Chương trình này được thiết kế với liều lượng như thế nào để đủ tầm với đòi hỏi của thực tiễn, nhưng lại phải không gây bất ổn vĩ mô, đó là bài toán Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng băn khoăn với mục tiêu sao cho nền kinh tế không “lỡ nhịp” với thế giới.

Ít nhất, chương trình đó phải đáp ứng nhiều mục tiêu như phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19; có giải pháp hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa, DN có khả năng khôi phục; cho người nghèo, người yếu thế, người lao động, nhất là trong khu vực dịch vụ, công nghiệp.

Và hơn nữa, chương trình đó phải có các giải pháp căn cơ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến phát triển nhanh, bền vững hơn trong tương lai.

{keywords}
Hàng chục nghìn người dân từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai trở về miền Tây những ngày qua. Ảnh: Tùng Tin

Một chương trình đa mục tiêu và quy mô lớn như vậy là khẩn cấp và cần thiết để ứng phó với mức độ tàn khốc của dịch bệnh cũng như ngăn chặn rủi ro suy thoái kinh tế chưa từng có trong “lịch sử thống kê”.

Thế giới đang phục hồi

Theo IMF, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 6% năm nay và 4,9% năm 2022. So với dự báo trước đó của định chế này hồi tháng 4, triển vọng kinh tế của các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở châu Á, đã được điều chỉnh giảm do Covid-19 bùng phát. Ngược lại, dự báo tăng trưởng của các nước tiên tiến được điều chỉnh tăng lên do việc triển khai vắc xin diện rộng và những thay đổi trong chính sách hỗ trợ.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia trong khu vực như Thái Lan đã có những gói hỗ trợ lên đến 11,4% GDP, Malaysia 5,3% GDP.

Ở Thái Lan, chính phủ đã hỗ trợ các DN du lịch và lữ hành thông qua ưu đãi thuế và chương trình cho vay trị giá 4,8 tỉ USD. Ngân hàng Thái Lan cũng hỗ trợ các DN vừa và nhỏ vay khoản vay trị giá 15,9 tỉ USD. Chính phủ dành khoảng 12,7 tỉ USD cho các dự án phục hồi kinh tế và xã hội. Đây là những số liệu được TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam tổng hợp.

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản phản ứng khá nhanh với các diễn biến phức tạp của tình hình đại dịch, với một loạt gói chính sách nhằm đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội nói chung và thúc đẩy du lịch nói riêng. Đối với ngành du lịch, chính phủ và chính quyền địa phương đã thực hiện một số trợ cấp như phát động chiến dịch “Go To Travel” với ngân sách lên tới 1,7 nghìn tỷ yên (15,490 tỷ USD).

Gói hỗ trợ lọt thỏm

Những số liệu đó làm Bộ trưởng Dũng suy nghĩ. Ông tính toán, chính sách hỗ trợ của Việt Nam có quy mô khoảng 6,7 tỷ USD bao gồm chính sách tài khóa về thuế, phí, lệ phí và về tiền tệ với khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay... Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh khác như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí, quy mô các gói hỗ trợ năm nay là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.

{keywords}
Lãnh đạo TP.HCM trao quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Như Sỹ

Ông Dũng tỏ ra băn khoăn khi tổ chức một cuộc tham vấn với các nhà kinh tế cuối tuần trước: “Mức hỗ trợ này vẫn là mức thấp. Các chính sách hỗ trợ vẫn chủ yếu nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính của DN, người dân, chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế; thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai”.

Cấp cứu theo cách phi truyền thống

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu không có chương trình phục hồi thì rất khó đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của 2022-2024 sau khi liên tục 2 năm nay đã không đạt mục tiêu.

Ông cho rằng, so với giai đoạn 1999-2011, chính sách bây giờ tốt hơn nhiều. Lạm phát ổn định, tài chính tuy có rủi ro nhưng vẫn vững chắc, bội chi ngân sách và nợ công đã giảm nhiều so với GDP. Cán cân đối ngoại vẫn tốt, thị trường ngoại tệ cao gấp 4 lần thời kỳ trước.

“Dư địa chính sách nhỏ hay to, còn hay không do chúng ta tự quan niệm, đánh giá. Tôi cho rằng đến lúc này cần mạnh chi, nếu không chi là có tội. Không thể chi tiêu bủn xỉn như thời gian vừa rồi trong đại họa như thế này”, ông Cung nói.

“Giải pháp phải mạnh và ngay lập tức, cách thức ứng xử phải phi truyền thống chứ nếu cứ áp dụng hành chính tuần tự như vừa rồi thì rất khó với hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng”, ông nói.

Gánh nặng lên tài khóa hay tiền tệ?

Một chuyên gia phân tích, tăng trưởng kinh tế quý III âm 6,17%. Kể từ năm 2000 khi ngành thống kê bắt đầu tính GDP theo quý, chưa bao giờ xảy ra tình trạng này.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng đó là đại dịch đợt 4 đánh trực diện vào các trung tâm kinh tế trọng điểm, nhất là TP.HCM và miền Đông Nam Bộ… dẫn đến phong tỏa diện quá rộng, kéo quá dài. Từ đó, bên cạnh gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa như quý II năm trước, thì quý III năm nay gây thêm đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.

Đứt gãy chuỗi cung ứng lao động gây tác hại ghê gớm về kinh tế, nhưng khôi phục khó khăn và chậm hơn nhiều. Mấy hôm nay dịch bệnh có lắng xuống, các địa phương có nới lỏng giãn cách, mà người lao động tiếp tục bỏ về quê.

Tuy nhiên, chuyên gia này không ủng hộ dùng chính sách tiền tệ để cứu trợ kinh tế. Lý do là ở các nước, nguồn lực hỗ trợ DN và người dân là từ tài chính (thuế, phí..), từ ngân sách. Trong khi đó, ở ta là từ ngân hàng thương mại.

“Cả thế giới xem ngân hàng thương mại là đối tượng cần được hỗ trợ, cứu trợ, chứ không phải ngược lại như ta đang làm, bởi đây là lĩnh vực kinh doanh đầy rủi ro… Ta chọn ngân hàng thương mại làm đội quân xung kích đi cứu trợ DN là lầm lẫn”, ông nói.

Lấy kinh nghiệm xử lý vụ vỡ nợ Quỹ tín dụng nhân dân cuối những năm 1980, hay xử lý ngân hàng yếu kém cách đây chừng 1 thập kỷ với nhiều hệ lụy dai dẳng đến ngày nay, ông cho rằng, phải hết sức thận trọng trong việc sử dụng nguồn lực từ ngân hàng trong hỗ trợ DN bởi nguy cơ đối với một số ngân hàng thương mại vẫn đang rình rập.

“Vì thế, ngay từ bây giờ phải tính sát các kịch bản và phải xin tăng tỷ lệ bội chi ngân sách, tăng tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ… Phải là chính sách tài khóa”, ông nói. 

Tư Giang

Kinh nghiệm 20 nước: Dùng nợ công chi lớn cho dân, doanh nghiệp thời Covid

Kinh nghiệm 20 nước: Dùng nợ công chi lớn cho dân, doanh nghiệp thời Covid

20 nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc… dành nguồn lực ngân sách rất lớn được tăng cường bởi nợ công để chi cho người dân và doanh nghiệp khi có đại dịch.