Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1743/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban Quốc gia chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam (gọi tắt là Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020) do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là Chủ tịch Ủy ban.

Đã bước đầu  bắt tay vào công tác chuẩn bị

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam trả lời báo chí cho biết, Việt Nam đã chủ động, tích cực, trách nhiệm trong tham gia hợp tác ASEAN và đã bước đầu bắt tay vào công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN vào năm 2020.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEAN với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo VGP

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, đảm nhận Chủ tịch ASEAN vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của nước thành viên, đồng thời cũng vừa là một cơ hội rất lớn. Chủ tịch ASEAN phải có trách nhiệm kế thừa, phát huy những gì ASEAN đã đạt được hoặc tiếp nối những gì ASEAN đang triển khai, và hơn nữa, năng lực của Chủ tịch còn thể hiện ở việc thúc đẩy hợp tác nội khối và nâng cao vị thế của ASEAN với bên ngoài. Đây là cơ hội để Việt Nam được đóng góp vào công việc chung, vì mục tiêu lợi ích chung. Đảm nhận tốt trọng trách này sẽ giúp nâng cao uy tín của Việt Nam, đồng thời là cơ hội để quảng bá đất nước, con người, văn hóa, du lịch… với bạn bè quốc tế.

Năm 2020 là một năm rất đặc biệt đối với cả ASEAN và Việt Nam. Với ASEAN, đó là tròn 5 năm thành lập Cộng đồng ASEAN, là mốc kiểm điểm giữa kỳ việc triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015-2020, hoàn tất triển khai một loạt kế hoạch hành động giữa ASEAN với đối tác. Với Việt Nam, tròn 25 năm ta tham gia ASEAN, và hàng loạt các sự kiện kỷ niệm năm tròn, năm chẵn.

Như vậy, việc đảm nhận thành công Chủ tịch ASEAN 2020 chính là cơ hội để Việt Nam thể hiện năng lực và phát huy vai trò dẫn dắt của mình, đáp ứng sự trông đợi, tin tưởng của các nước thành viên và đối tác. Nhìn rộng hơn, đây là phép thử đối với việc triển khai chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương của nước ta.Cơ hội lớn song hành với gánh nặng lớn.Đó là gánh nặng của trách nhiệm, của uy tín, và của vị thế Việt Nam.

Thời gian không còn xa

Thời gian không còn bao xa, Việt Nam đang rất tích cực chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Kinh nghiệm cho thấy cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt, cả về bộ máy tổ chức, tài chính, nguồn nhân lực, trong đó đội ngũ cán bộ có năng lực là vô cùng quan trọng, để điều hành, dẫn dắt các hội nghị và tổ chức các hoạt động ASEAN trong cả năm 2020.

Theo thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, riêng về mặt nội dung, chúng ta cần nắm bắt tốt được yêu cầu chung của ASEAN cũng như quan tâm của các thành viên, các đối tác để xác định được đúng chủ đề cũng như ưu tiên, đi đúng vào dòng chảy chung, đáp ứng được lợi ích chung, có như vậy mới có được sự ủng hộ, nhất trí.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trả lời phỏng vấn về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các Hội nghị cấp cao liên quan. (Ảnh: TTXVN phát)

Về điều hành, chúng ta phải có cách xử lý khéo léo, cân bằng, dung hòa lợi ích của tất cả các bên. Hiện nay công tác chuẩn bị đã và đang được tiến hành, có sự tham gia của Bộ Ngoại giao và tất cả các Bộ, cơ quan tham gia hợp tác ASEAN.

Tôi hy vọng rằng, ASEAN và tham gia hợp tác ASEAN sẽ ngày càng nhận được sự quan tâm và chung sức của cả người dân, doanh nghiệp và địa phương, để sắp tới chúng ta có thể làm tốt những trọng trách được giao phó.

Box: Nội dung Quyết định số 1743/QĐ-TTg ngày 14/12/2018 của Thủ tướng về việc thành lập Ủy ban Quốc gia chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam (gọi tắt là Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020) do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là Chủ tịch Ủy ban gồm các nội dung sau:

Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 gồm 29 thành viên, có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều phối, hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương về các lĩnh vực công tác có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020.

Cụ thể, Ủy ban sẽ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, phối hợp giữa các bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Ủy ban giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ, vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 gồm năm Tiểu ban: Nội dung, Lễ tân, Tuyên truyền-Văn hóa, Vật chất-Hậu cần, An ninh-Y tế và Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020.

Tiểu ban Nội dung có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, điều phối và tổ chức thực hiện toàn bộ công tác về nội dung phục vụ nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Tiểu ban Lễ tân có nhiệm vụ chịu trách nhiệm về toàn bộ công tác lễ tân trong quá trình tổ chức các hội nghị, sự kiện lớn mà Việt Nam chủ trì trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.

Tiểu ban Vật chất-Hậu cần có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, điều phối và tổ chức thực hiện toàn bộ công tác về vật chất, hậu cần phục vụ các hội nghị, sự kiện trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Tiểu ban Tuyên truyền-Văn hóa chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo việc đưa tin, tuyên truyền và quảng bá phục vụ các hội nghị, hoạt động liên quan trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Tiểu ban An ninh-Y tế có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo thực hiện các công việc liên quan đến bảo đảm an ninh, y tế trong khuôn khổ nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020 do Bộ Ngoại giao chủ trì, là cơ quan thường trực giúp việc cho Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 điều hành mọi hoạt động liên quan đến việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020; theo dõi, phối hợp, điều phối hoạt động của các Tiểu ban, giữa các Tiểu ban và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong việc chuẩn bị và tổ chức các hội nghị, hoạt động diễn ra tại Việt Nam trong năm 2020./.

Thu Thủy - Vũ Thị Huyền