Bài viết này nêu quan điểm: Trong xã hội hiện đại, để những người tài năng luôn có chỗ đứng bền vững trong hệ thống quản trị công của quốc gia thì việc thiết lập được thể chế trọng người tài mới là giải pháp cần quan tâm nhất.

Thể chế trọng người tài

Hiểu đơn giản, “thể chế” là tập hợp những nguyên tắc thành văn và bất thành văn, định hình hành vi của cá nhân cũng như tổ chức, quy định các mối quan hệ giữa các chủ thể khác nhau. Hệ thống tổ chức, luật pháp, quy định hành chính, hay các thông lệ ứng xử là những ví dụ điển hình về thể chế.

{keywords}
Thể chế trọng người tài vận hành dựa trên nguyên tắc cạnh tranh năng lực, mọi cá nhân đều bình đẳng về cơ hội tham gia khu vực công. Ảnh minh họa

Hệ thống thể chế công tốt là hệ thống vận hành duy lý, khách quan, ngăn chặn được nguy cơ lạm quyền, cũng như giảm thiểu được sự chi phối của những yếu tố cảm tính cá nhân. Nhờ đó, thể chế sẽ tạo điều kiện bình đẳng về cơ hội và công bằng về thụ hưởng thành quả cho mọi cá nhân khi họ đảm nhiệm các vị trí công quyền và thực thi công vụ.

Thể chế trọng người tài là một tập hợp những nguyên tắc và chuẩn mực do nhà nước ban hành, quy định quy trình phát hiện, tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt thăng tiến, giám sát, đánh giá, và thay thế đội ngũ nhân sự khu vực công.

Đặc điểm quan trọng nhất của thể chế trọng người tài là nó được vận hành dựa trên nguyên tắc cạnh tranh năng lực, mọi cá nhân đều bình đẳng về cơ hội tham gia khu vực công, không phụ thuộc vào xuất thân, tài sản, địa vị xã hội, đặc quyền, hay các quan hệ cá nhân.

Cũng nhờ đó, những người tài năng và ham muốn cống hiến nhất sẽ có thể bình đẳng về cơ hội đảm nhiệm các vị trí công quyền, qua đó tự thay đổi cuộc sống của mình nhờ khả năng đóng góp cho xã hội.

Các hệ thống quản trị vận hành dựa trên nguyên tắc tập trung quyền lực là điều kiện thuận lợi để thiết lập thể chế trọng người tài. Do ít chịu ảnh hưởng bởi nguyên tắc số đông, chủ thể của các cấu trúc tập trung quyền lực có thể đặt ra các tiêu chí chặt chẽ để thu hút và trọng dụng những người tài năng - vốn luôn thuộc về thiểu số trong xã hội.

Với các mô hình tập trung quyền lực, hệ thống thể chế chỉ là phương tiện của một chủ thể quản trị. Do không đề cao các phản ứng kiểm soát khách quan, cấu trúc tập trung quyền lực đòi hỏi khả năng tự kiểm soát cao độ của chủ thể quyền lực.

Chính điều này cũng dẫn đến nhu cầu về đội ngũ công bộc tài năng, bởi một niềm tin rằng người tài thường liêm chính, ham cống hiến, qua đó gia tăng uy lực và ảnh hưởng của bản thân, cũng như bảo đảm sự thành công và củng cố tính chính danh cho hệ thống quản trị.

Trật tự và ổn định

Điều đáng lo ngại nhất trong khu vực công là nguy cơ lạm quyền. Tức là khả năng những cá nhân đảm nhiệm các vị trí công quyền có thể lợi dụng quyền lực công để phục vụ cho các mục đích vị kỷ của cá nhân hoặc nhóm nào đó. Mối lo thứ hai với đội ngũ nhân sự khu vực công là thực thi công vụ một cách tùy tiện, để yếu tố cảm xúc cá nhân chi phối, dẫn đến sự phân biệt đối xử và hành xử bất bình đẳng.

