“Lần này chúng ta phải sửa một cách tổng thể Bộ Luật Lao động để thực hiện cam kết và cũng là điều kiện để thực hiện các hiệp định thương mại thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP.”

Nhà báo: Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh cộng đồng khu vực có thể thực hiện thành công tầm nhìn 2025 nếu như phụ nữ và trẻ em gái được đảm bảo cơ hội công bằng và không bị bỏ lại ở phía sau. Để làm được điều này, mỗi phụ nữ và trẻ em gái phải có quyền bình đẳng trong gia đình và xã hội, được học hành, phát triển, bảo vệ và thực hiện những quyền năng chính đáng của mình.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động - việc làm góp phần thực hiện thành công tầm nhìn 2025 ra sao? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc tọa đàm với hai khách mời là ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và bà Đỗ Ngân Bình, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật - Đại học Luật Hà Nội. 

{keywords}
Các khách mời: ông Bùi Sỹ Lợi (giữa) và bà Đỗ Ngân Bình (phải)

Thay đổi cách tiếp cận

Nhà báo: Thưa hai vị khách mời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động và dự kiến trình Quốc hội để thông qua vào kỳ họp tháng 10/2019 tới đây. Vậy trong lần sửa đổi này, chúng ta cần làm gì để góp phần vào một khu vực đoàn kết, tự cường, sáng tạo, phát triển bền vững khi có sự tham gia quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái, đúng như phát biểu của Thủ tướng?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo dự kiến có 10 nội dung sửa đổi tổng thể Bộ Luật Lao động năm 2012. Đối với khía cạnh bình đẳng giới, có lẽ chúng ta sẽ tập trung sửa một số điều trong chương 10 về những vấn đề liên quan đến lao động nữ, như thời gian vệ sinh kinh nguyệt, thời gian cho con bú, thời gian chăm con dưới một năm tuổi và những điều kiện lao động cho lao động nữ như nhà trẻ, trường mẫu giáo, v.v… 

Bộ Luật Lao động cũng sẽ xem xét tất cả những điều khoản lao động liên quan đến vấn đề nguyên tắc bình đẳng giới, đảm bảo bình đẳng cho lao động cả nam và nữ, như vấn đề tiền lương, tuổi nghỉ hưu và các điều kiện ngành nghề làm việc mà có sự ngăn cấm lao động nữ. Lần này chúng ta phải sửa một cách tổng thể để thực hiện cam kết với các nước trong khu vực và cũng là điều kiện để thực hiện các hiệp định thương mại thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP.

Chúng tôi cũng đang lắng nghe ý kiến của các chuyên gia quốc tế, chuyên gia ILO và các tổ chức NGO để sửa bộ luật làm sao cho đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của khu vực.

Bà Đỗ Ngân Bình: Theo tôi trong việc sửa luật lần này, vấn đề thay đổi hướng tiếp cận trong việc đặt ra các quy định về lao động nữ là rất cần thiết. Thay vì tiếp cận theo hướng bảo vệ lao động nữ một cách thái quá và tạo ra những tác dụng ngược trong thực tế, chúng ta cần đưa ra những quy định tạo điều kiện để lao động nữ có cơ hội bình đẳng để phát triển, và tham gia cống hiến như lao động nam.

Không phải chúng ta cào bằng để quyền lợi hai bên như nhau, mà điều quan trọng là phải xuất phát từ đặc thù của giới để đưa ra những quy định tương thích về thời giờ làm việc, nơi làm việc, bảo hộ lao động, để trên cơ sở đó lao động nữ sẽ có cơ hội tham gia những ngành nghề mà họ mong muốn.

Ví dụ, trong trường hợp lao động đang nuôi con dưới 12 tháng hoặc có thai từ tháng thứ 7 trở lên, thay vì không được phép huy động họ làm đêm, làm thêm thì nếu được sự đồng ý của họ, Doanh nghiệp có thể sử dụng được. Tất nhiên, lao động nữ phải rất cân đối về mặt điều kiện của bản thân xem tham gia được hay không.

Hay một số ngành nghề ảnh hưởng sức khỏe, sinh sản thì chủ lao động cũng sẽ công khai với lao động nữ một cách rất rõ ràng, cung cấp các điều kiện bảo hộ lao động phù hợp. Lúc đó lao động nữ cũng sẽ có quyền lựa chọn tham gia hay không tùy theo điều kiện.

