Từ vị trí là địch thủ của nhau, ASEAN và Việt Nam chuyển sang thành bạn, là đối tác và là thành viên trong cùng một cộng đồng. ASEAN đã thực sự trở thành một trong những trọng tâm, là trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50 hồi năm ngoái, Việt Nam đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế vì nỗ lực nhằm đưa những lời lẽ mạnh mẽ về Biển Đông vào bản thông cáo chung của các ngoại trưởng. Sự kiện này nêu bật một bước phát triển rất lớn trong nhận thức của Việt Nam về ASEAN cũng như tầm quan trọng mà Việt Nam dành cho tổ chức khu vực này trong chính sách đối ngoại của mình.

Được thành lập năm 1967 khi Chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn đỉnh điểm. Sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam đã có những nỗ lực để cải thiện quan hệ với các nước ASEAN mà một minh chứng là chuyến thăm các nước ASEAN của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1978.

Nhưng phải tới đầu thập kỷ 1990 thì quan hệ của Việt Nam với ASEAN mới bắt đầu cải thiện tích cực. Tháng 7 năm 1992, Việt Nam gia nhập Hiệp ước Bali và trở thành quan sát viên của ASEAN. Ba năm sau, Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của hiệp hội, chính thức chấm dứt thời kỳ đối đầu giữa ASEAN và Đông Dương.

Khi theo đuổi tư cách thành viên ASEAN, mối quan tâm chính của Việt Nam vào thời điểm đó là tạo thuận lợi cho việc hợp tác kinh tế với các thành viên ASEAN và bảo đảm một môi trường khu vực hoà bình có lợi cho các cải cách kinh tế trong nước của mình. Khi ấy những gì Việt Nam mong muốn chính là điều mà năm 1989 Thủ tướng Thái Lan Chatichai Choonhavan đã gọi là quá trình biến Đông Dương “từ chiến trường thành thị trường”.

{keywords}
Nghi thức thượng cờ các nước ASEAN trong ngày khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Nông-Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 40 diễn ra tại Hà Nội. Ảnh TTXVN

Kể từ khi gia nhập ASEAN đến nay, Việt Nam đã được hưởng lợi đáng kể từ các mối quan hệ thương mại và đầu tư với các nước thành viên. Các nước thành viên ASEAN hiện nay là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, và là nguồn nhập khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc. Trong khi đó, Singapore, Malaysia, và Thái Lan là ba trong số mười nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Việt Nam.

Một điều thú vị đó là quan điểm của Việt Nam về vai trò của ASEAN trong việc quản lý các tranh chấp Biển Đông đã thay đổi đáng kể. Đặc biệt, Việt Nam đã sử dụng rộng rãi các dàn xếp do ASEAN dẫn dắt để vừa can dự, vừa cân bằng mềm với Trung Quốc. Một mặt, hợp tác kinh tế với Trung Quốc thông qua những hành lang như Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN đã tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng lớn giữa hai nước, qua đó xoa dịu phần nào các căng thẳng trên biển. Mặt khác, Việt Nam cũng đang cố gắng sử dụng các công cụ chính trị và pháp lý do ASEAN cung cấp để định hình các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ví dụ, Việt Nam là một trong những tác nhân chủ chốt đằng sau việc thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002. Hà Nội đang thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý sẽ sớm được đàm phán. Tại các hội nghị ASEAN, Việt Nam thường xuyên vận động cho một lập trường mạnh mẽ của ASEAN về vấn đề này, như được thể hiện tại hội nghị ngoại trưởng tuần trước. Đôi khi, như tại Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 17 được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam đã khéo léo sử dụng diễn đàn này để vận động sự ủng hộ quốc tế cho lập trường của mình đối với các tranh chấp.

Biến chuyển trong nhận thức của Việt Nam về vai trò của ASEAN trong việc quản lý các tranh chấp Biển Đông bắt nguồn từ một sự kết hợp những diễn biến mới kể từ đầu những năm 1990. Ví dụ, việc Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển đã bắt buộc Việt Nam phải sử dụng các kênh ASEAN để đối phó với Trung Quốc và khiến các nước thành viên ASEAN khác bớt thờ ơ về vấn đề này và thấu cảm hơn với cách tiếp cận của Việt Nam. Đồng thời, sự xuất hiện của các dàn xếp mới do ASEAN dẫn dắt với sự tham gia của Trung Quốc, như Diễn đàn Khu vực ASEAN (1994), Hội nghị Cấp cao Đông Á (2005), và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (2010), cũng đã tạo điều kiện cho những nỗ lực của Việt Nam nhằm cân bằng mềm với Trung Quốc thông qua ASEAN.

Không thể phủ nhận, ASEAN đã biến chuyển đáng kể trong hơn 50 năm qua, và nhận thức của Việt Nam về ASEAN và vai trò của nó trong các vấn đề khu vực cũng vậy. Việc gia nhập ASEAN đã đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, và bất chấp những thất vọng nhất định vào lúc này lúc khác do ASEAN không thể đạt được đồng thuận về các vấn đề nhạy cảm chính trị, ASEAN vẫn hết sức quan trọng đối với chính sách ngoại giao của Hà Nội cả về kinh tế lẫn chiến lược. Mối quan hệ ASEAN-Việt Nam là một câu chuyện nữa cho thấy ASEAN là một tài sản có giá trị như thế nào đối với các nước thành viên, một câu chuyện rất có thể sẽ được kể tiếp trong 50 năm tới và xa hơn nữa.

H. Lê - Lê Thu Hương