Tham khảo thêm
Chọn người tài làm việc nước, Hàn Quốc phát triển bứt phá

Chọn người tài làm việc nước, Hàn Quốc phát triển bứt phá

Hàn Quốc có giai đoạn phát triển bứt phá thần tốc là do nhà nước tuyển chọn người tài ra làm việc nước từ những người giỏi nhất ở các đại học danh tiếng nhất.

Hai mối lo nêu trên đã được chứng thực trong các xã hội truyền thống, nơi những yếu tố thuộc về phẩm chất cá nhân có thể chi phối hoạt động của cơ quan công quyền. 

Điều này thể hiện qua một quan điểm đến nay vẫn khá phổ biến: “Lãnh đạo tài năng là người thu hút và trọng dụng được nhiều người tài giỏi xung quanh mình”. Đây là một thực tế đến nay vẫn đúng nhưng cũng chính là nguyên nhân dẫn đến xu hướng lạm quyền và rất khó đoán định trong sự vận hành của các chủ thể công.

Bởi thế, nếu chỉ chú ý đến yếu tố con người trong việc lựa chọn người tài thì khu vực công sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Xã hội hiện đại hướng đến sự duy lý, vốn yêu cầu phải kiểm soát được nguy cơ lạm quyền cũng như sự cảm tính cá nhân khi thực thi công vụ.

Thực hiện được điều này  không chỉ sẽ góp phần bảo đảm hiệu suất và hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan công quyền, mà còn duy trì được lòng tin của công dân vào chính quyền nhà nước.

Để góp phần giúp chính quyền hoạt động công tâm, khách quan, trật tự và ổn định thì yếu tố thể chế cần được coi trọng. Hệ thống thể chế được thiết lập vững chắc sẽ vận hành dựa trên những nguyên tắc đã được định sẵn, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người. Sự trật tự và ổn định do hệ thống thể chế công tạo ra sẽ bảo đảm quyền lực công được sử dụng để phục vụ lợi ích công.

Thách thức thiết kế thể chế

Thiết kế thể chế là việc phác họa ra những nguyên lý, nguyên tắc, và chuẩn mực quy định hành vi cá nhân, ra quyết định của tổ chức, cũng như sự vận hành của cả hệ thống quản trị công. Bản thiết kế thể chế cũng phải cho thấy và luận giải được mối quan hệ giữa các yếu tố đầu vào và kết quả đầu ra; hệ quả sẽ ra sao, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Để một hệ thống thể chế công có thể thành công, trước hết nhà thiết kế cần điểm tựa là một hệ giá trị nền tảng. Hệ giá trị đó phải phản ánh các nhu cầu và khát vọng của số đông người dân. Chỉ có như vậy, hệ thống thể chế mới được người dân chấp nhận, nhờ đó mà có thể thành công trên thực tế.

Liên quan đến đội ngũ nhân sự khu vực công, chức năng quan trọng của thể chế không chỉ dừng ở việc phát hiện và tuyển dụng được người tài. Hơn thế, khả năng phát hiện, thanh lọc, và thay thế những người yếu kém - những người mà kết quả công việc cho thấy họ không phù hợp cho các nhiệm vụ công, cũng đặc biệt quan trọng.

Đây chính là cơ sở để khẳng định, trong xã hội hiện đại, hệ thống thể chế tốt sẽ bảo đảm chỗ đứng vững chắc và bền vững cho người tài trong hệ thống quản trị quốc gia.

TS Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Để có chính quyền trí tuệ, cần thiết lập thể chế trọng người tài

Để có chính quyền trí tuệ, cần thiết lập thể chế trọng người tài

Thể chế trọng người tài không chỉ là yếu tố then chốt để có “chính quyền trí tuệ”, mà còn trở thành động lực thúc đẩy bình đẳng xã hội, thịnh vượng và hùng cường của mỗi quốc gia.