Đến năm 2020, theo dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), ASEAN rất có thể sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu. Bên cạnh các mục tiêu phát triển về kinh tế, ASEAN còn là một tổ chức chính trị quan trọng tại khu vực với tham vọng giữ gìn nền hoà bình và an ninh Đông Nam Á.

Cộng đồng Chính trị An ninh ASEAN nhằm nâng hợp tác chính trị, an ninh lên một tầm cao mới, với sự tham gia và đóng góp của các đối tác bên ngoài, nhằm bảo đảm cho các nước ASEAN chung sống hòa bình với nhau và với thế giới bên ngoài trong một môi trường công bằng, dân chủ và hòa hợp.

Ngay tại điều 3 của Hiến chương của tổ chức này đã khẳng định rằng ASEAN là một tổ chức quốc tế có tư cách pháp lý rõ ràng. Điều khoản này cũng chứng minh sự quyết tâm của các quốc gia thành viên công nhận tư cách pháp lý của ASEAN. Ngoài ra, hiến chương còn cho phép ASEAN đưa ra các quyết định lên các thành viên thông qua Hội nghị cấp cao ASEAN và các cơ quan, trong đó có Hội đồng điều phối ASEAN (ACC), Uỷ ban các đại diện thường trực (CPR) hay Tổng thư ký ASEAN và ban thư ký ASEAN, để đảm bảo việc thi hành các quyết định trên. Quan trọng hơn nữa, theo điều 41 của Hiến chương, ASEAN có khả năng tham gia ký kết các hiệp ước quốc tế với các chủ thế khác của Luật quốc tế.

{keywords}
Vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 11 được nhóm họp tại Brunei ngày 15/2. Ảnh: TTXVN

Như vậy, theo tác giả Phạm Ngọc Minh Trang, trong một  bài viết đăng trên trang nghiencuuquocte.org, có thể khẳng định, ASEAN là chủ thể của luật quốc tế có tư cách pháp lý rõ ràng trong hệ thống pháp luật quốc tế. Do đó, ASEAN sẽ có các quyền và nghĩa vụ riêng biệt so với các quốc gia thành viên, có khả năng khởi kiện các chủ thể khác và cũng có thể bị khởi kiện bởi chính các thành viên nếu thất bại trong việc thực hiện các cam kết của mình.

Và tác giả Minh Trang cũng cho rằng, không khó để khẳng định rằng việc giữ gìn hoà bình và an ninh khu vực là một trong những trọng tâm hàng đầu của tổ chức này. Nó được khẳng định đầu tiên trong lời nói đầu và điều 1 khoản 1 của hiến chương ASEAN khi nói về mục tiêu của tổ chức.

Từ năm 2003, ASEAN đã quyết định thúc đẩy Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC) (sau này đổi thành Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC)), với tư cách là một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN. Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN có nền tảng là những thành quả hợp tác chính trị-an ninh mà ASEAN đã đạt được kể từ khi Hiệp hội được thành lập năm 1967.

ASEAN được thành lập với mục tiêu được đề ra trong Tuyên bố Băng-cốc 1967 là tăng cường hợp tác kinh tế, văn hoá-xã hội giữa các nước thành viên. Hợp tác chính trị không được nêu ra, nhưng Tuyên bố đã đề cập đến một số nhân tố liên quan đến chính trị-an ninh khu vực.

Tuyên bố Băng-cốc nói rõ “ các nước Đông Nam Á có trách nhiệm chính trong việc tăng cường ổn định kinh tế và xã hội của khu vực và bảo đảm sự phát triển của đất nước một cách hoà bình và tiến bộ; và rằng các nước này quyết tâm bảo đảm sự ổn định và an ninh của mình không có sự can thiệp từ bên ngoài dưới bất cứ hình thức hoặc biểu hiện nào nhằm gìn giữ bản sắc dân tộc của mình phù hợp với những lý tưởng và nguyện vọng của nhân dân mình; khẳng định rằng sự tồn tại của tất cả các căn cứ nước ngoài là tạm thời và chỉ được duy trì với sự tán thành công khai của các nước hữu quan và không được sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp để lật đổ nền độc lập dân tộc và tự do của các quốc gia trong khu vực hoặc làm phương hại đến các quá trình phát triển trong trật tự của các quốc gia này”.

Xét bối cảnh ra đời, có thể nói ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực được lập ra để bảo đảm sự ổn định chính trị, kinh tế của mỗi thành viên cũng như Hiệp hội, đối phó với sự tranh giành giữa các nước lớn và giúp giải quyết tranh chấp giữa các nước trong khu vực. Mặt khác, sự ra đời của ASEAN đã thể hiện sự phát triển của ý thức khu vực. Trên thực tế, cho tới cuối những năm 80, hợp tác chính trị là lĩnh vực nổi bật và đạt được những tiến triển đáng kể hơn cả.

Bước sang thế kỷ 21, và đặc biệt từ sau sự kiện 11/9, ASEAN phải đối mặt với những thách thức an ninh ngày càng gia tăng, cả truyền thống và phi truyền thống. Trước tình hình này, các nước ASEAN đã nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị và an ninh để ứng phó hiệu quả với các thách thức, duy trì môi trường khu vực hòa bình, ổn định thuận lợi cho tăng cường liên kết kinh tế và hợp tác khu vực.

{keywords}
Toàn cảnh Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 20. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Sáng kiến thành lập Cộng đồng An ninh ASEAN đã ra đời trong bối cảnh này. Tài liệu khái niệm “Tiến tới một Cộng đồng An ninh ASEAN” được In-đô-nê-xia đưa ra lần đầu tiên tại Hội nghị các Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN tháng 4/2003 với lý giải là nhằm bảo đảm cân bằng giữa hợp tác kinh tế và chính trị trong ASEAN (trước đó Singapore đang thúc đẩy mạnh mẽ ý tưởng lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN), biến ASEAN từ cơ chế “quản lý xung đột” sang “giải quyết xung đột” bằng việc phát huy các thể chế đã có như Hội đồng Tối cao TAC, thúc đẩy “bản sắc tập thể”, xây dựng “ý thức cộng đồng” và mỗi thành viên là bộ phận trong gia đình lớn ASEAN. In-đô-nê-xia cũng cho rằng hạn chế trong khả năng giải quyết xung đột là do sự viện dẫn cứng nhắc phương thức ASEAN, nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp và ASEAN vẫn ngần ngại khi đối mặt thực tế với các vấn đề của mình.

Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN sẽ thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện về an ninh, gồm cả các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và môi trường; tăng cường hợp tác chính trị, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử chung; thúc đẩy xu hướng không sử dụng vũ lực và giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; rộng mở quan hệ với các đối tác bên ngoài và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Thùy Linh - Vũ Thị Huyền