Một điểm nữa là, ở một góc độ chuyên gia, tôi cho rằng ban soạn thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi cũng cần bổ sung một số quy định nữa để có thể bảo vệ tốt hơn quyền lợi của lao động nữ, ví dụ vấn đề quấy rối tình dục. Nếu lao động nữ được bảo đảm về an toàn nhưng lại không được đảm bảo an ninh về những yếu tố rất nhạy cảm như thế, không được đảm bảo môi trường làm việc an toàn thì cơ hội cống hiến của họ cũng sẽ bị cản trở rất nhiều. Tôi đánh giá quấy rối tình dục và việc hạn chế quấy rối trong dự thảo Bộ Luật Lao động sắp tới sẽ là một vấn đề khá nóng.

Ông Bùi Sỹ Lợi: Đúng vậy, trong Bộ Luật Lao động có nhiều vấn đề mà nếu chúng ta cứ tập trung quan tâm rất sâu đến quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ thì có khi lại thành rào cản khiến các doanh nghiệp người ta không muốn tuyển dụng lao động nữ.

Chẳng hạn, về chế độ thai sản, Bộ Luật Lao động hiện hành có một tiến bộ rất lớn so với các nước, là ta chuyển quy định phụ nữ được nghỉ sinh con từ 4 tháng lên 6 tháng. Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh là thời gian nghỉ 6 tháng quá dài, người lao động có thể mất cơ hội làm việc mình đang làm trước khi nghỉ sinh vì doanh nghiệp đã bố trí người khác.

Lần này sửa Bộ Luật Lao động có lẽ chúng ta phải có chế tài, quy định, cách thức nào đấy để ngăn chặn những vấn đề như thế, nếu không rõ ràng chúng ta định mang lại lợi thế cho lao động nữ mà lại thành cản trở họ.

Cải thiện khâu thực thi luật

Nhà báo: Có một thực tế hiện nay là cơ cấu lương thưởng cũng có sự phân biệt rất rõ giữa các nước trong khu vực và cả giới tính. Quý vị đánh giá sao về vấn đề này?

Bà Đỗ Ngân Bình: Tôi không nhận thấy vấn đề phân biệt lương thưởng theo giới tính trong Bộ Luật Lao động hiện hành. Còn việc phân mức lương tối thiểu theo vùng miền có những lý do đặc biệt khác, chẳng hạn xuất phát từ đặc điểm về giá cả sinh hoạt, v.v…

Nói một cách khách quan, các quy định trong bộ Luật Lao động 2012 cơ bản đã bảo đảm được quyền bình đẳng lao động nam – nữ. Tuy nhiên trong thực tế có một số vấn đề mà khi đối chiếu với Công ước ILO và các công ước Việt Nam đã phê chuẩn, như công ước 100, công ước 111 thì có một số điểm mà chúng ta cần tiếp tục xem xét sửa đổi. 

Ông Bùi Sỹ Lợi: Đúng như chị Ngân Bình nói, luật quy định trả công bình đẳng cho công việc có giá trị ngang nhau, không phân biệt đối xử. Nhưng trong thực tế triển khai, giám sát và qua thanh tra lao động thì chúng tôi nhận thấy rõ ràng có sự ngăn cách vấn đề lương, thưởng đối với lao động nữ. Ở một chừng mực nào đó người ta vẫn đánh giá sự cống hiến, đóng góp của lao động nữ không bằng lao động nam, dẫn đến lương được trả đúng như vậy và thưởng cũng không đồng đều.

Điều này cho thấy việc chấp hành pháp luật Lao động của các DN là rất có vấn đề. Chúng tôi đã yêu cầu Bộ LĐTBXH, Ban quản lý nhà nước và thanh tra lao động phải yêu cầu các DN chấp hành đúng quy định pháp luật.

Mong muốn của các nước trong khu vực cũng như các công ước của Liên hợp quốc về vấn đề bình đẳng tiền lương tiền thưởng giữa nam và nữ là luôn luôn phải được chấp hành theo nguyên tắc rất cơ bản.

Bà Đỗ Ngân Bình: Điều tôi băn khoăn là làm sao có một cơ chế để công tác thực thi pháp luật tốt hơn, trách nhiệm của người sử dụng lao động được thực hiện tốt hơn, không chỉ dưới góc độ thanh tra, kiểm tra mà bản thân các tiêu chí để xác định cách thức trả lương cũng phải được làm minh bạch hóa trong khối doanh nghiệp.

