Con số tăng trưởng GDP 7,08% có thể khiến nhiều người vui mừng. Nhưng con số ấy vẫn không thể làm nhòa đi nguy cơ tụt hậu của kinh tế Việt Nam vẫn còn hiện hữu.

Thực tế, GDP bình quân đầu người năm 2018 của Việt Nam đạt khoảng 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017, nhưng còn ở mức thấp so với các nước khu vực (như Malaysia 9.994 USD, Thái Lan 6.593 USD năm 2017 theo giá hiện hành).

{keywords}
Kinh tế Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều để vươn lên tầm cao mới.

Tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất tổ chức ngày 5/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh: Nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại.

Trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ, phân cực chính trị và sự phục hồi kinh tế mong manh, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã thay đổi cách thức đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, chú trọng tới yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn và nâng cao thu nhập của người dân. Với cách tiếp cận mới, chỉ số này có tên gọi mới là Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0).

Theo kết quả xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam giảm 4 bậc (từ 74 xuống vị trí 77). Đáng chú ý là 7/12 trụ cột giảm điểm.

So sánh trong ASEAN, Việt Nam đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Lào và Campuchia. Năm 2018, cũng chỉ có Việt Nam, Lào, Campuchia giảm bậc, các nước ASEAN khác đều tăng bậc, trong đó, Philippines tăng 12 bậc.

Vì lẽ đó, trong báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẳng thắn đánh giá: Có thể nói Việt Nam đang tụt lại đằng sau các nước ASEAN về năng lực cạnh tranh 4.0. Muốn tiến kịp các nước trong khu vực đòi hỏi phải đẩy nhanh quá trình phát triển theo xu thế 4.0; tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, trong đó có lĩnh vực hành chính công; nâng cao hiệu quả các thị trường (nhất là thị trường hàng hoá hiện đang xếp ở vị trí gần cuối bảng - thứ 102); có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy tính sáng tạo, năng động trong kinh doanh thay vì tư duy tạo rào cản để quản lý.

Q.Hiếu - Thu Trà