{keywords}
Ảnh minh họa

Không gian sản xuất đồng nhất để cùng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công thương, một trong những mục tiêu quan trọng của ASEAN là tạo nên một không gian sản xuất chung đồng nhất để cùng hợp tác và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ở các nước ASEAN có nền kinh tế quy mô nhỏ hơn, phần lớn trình độ phát triển mức thấp hơn. Quy mô thị trường mặc dù kết hợp với các nước ASEAN với nhau thì khá lớn nhưng về cơ bản vẫn còn nhỏ so với một số thị trường hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, chúng ta cùng tập hợp với nhau hợp tác tạo sức mạnh, tạo không gian sản xuất chung.

Và để làm được chuyện này, quan trọng là phải tham gia được chuỗi cung ứng trên toàn cầu vì chúng ta biết ASEAN không tự tạo ra được chuỗi cung ứng mới. Đầu tiên, phải mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài. Từ đó, khi đặt một chân vào chuỗi cung ứng thì các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam sẽ cố phấn đấu bước lên những bước tiếp theo của chuỗi cung ứng. Đây là xu hướng quan trọng trong ASEAN và hợp tác kinh tế ASEAN thể hiện mạnh ở điểm này.

Bởi thế, Việt Nam và các nước ASEAN trước tiên cần tập trung đến là chuỗi cung ứng dạng phức tạp, tức chuỗi cung ứng có sự phát triển như vũ bão trong thời gian vừa qua. Ví dụ, một linh kiện có thể đi qua biên giới một số nước, sau đó được lắp ráp nên sản phẩm và đưa đến thị trường cuối cùng. Đây gọi là chuỗi cung ứng phức tạp.

Mỗi nước với đặc thù riêng, có cách làm khác nhau nhưng cơ bản nhất vẫn là mở cửa tập trung vào những lĩnh vực mà từ đó có thể đi lên được. ASEAN thời gian qua tìm cách hợp tác với nhau thông qua các hiệp định như hiệp định thương mại dịch vụ được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới hay có những hợp tác trong tài chính – ngân hàng phù hợp là những minh chứng cụ thể nhất.

Thêm nữa, để chuỗi cung ứng đó vận hành hoàn hảo thì thông tin rất quan trọng, bởi chúng ta đều biết, hiện nay đang phát triển mạnh CMCN 4.0. Vì vậy hiệp định thương mại điện tử ASEAN cũng đặt ra những nền tảng ban đầu để giải quyết những rào cản trong đó.

Việt Nam đặt mục tiêu dịch chuyển lên nấc thang cao hơn

Vừa qua Tổ chức Thương mại thế giới cũng đặt trọng tâm là vào chuỗi cung ứng này và ASEAN cũng như vậy. Việt Nam theo báo cáo của  Tổ chức Thương mại thế giới là một trong những số ít nước tăng được sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam có 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng là rất lớn. Khả năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam được đánh giá là khá tốt trước các rủi ro thương mại quốc tế. Thế nhưng, dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam phải giải quyết nhiều vấn đề, như tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chỉ là 21%, thấp hơn nhiều so với 46% ở các nước trong khu vực ASEAN.

Tỷ trọng giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới thấp, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở các khâu đơn giản như lắp ráp, đóng góp sản phẩm, trong khi đây là những mắc xích hạ nguồn của chuỗi cung ứng, thường có giá trị gia tăng không cao và thiếu bền vững. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được các doanh nghiệp FDI mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước hiện chỉ đạt chưa tới 27% tổng giá trị đầu vào, phần còn lại là mua từ doanh nghiệp FDI khác hoặc nhập khẩu.

Theo quan sát của GS. Trần Văn Thọ - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế Chính phủ, lao động dư thừa trong nông nghiệp hay kinh tế cá thể đang chiếm tỷ lệ rất cao. Hiện trên 40% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế cá thể, trong khi đó năng suất lao động trong 2 lĩnh vực này rất thấp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp, nhưng GS. Trần Văn Thọ cho rằng, 2 nguyên nhân chính là lao động trong khu vực nông nghiệp, kinh tế cá thể còn lớn và khu vực kinh tế tư nhân vẫn ở vị trí thấp trong nền kinh tế. Ông dẫn chứng việc Việt Nam đầu tư cho nhập khẩu công nghệ mới - một giải pháp chính để tăng năng suất lao động, nhưng hầu hết vốn tập trung vào doanh nghiệp nhà nước, trong khi hoạt động của khu vực này không mang lại hiệu quả kinh tế cao và năng suất lao động thấp.

Trên thực tế, đầu tư công nghệ của khu vực kinh tế tư nhân hiệu quả hơn đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước. GS. Trần Văn Thọ nói: "Việc cần làm bây giờ là Chính phủ phải sớm khơi thông thị trường vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn đầu tư công nghệ và thay đổi năng suất. Việc tự túc vốn đầu tư công nghệ sẽ buộc doanh nghiệp tư nhân phải nghiên cứu rất kỹ về thị trường, lựa chọn công nghệ phù hợp".

Thực tiễn đang diễn ra cho thấy, tất cả đều hướng đến mục tiêu đầu tiên tham gia miếng bánh nhưng khi tham gia rồi thì hưởng giá trị tốt hơn từ việc tham gia đó.

Linh Đan - Vũ Thị Huyền (tổng hợp)