Vì trong quá trình thực thi, hệ thống thang bảng lương ở các doanh nghiệp ngoài căn cứ trên các khung của luật, bao giờ cũng có quy định cụ thể nội bộ, có tiêu chí đánh giá, thang bảng lương, quy chế trả lương, thưởng. Phải kiểm soát được tất cả những quy chế đó để đảm bảo đánh giá được đúng thực chất và kết quả làm việc, khi nam và nữ tạo ra giá trị như nhau thì họ phải được hưởng như nhau.

Chủ doanh nghiệp khi trả lương quan tâm nhiều nhất đến kết quả làm việc, từ đó họ quan tâm đến chi phí tạo ra kết quả đó thế nào. Xét trong bối cảnh hiện nay, họ sẽ cảm thấy chi phí bỏ ra để sử dụng một lao động nữ cao hơn lao động nam, vì lao động nữ sẽ còn được hưởng rất nhiều chế độ đặc biệt khác, và sẽ nghiêng về sử dụng lao động nam nhiều hơn.

Do đó việc thay đổi nhận thức khá quan trọng nếu như người sử dụng lao động hiểu được là khi tạo ra một kết quả như nhau, nhưng xuất phát từ đặc thù giới lao động nữcũng có một số ưu thế nhất định khi làm một số ngành nghề nhất định. Khi những ngành nghề đó được đánh giá là dành riêng và có lợi thế với lao động nữ, tôi tin các chủ lao động nếu hiểu được điều đó cũng sẽ tạo những cơ chế để lao động nữ được làm việc thuận lợi hơn và tạo ra những kết quả xứng đáng đúng như lao động nam.

Ông Bùi Sỹ Lợi: Đúng vậy, một điều rất quan trọng là làm chuyển biến nhận thức kể cả của lao động nữ, kể cả của chủ sử dụng lao động. Bởi có những khi chính lao động nữ của chúng ta cũng cam chịu hoặc không đấu tranh vì cảm thấy mình yếu thế,  được tuyển dụng vào các cơ quan, doanh nghiệp đã khó khăn rồi. Điều đó tạo ra lực cản đấu tranh, khiến sự đấu tranh cũng hạn chế. Khi ấy vai trò đặt lên tổ chức đại diện người lao động đó là công đoàn phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động.

Chúng ta phải nhận thức đầy đủ là lao động nữ chiếm một tỷ lệ tương đương lao động nam, hai giới này đang cân bằng nhau và rõ ràng đến một lúc nào đó, với sự mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay, 112 bé trai/100 bé gái, tỷ trọng lao động nữ sẽ thấp hơn lao động nam.

Rõ ràng trong phân công lao động, việc bố trí lao động hợp lý giữa nam và nữ cũng là động lực để tăng năng suất lao động, nên nếu không làm tốt thì sẽ dẫn đến hạn chế tăng năng suất lao động. Do đó, một chủ lao động mang định kiến giới, đánh giá sai bình đẳng giới giữa nam và nữ cũng chính là làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Nhà báo: Một câu hỏi cuối thưa quý vị. Tại phiên cập nhật các kế hoạch công tác ACWC 2016 – 2020, đoàn Việt Nam cũng đã thông tin về phát triển bao trùm và bền vững trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN thông qua đảm bảo công nhận địa vị pháp lý của tất cả phụ nữ và trẻ em do tổ chức này điều phối. Xin ông Lợi cho biết thêm về vấn đề này?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Phát triển bền vững là muốn nói đến việc làm bền vững phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố: thực hiện chính sách, chế độ, đảm bảo các quyền lợi cho người lao động cả nam và nữ bình đẳng như nhau, đảm bảo vấn đề an toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo điều kiện chăm sóc tốt nhất cho lao động nữ: chăm sóc con nhỏ, cho con bú… Quan trọng nhất việc làm bền vững này phải đảm bảo không chỉ tiền lương mà cả các chính sách bảo hiểm xã hội, BHYT.

Phát triển bao trùm và bền vững chính là để chúng ta phấn đấu để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ, nghĩa là không để ai bị lùi lại phía sau. Chẳng hạn tiền lương tối thiểu cũng là một điều kiện, hoặc chính sách an sinh xã hội hiện nay của chúng ta chính là cái sàn an sinh xã hội để không ai nằm dưới “sàn” này.

Nhà báo: Xin cảm ơn những chia sẻ hữu ích của hai vị khách mời.

Lê Thu Hương (thực hiện)