Đảng viên đi trước

Gần đây có một sự kiện cực kỳ đặc biệt: gần 1 triệu đảng viên ở mọi vùng tổ quốc cùng lúc tham dự hội nghị toàn quốc về nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII.

Phạm vị kết nối được mở rộng tới mức, bất cứ trụ sở đảng bộ cấp xã nào có Internet thì đều có thể truy cập, kết nối với Phòng họp Diên Hồng ở trung tâm chính trị Ba Đình, chưa kể các trung tâm cấp huyện, cấp tỉnh là đương nhiên.

Đây chắc chắn là sự kiện thu hút được số người tham dự đồng thời nhiều nhất từ trước đến nay mà nếu không có nền tảng số thì ít ai có thể hình dung tổ chức được.

Có lẽ, ở góc độ nào đó, chúng ta phải cảm ơn con Covid vì chính nó đã thay đổi sâu sắc và nhanh chóng cách thức chúng ta làm việc, sinh hoạt, tương tác mà hội nghị học tập nghị quyết kể trên là một ví dụ.

Có nhiều ví dụ khác về sự thay đổi số nhanh chóng để thích ứng với môi trường mới, đặc biệt ở cơ quan hành pháp, và được đẩy nhanh ở mức độ chưa từng có trong năm Covid vừa qua.

Một bằng chứng vô cùng sinh động là Trục liên thông văn bản quốc gia từng đạt giải vàng của giải thưởng kinh doanh quốc tế năm 2019 tổ chức tại Cộng hoà Áo. Được triển khai từ tháng 3/2019, hệ thống cho Chính phủ xây dựng có chức năng gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước.

Chuyển sang năm Covid 2020, hệ thống này gửi, nhận hơn 4.5 triệu văn bản điện tử, tăng gấp 2 lần so với năm 2019; giúp tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng/năm.

Tương tự, Cổng dịch vụ công quốc gia của Chính phủ cũng đang làm nên kỳ tích trong việc truyền dẫn thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nó cho phép thanh toán đa dạng như kê khai nộp thuế, phí trước bạ ô tô, xe máy; tiền điện; kê khai đổi thẻ bảo hiểm; chứng thực bản sao từ bản chính; nộp phạt giao thông; bảo hiểm xã hội;…

Chỉ trong vòng hơn một năm nay, hệ thống này đã cung cấp hơn 2.800 dịch vụ công trực tuyến trên 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, đạt 39%; hơn 116 triệu lượt truy cập; hơn 468 nghìn tài khoản đăng ký; gần 43 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 940 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến và trên 42 nghìn giao dịch thanh toán điện tử.

Trong năm 2020 chia cắt và cách ly, Bộ Công thương – cơ quan nhà nước quản lý về xuất nhập khẩu – cũng làm nên kỳ tích: tổ chức trên 500 hội nghị quốc tế trực tuyến với trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục, gồm cả thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Singapore...

{keywords}
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có chương trình chuyển đổi số quốc gia và thể hiện khao khát chủ động tham gia vào cuộc Cách mạng 4.0

‘Làng nước’ cũng tiên phong

Những câu chuyện trên đều thể hiện sự nỗ lực từ phía chính quyền trong việc thúc đẩy chuyển đổi của người dân và doanh nghiệp.

Một khảo sát mới đây của Google, Temasek và Brain&Company minh chứng điều này. Theo đó, dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhu cầu sử dụng internet của người dân Việt Nam bùng nổ. Tất cả các ngành đều tăng trưởng mạnh so với năm trước: thương mại điện tử tăng 46%, truyền thông trực tuyến tăng 18%...

Đầu tư vào lĩnh vực internet ở Việt Nam năm vừa rồi cũng bùng nổ với 151 giao dịch có tổng giá trị 935 triệu đô la Mỹ. Với tốc độ trung bình đạt 27% trong giai đoạn 2015-2020, Việt Nam được xếp hạng thứ 2 ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, quy mô kinh tế số của Việt Nam ước đạt 14 tỷ USD trong năm 2020.

