Chủ đề mà ASEAN thống nhất cho năm 2018 về xây dựng một cộng đồng Tự cường và Sáng tạo phản ánh đúng nhu cầu của ASEAN trong giai đoạn hiện nay.

Ngày càng trưởng thành.

Trước hết, cần khẳng định ASEAN là một tổ chức khu vực thành công. Những thành tựu của ASEAN trong hơn 50 năm phát triển cũng như sự công nhận của các đối tác bên ngoài là minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Sau năm thập kỷ cùng nhau hợp tác, sẻ chia, các nước thành viên ASEAN đã đúc kết được bài học về đoàn kết, thống nhất, gắn kết với nhau để có thể mang lại mẫu số chung lớn nhất về lợi ích.

Cũng sau 50 năm, trước những biến đổi không ngừng của tình hình mới và yêu cầu phát triển của chính ASEAN, các nước thành viên phải giải quyết một câu hỏi, đó là cách thức duy trì sức sống, sức hấp dẫn, động lực của ASEAN trong một chu kỳ vận động mới.

{keywords}
Việt Nam chủ động cùng ASEAN xây dựng một khu vực tự cường và sáng tạo. Ảnh minh họa/TTXVN.

Vị thế của ASEAN khi bước sang tuổi 51 đã khác trước rất nhiều, ASEAN đã khởi xướng và dẫn dắt nhiều cơ chế hợp tác trong khu vực, đã phát huy tốt vai trò của mình và được các nước thừa nhận. Nhưng đây cũng chính là một thách thức đối với ASEAN, là làm sao để củng cố và duy trì vai trò trung tâm của mình ở khu vực, không chỉ ở Châu Á-Thái Bình Dương mà có thể ở phạm vi lớn hơn, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc, xu thế bảo hộ gia tăng, tình hình thế giới khu vực biến động không ngừng.

Về chính trị-an ninh, ASEAN tiếp tục các nỗ lực củng cố, chia sẻ những chuẩn mực ứng xử trong khu vực thông qua Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)...; đề cao đoàn kết, thống nhất nội khối, phát huy giá trị của các công cụ và cơ chế bảo đảm an ninh khu vực, thể hiện tiếng nói, lập trường chung đối với các thách thức quốc tế và khu vực thông qua các cơ chế hợp tác khu vực đã có, góp phần thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin, đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Về kinh tế, ASEAN tiếp tục đẩy mạnh nhiều biện pháp hợp tác hướng đến tự do hóa thương mại, trong đó có gia tăng thương mại và đầu tư nội khối, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sáng tạo, phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). Đồng thời, ASEAN tiếp tục kết nối với các nền kinh tế đối tác thông qua điều chỉnh và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có, ký và đàm phán các FTA mới.

Về văn hóa-xã hội, ASEAN chú trọng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thiết thực hướng đến đời sống của người dân, như ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, phúc lợi xã hội, hỗ trợ các nhóm yếm thế… đồng thời nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về Cộng đồng ASEAN tới người dân, doanh nghiệp và đối tác bên ngoài.

Cùng với đó, các đối tác ngày càng coi trọng và chủ động thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với ASEAN thông qua nhiều chương trình, sáng kiến và biện pháp cụ thể; cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, ủng hộ vai trò trung tâm của khối trong khu vực. Củng cố nội lực – Đổi mới để phát triển.

{keywords}
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018. Ảnh TTXVN

Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) ở Việt Nam tháng 9/2018 và Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN (ALG) nhân dịp Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)-Ngân hàng Thế giới (WB) tại Indonesia tháng 10-2018 vừa qua, lãnh đạo các nước ASEAN đã thống nhất nhiều nội dung và phương hướng hợp tác nhằm nâng cao khả năng thích ứng của ASEAN với các chuyển biến sâu rộng của kinh tế thế giới, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Các đối tác cũng đưa ra nhiều đề xuất mới để khẳng định sự coi trọng đối với ASEAN. Theo đó, Chủ đề mà ASEAN thống nhất cho năm 2018 về xây dựng một cộng đồng Tự cường và Sáng tạo phản ánh đúng nhu cầu của ASEAN trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở đúc rút những thành tựu và kinh nghiệm của 50 năm qua: nhu cầu củng cố sức mạnh nội lực và đổi mới để phát triển.

Điều này đã được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh tại phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 tuần trước. ASEAN cần phát huy “tự cường” thông qua xây dựng một Cộng đồng ASEAN độc lập, tự chủ, đoàn kết, phát triển toàn diện, đủ năng lực đối phó với các sức ép bên ngoài, duy trì được vai trò dẫn dắt trong các tiến trình khu vực, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng, mở rộng hợp tác với các đối tác.

Thu Thủy - Vũ Thị Huyền