LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.

Nỗ lực đoạn tuyệt nền kinh tế kế hoạch hóa

Sau khi đất nước được thống nhất, Bắc-Nam xum họp một nhà, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1980 thay thế Hiến pháp năm 1959, trong đó có qui định “Vừa xây dựng Kinh tế trung ương, vừa phát triển Kinh tế địa phương”. Đây là định chế chưa từng có, phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa.

Sau Đổi mới, đất nước đã có vô vàn đổi thay và được thể hiện trong những bản Hiến pháp năm 1992 và 2013.

Tuy nhiên, trong các bản Hiến pháp đó, có một điều ở tầm quan trọng hàng đầu bất di bất dịch là qui định về các đơn vị hành chính của quốc gia, rằng “Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; Thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện và thị xã; Huyện chia thành xã và thị trấn; Thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường và xã; Quận chía thành phường” – Điều 113 Hiến pháp 1980, giữ nguyên trong Hiến pháp 1992 và 2013.

Trong cái “Dĩ bất biến” trên đây thì Hiến pháp năm 1992 và 2013 đã có một “Ứng vạn biến” rất quan trọng, đó là bỏ định chế “vừa xây dựng kinh tế trung ương, vừa phát triển kinh tế địa phương” của Hiến pháp năm 1980.

Việc này tạo căn cứ pháp lý cao nhất cho việc loại bỏ sự phân chia nền kinh tế thành hai bộ phận là kinh tế trung ương do trung ương trực tiếp quản lý và kinh tế địa phương do địa phương trực tiếp quản lý.

Việc sửa đổi trong Hiến pháp có căn cứ khoa học, thực tiễn sâu sắc do trên địa bàn các đơn vị hành chính của đất nước đã và đang hình thành, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần chứ không phải chỉ có hai bộ phận trên.

Tổng thể kinh tế đó đang cần có sự kiến tạo của Nhà nước theo các qui luật kinh tế thị trường chứ không phải theo mô hình kế hoạch hóa tập trung trước Đổi mới.

Sự thay đổi của Hiến pháp trên đây đã có nhiều chuyển biến trên thực tiễn, nổi bật là trong các báo cáo thống kê về tài khoản quốc gia từ năm 2000, chỉ tiêu GDP đã không còn phân chia đâu là kinh tế trung ương, đâu là kinh tế địa phương.

Trong báo cáo kinh tế cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, chỉ tiêu GDP, GRDP cũng đã không còn là thống kê về kinh tế địa phương mà là thống kê về tổng thể kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Dẫu vậy, thống kê GDP, GRDP và những chuyển biến khác còn xa mới tiến tới đích của việc xóa bỏ sự phân chia nền kinh tế thành kinh tế trung ương và kinh tế địa phương. Vẫn còn đó sự phân chia này và những hậu quả của nó gây trở ngại cho việc phát triển nền kinh tế Việt Nam, mà lâu nay chúng ta vẫn hay nghe nói là có 63 nền kinh tế.

{keywords}
Tổng thể kinh tế đó đang cần có sự kiến tạo của Nhà nước theo các qui luật kinh tế thị trường chứ không phải theo mô hình kế hoạch hóa tập trung trước Đổi mới. Ảnh: Lê Anh Dũng

Những hệ lụy kéo theo

Đầu tiên, đó là vẫn còn nhiều đơn vị kinh tế được giao cho các Bộ hoặc Ủy ban nhân dân trực tiếp quản lý. Đây là những thực thể của kinh tế trung ương, kinh tế địa phương còn tồn tại bất chấp định chế về hai bộ phận này đã bị Hiến pháp loại bỏ từ năm 1992.

Thực trạng này đang có triển vọng thay đổi khi xuất hiện một yêu tố mới với việc thành lập Ủy ban quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước vào cuối năm 2018. Theo đó, nhiều Bộ đã chuyển cho Ủy ban này một số đơn vị kinh tế trực thuộc của mình.

Vấn đề đặt ra là đến bao giờ thì toàn bộ các đơn vị kinh tế đặt dưới sự quản lý trực tiếp của các Bộ sẽ được chuyển hết về cho Ủy ban trên đây hoặc cho một tổ chức nào khác sẽ được thành lập trong tương lai.

Tuy nhiên, trước động thái trên đây của kinh tế trung ương, thì kinh tế địa phương vẫn chưa hề có động tĩnh gì để được giải phóng khỏi khuôn khổ địa phương của mình.

Thứ hai, ngân sách Nhà nước vẫn còn đó những phân định cũ về ngân sách trung ương - ngân sách địa phương, gây ra những bất cập không chỉ đối với các đơn vị chấp hành ngân sách mà cả với các cơ quan quản lý ngân sách.

Điển hình là việc ngân sách các cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) lồng vào nhau đến mức không hạch toán và kiểm soát nổi cho riêng từng cấp, đặc biệt là ngân sách trung ương thì bội chi trong khi ngân sách địa phương thì lại bội thu.

Những cuộc xin - cho về tài chính, dự án công,… nhiều khi và nhiều nơi đã biến thành những giằng-co về cơ chế phân chia ngân sách nhà nước giữa trung ương và địa phương. Gay gắt nhất về việc này không chỉ tại các tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách trên địa bàn ở mức cao nhất cả nước, mà cả ở nhiều tỉnh, thành phố có nguồn thu đó thấp nhất cả nước.

Việc giằng-co này đã kéo dài, cả trung ương và địa phương đều kêu thiếu ngân sách để chi tiêu cho các nhiệm vụ thuộc chức năng của mình. Lỗi này không thuộc về qui mô to hay nhỏ của ngân sách Nhà nước (bởi to đến đâu cũng vẫn là nhỏ so với nhu cầu) mà là do lỗi của phân bổ ngân sách, trong đó đã có những nhu cầu chi tiêu chồng chéo giữa các cấp, gây lãng phí, thất thoát và hiệu quả thấp.

