Cùng với những nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở trong nước, Việt Nam cũng đã đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chung trong việc bảo đảm quyền con người ở cấp độ khu vực và quốc tế.

Ngay từ những ngày đầu của nước Việt Nam mới, Quyền con người đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên ngôn năm 1776 của nước Mỹ và Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791, nêu rõ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc… Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Trên tinh thần đó, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc đảm bảo quyền con người luôn là mục tiêu nhất quán, là động lực xuyên suốt của mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Trong những năm qua, cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên các lĩnh vực: Các quyền dân sự, chính trị; các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; các quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương.

Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong việc bảo đảm quyền con người, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa quyền con người và bảo đảm công bằng xã hội.

Đáng chú ý, Hiến pháp 2013 kế thừa và phát triển các chế định quyền con người, quyền công dân, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu chính đáng và ngày càng tăng về quyền con người; chứa đựng nhiều nội dung mới, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, như mọi người có quyền sống (Điều 19), các quyền về nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (Điều 40), quyền thụ hưởng và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng cơ sở văn hóa (Điều 41), quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giáo tiếp (Điều 42), quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43)… 

{keywords}

Quang cảnh một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters)

Đồng thời, Nhà nước đã nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới tạo điều kiện để Việt Nam tăng cường nguồn lực đầu tư cho con người. Đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ nghèo giảm mạnh cùng với việc thúc đẩy bình đẳng xã hội đã góp phần bảo đảm việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền con người trong nhiều lĩnh vực khác.

Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đặc biệt quan tâm việc bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc ít người, cộng đồng LGBT…

Cách tiếp cận và những thành tựu kể trên của Việt Nam được đông đảo nhân dân ủng hộ và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2015, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khi đó, ông Ban Ki Moon đánh giá “Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ”, đồng thời bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Cùng với những nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở trong nước, Việt Nam cũng đã đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chung trong việc bảo đảm quyền con người ở cấp độ khu vực và quốc tế. Trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016, Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò, tham gia tích cực và thực chất vào các diễn đàn quốc tế về quyền con người; phê chuẩn Công ước chống tra tấn và Công ước về quyền con người của người khuyết tật…

Việt Nam cũng tham gia 20 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 5 công ước cơ bản về các vấn đề lao động, việc làm như lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, phân biệt đối xử…; thực hiện nghiêm túc Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ I và II. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã cử 90 sỹ quan tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trong đó đáng chú ý, năm 2018, Việt Nam lần đâu tiên cử bệnh viện dã chiến cấp 2 gồm 63 thành viên đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn theo yêu cầu của Liên hợp quốc tới thực thi nhiệm vụ tại Nam Sudan. Những kết quả trên một lần nữa cho thấy Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra hiện nay: Trong khi cách tiếp cận và quan niệm về quyền con người còn có thể có sự khác biệt giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, các thế lực cơ hội, thù địch lại triệt để lợi dụng vấn đề quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Đối với Việt Nam, vấn đề quyền con người luôn được các thế lực cơ hội, thù địch triệt để lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong các vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do ngôn luận…

Kỷ niệm 70 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12) là dịp để Việt Nam nhìn lại những thành tựu trong nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; đồng thời nhận diện những khó khăn, thách thức đối với công tác này trong thời gian tới.

GS.TSKH Hoàng Ngọc Hà, Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương

Xuân Nhân (ghi)