ASEAN cần tính đến trong kịch bản sau khi phán quyết của PCA thành hình. Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc cũng chỉ ra nhiều cơ hội và thách thức cho các nước ASEAN khi lựa chọn giải pháp song phương.

Ông Lagelee đề cập thêm những trường hợp thành công trước toà trọng tài khi vụ án vượt khỏi khuôn khổ song phương, như vụ Australia phối hợp cùng New Zealand kiện Nhật Bản về việc đánh bắt cá hồi năm 1999, qua đó khuyến khích các nước ASEAN nên tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông khi mang vụ kiện ra quốc tế.

Vì tranh chấp mang tính đa phương trong nhiều vấn đề, tác giả đề nghị những cách tiếp cận mới trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, như khả năng mở rộng cho bên thứ ba (nhằm bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải - FONOP), hay các chủ thể phi quốc gia, nhằm chuyển biến tranh chấp lãnh thổ sang các cơ chế giải quyết xung đột tư pháp, như luật điều chỉnh xung đột giữa doanh nghiệp – nhà nước, hay luật bảo vệ đầu tư. Qua đó, một mặt ASEAN tái khẳng định lại lập trường Biển Đông của mình, mặt khác là một cách để khối này trả lời cho những chí trích về sự mất dần tầm quan trọng và vai trò trong các vấn đề an ninh khu vực.  

Tại Hội thảo quốc tế về Tranh chấp Biển Đông tại Đại học Yale đầu tháng 5, TS. Tạ Văn Tài (ĐH Harvard) cho rằng Việt Nam đã, và vẫn luôn ưu tiên lựa chọn con đường pháp lý. Theo đó, quyền lợi của Việt Nam trên các đảo và quần đảo ở Biển Đông là hoàn toàn dựa vào các tập quán pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong khu vực đặc quyền kinh tế EEZ và thềm lục địa, quyền đánh bắt, khai thác tài nguyên, các vấn đề môi trường và lưu thông hàng hải của Việt Nam được đảm bảo bởi Công ước quốc tế về luật biển 1982 (UNCLOS).

Ông cũng bác bỏ Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Trung Quốc tuyên bố thiết lập trên Biển Đông, vì đây là quyền tự vệ chỉ được triển khai trên phần lãnh thổ hợp pháp của một quốc gia. Thêm vào đó, Việt Nam có thể căn cứ vào cuộc khủng hoảng dàn khoan vào năm 2014 để làm giàu hồ sơ các vụ kiện trong tương lai, đồng thời nên tìm kiếm hỗ trợ thêm từ Toà án công lý quốc tế (ICJ), Toà Trọng tài Công ước quốc tế về luật biển, và Diễn đàn Liên Hiệp Quốc.

Tuấn Trần – Thảo Nghiêm

*Jeremy Lagelee là cộng tác viên của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế SCIS – ĐH KHXH&NV TP.HCM).