Đã có vô vàn công trình được ngân sách trung ương cấp vốn nhưng giữa chừng cạn tiền, ngân sách địa phương phải chi tiếp nếu không muốn để dở dang cho đến khi công trình thành phế tích.

Thứ ba, đó là tổng thể kinh tế trên địa bàn từng tỉnh, thành phố từ sau Đổi mới đã không chỉ có kinh tế trung ương và kinh tế địa phương, mà là nền kinh tế phức hợp, gồm nhiều thành phần với sự xuất hiện ngày càng mạnh mẽ của kinh tế tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trên hoạt động thực tiễn, tổng thể kinh tế này từ một, hai thập kỷ qua đã không thể sử dụng phương thức quản lý cũ, nhưng lại chưa có phương thức mới thay thế. Tình trạng thừa cũ thiếu mới đã dẫn đến một thực trạng là tổng thể kinh tế trên địa bàn từng tỉnh, thành phố vẫn duy trì phương thức song trùng lãnh  đạo, chỉ huy, điều hành giữa Trung ương và địa phương.

Mặc dù đã có nhiều sự nhất trí giữa trung ương và địa phương trong phương thức song trùng, nhưng hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã và đang xin trung ương ban hành những cơ chế đặc thù cho riêng mình. Tuy nhiên, cái gọi là cơ chế đặc thù đã được ban hành chỉ ở mức đếm được trên đầu ngón tay. Vấn đề đặt ra là phải ban hành một cơ chế chung có thuộc tính là đặc thù cho cả 63 tỉnh, thành phố.

Định chế vừa xây dựng kinh tế trung ương, vừa phát triển kinh tế địa phương đã được rút bỏ trong Hiến pháp, nhưng vẫn hiện diện trong nền kinh tế từng ngày, từng giờ.

Tôn trọng quy định của Hiến pháp

Việc chậm hủy bỏ  định chế đó trên thực tiễn như đã thấy ít nhiều trên đây đã góp phần lý giải rằng vì sao Việt Nam bị dừng lại quá lâu ở mức phát triển trung bình thấp trên thế giới. Để đất nước tiến tới phát triển lành mạnh, về phương diện kinh tế, còn rất nhiều việc hệ trọng phải làm để thực hiện triệt để sự thay đổi của Hiến pháp trên đây, trong đó:

- Các Bộ ở trung ương và các Ủy ban nhân dân ở địa phương cần được giải phóng khỏi việc phải trực tiếp quản lý doanh nghiệp để tập trung năng lực vào thực hiện quản lý tổng thể kinh tế trên các địa bàn vùng chiến lược (đối với cấp trung ương), và tổng thể kinh tế trên địa bàn từng tỉnh, thành phố (đối với cấp địa phương). Việc phân định này cho phép loại bỏ phương thức song trùng lãnh đạo giữa trung ương và địa phương, nguyên nhân của những sơ hở và chồng chéo trong quản lý kinh tế.

Về đối tượng quản lý, cấp trung ương sẽ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc hình thành, phát triển và hoàn thiện cấu trúc kinh tế khác nhau giữa các vùng chiến lược (hiện nay đang có 6 vùng). Trong khi đó, cấp địa phương sẽ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc hình thành, phát triển và hoàn thiện cấu trúc kinh tế khác nhau giữa các tỉnh, thành phố (hiện đang có 63 tỉnh, thành phố). Việc chuyển hướng trên đây khiến trung ương và địa phương đều có những dư địa khác nhau, để cùng nhau làm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bổ sung cho nhau trong sự đa dạng của các tổng thể kinh tế trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

- Ngân sách nhà nước cũng cần được giải phóng khỏi phương thức cũ về ngân sách trung ương, ngân sách địa phương.

Về phương diện thu ngân sách, tất cả các nguồn thu đều do bộ máy được tổ chức thống nhất theo ngành dọc từ Bộ Tài chính xuống đến cấp cơ sở thực hiện, và hạch toán vào tài khoản duy nhất là Ngân sách nhà nước, thay vì mô hình thu ngân sách trung ương, ngân sách địa phương.

Về phương diện phân bổ ngân sách, cần xác định 3 loại đối tượng do Quốc hội phê duyệt, gồm: i/Chi thường xuyên cho bộ máy trung ương;  ii/Chi đầu tư cho các công trình liên kết giữa các tỉnh, thành phố trên địa bàn từng vùng chiến lược;  iii/Chi thường xuyên và đầu tư cho phát triển tổng thể kinh tế - xã hội trên địa bàn từng tỉnh.

Số tuyệt đối của ngân sách phân phối cho ba đối trượng trên được đảm bảo ổn định theo hướng năm sau bằng hoặc cao hơn năm trước, tùy theo tốc độ và hiệu quả tăng trưởng của tổng thể kinh tế từng vùng, từng tỉnh, thành phố.

Để đảm bảo công bằng trong phân phối ngân sách cho các tỉnh, thành phố, cần áp dụng nguyên tắc chung là: đơn vị nào có tổng diện tích lãnh thổ lớn hơn, tổng dân số lớn hơn thì được phân bổ ngân sách nhiều hơn. Ngoài ra, để “không ai bị bỏ lại phía sau”, cần áp dụng sự phân bổ đặc biệt cho các tỉnh có tổng thu ngân sách trên địa bàn ở tốp thấp nhất trong cả nước, giúp các địa phương đó có thêm nguồn lực để phát triển, tiến kịp tốp trước.

Tiến sỹ Đinh Đức Sinh