{keywords}
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Theo đánh giá của các nhà ngoại giao, đảm nhận thành công Chủ tịch ASEAN 2020 chính là cơ hội để Việt Nam thể hiện năng lực và phát huy vai trò dẫn dắt của mình, đáp ứng sự trông đợi, tin tưởng của các nước thành viên và đối tác. Nhìn rộng hơn, đây là phép thử đối với việc triển khai chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương của nước ta. Cơ hội lớn song hành với gánh nặng lớn. Đó là gánh nặng của trách nhiệm, của uy tín, và của vị thế Việt Nam.

Năm 2020 là một năm rất đặc biệt đối với cả ASEAN và Việt Nam. Với ASEAN, đó là tròn 5 năm thành lập Cộng đồng ASEAN, là mốc kiểm điểm giữa kỳ việc triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015-2020, hoàn tất triển khai một loạt kế hoạch hành động giữa ASEAN với đối tác. Với Việt Nam, tròn 25 năm ta tham gia ASEAN, và hàng loạt các sự kiện kỷ niệm năm tròn, năm chẵn.

Bên lề Lễ ra mắt và Phiên họp thứ Nhất của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 diễn ra hôm 24/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Việt Nam sẽ luân phiên đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, các công việc chuẩn bị đã được khởi động.

Đầu tiên là việc thành lập Ban Tổ chức thu xếp công tác chuẩn bị cho năm 2020. Cùng với đó, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 đã được thành lập. Trong Ủy ban Quốc gia này có các tiểu ban, các trụ cột, quy chế phối hợp.

Về phần nội dung, đến nay, Việt Nam đã tiến hành xúc tiến, trao đổi với các bộ, ngành, chuyên gia về ASEAN trong và ngoài nước để xác định những vấn đề Việt Nam nên tập trung, chủ đề cho năm 2020. Những công việc này đã được triển khai và cho kết quả bước đầu.

Tuy nhiên ông Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, còn quá sớm để nói tới các ưu tiên, chủ đề của năm 2020. Tuy nhiên Việt Nam đã chuẩn bị từ rất sớm và đang trong quá trình trao đổi, tham khảo ý kiến nội bộ Việt Nam cũng như tham khảo các nước.

“Tôi cho rằng, chủ đề, ưu tiên của Việt Nam phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó có sự kế thừa chủ đề và ưu tiên các năm trước đây, nhất là của Philippines, Singapore và Thái Lan; đồng thời vừa phải hài hòa với quan tâm chung của các nước thành viên cũng như các đối tác ASEAN, vừa đáp ứng và phù hợp với lợi ích của Việt Nam”, thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nói với tờ Thế giới và Việt Nam.

Đảm nhận Chủ tịch ASEAN vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của nước thành viên. Trách nhiệm trước hết là đến lượt Việt Nam làm Chủ tịch theo luân phiên.

Trách nhiệm thứ hai là phải làm sao duy trì được đà tiến triển của ASEAN. Chủ tịch ASEAN phải có trách nhiệm kế thừa, phát huy những gì ASEAN đã đạt được hoặc tiếp nối những gì ASEAN đang triển khai, và hơn nữa, năng lực của Chủ tịch còn thể hiện ở việc thúc đẩy hợp tác nội khối và nâng cao vị thế của ASEAN với bên ngoài.

Đồng thời, việc là Chủ tịch ASEAN còn là cơ hội để Việt Nam được đóng góp vào công việc chung, vì mục tiêu lợi ích chung. Đảm nhận tốt trọng trách này sẽ giúp nâng cao uy tín của Việt Nam, đồng thời là cơ hội để quảng bá đất nước, con người, văn hóa, du lịch… với bạn bè quốc tế.

 “Việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ là cơ hội của Việt Nam trong việc thể hiện vai trò chủ nhà, là phép thử cho sự trưởng thành; là cơ hội rất tốt để phát huy khả năng của Việt Nam trong việc dẫn dắt Cộng đồng ASEAN, quảng bá đất nước để khu vực và thế giới hiểu hơn về Việt Nam”, ông Dũng quả quyết.

Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 đã được thành lập theo Quyết định số 1743/QĐ-TTg ngày 14/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều phối, hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương về các lĩnh vực công tác có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020.

Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 gồm Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; ba Phó Chủ tịch là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; 25 thành viên khác là lãnh đạo các bộ, cơ quan tham gia hợp tác ASEAN.

Sơ bộ từ nay đến hết năm 2020, Ủy ban Quốc gia sẽ có khoảng 9 cuộc họp, mỗi quý có một cuộc họp, ngoài ra có thể còn có các cuộc họp bất thường khi có nhu cầu. 

Diên Vỹ - Lê Thu Hương