Trong bảng xếp hạng năm 2020 vừa công bố, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cho biết, Việt Nam được xếp thứ 42 trên thế giới nhưng đứng đầu trong số các nước thu nhập trung bình thấp và thứ 4 trong số tất cả các nước thu nhập trung bình, chỉ sau 3 nước thu nhập trung bình cao là Trung Quốc, Malaysia và Bulgaria. WIPO cho biết, Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu công nghệ cao, xếp thứ 8 về nghiên cứu và phát triển (R&D) và thứ 10 về sáng tạo mobile app.

Như vậy, tương lai của fintech nói riêng và ngành ICT nói chung của Việt Nam là khá hứa hẹn. Nó cho thấy, khi Nhà nước tạo lập hành lang, khung khổ luật pháp thì người dân và doanh nghiệp sẵn sàng tham gia cuộc chơi.

Cá nhanh và cá chậm

Người sáng lập và giám đốc điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Klaus Schwab từng nhận định: “Trong thế giới mới, không phải cá lớn nuốt cá bé, mà là cá nhanh nuốt cá chậm”.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia có chương trình chuyển đổi số quốc gia và thể hiện khao khát chủ động tham gia vào cuộc Cách mạng 4.0 đang lan tràn trên toàn cầu.

Nhưng phải nói, chúng ta chuyển động thì thế giới cũng chuyển động.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, kinh tế số đang trở thành một ưu tiên mới của các nền kinh tế với nhiều chủ trương, chính sách hướng tới thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ.

Vẫn theo Google, Temasek và Brain&Company, ước tính kinh tế số khu vực Đông Nam Á đạt 100 tỷ USD năm 2019 (tăng 33%/năm trong giai đoạn 2015-2019) và dự báo đạt 300 tỷ USD vào năm 2025 với sự bùng nổ của các dịch vụ như  thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe du lịch trực tuyến, v.v.

Hiện đã có khoảng 31 quốc gia dỡ bỏ giới hạn thanh toán không tiếp xúc trong năm 2020 để hỗ trợ các biện pháp giãn cách xã hội. Xu hướng làm việc từ xa cũng thúc đẩy việc ứng dụng các công cụ trực tuyến như Zoom, Slack, Microsoft’s Teams.

Người ta cho rằng, kể cả khi virus Covid-19 được kiểm soát thì tốc độ bùng nổ của kinh tế số và các hoạt động gắn liền với kinh tế số sẽ vẫn duy trì ở mức cao do những thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, hành vi và sự lan tỏa của kinh tế số trong đời sống kinh tế xã hội.

Một thế giới bất định

Việt Nam chúng ta đã có một bước khởi đầu tốt về chuyển đổi số và thể hiện khát vọng bắt kịp Cách mạng Công nghiệp 4.0. Vấn đề là chúng ta có quyết tâm hiện thực hóa khát vọng đó?

Đến loài khủng long từng thống trị trái đất mà còn bị tuyệt diệt khi không thể thích nghi với những thay đổi, nói chi một dân tộc hay cá nhân.

Gần đây, có một bài viết của lãnh đạo trường Fulbright khá ấn tượng, xin trích dẫn: “Đợt bùng phát dịch thứ ba này một lần khắc sâu sự thực rằng chúng ta đang sống trong thế giới VUCA, một thế giới được đặc trưng bởi tính biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity). Không ai có thể khẳng định đại dịch Covid khi nào sẽ chấm dứt, hay thế giới sẽ bước vào thời đại sống chung với dịch như thế nào. Nhưng dù tương lai còn nhiều điều bất định, thì có một điều chúng ta có thể chắc chắn: những tư duy cũ, mô hình và trật tự tổ chức cũ sẽ không thể giúp chúng ta sống sót trong thế giới đã hoàn toàn khác trước. Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta cần định hình những tư duy mới về sứ mệnh và chiến lược phát triển của mỗi cá nhân, tổ chức, cũng như không ngừng tìm kiếm, thử nghiệm những giải pháp sáng tạo để kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn, nhân văn hơn cho tất cả mọi người.”

Việt Nam chúng ta liệu sẽ thay đổi, chuyển đổi thành công để trở nên linh loạt, thích nghi với một thế giới VUCA? Câu hỏi này cần thêm những giải đáp thỏa đáng trong bối cảnh chúng ta đã lỡ nhịp với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây của nhân loại vì nhiều yếu tố.

Tuy nhiên, xin trích dẫn một quan điểm của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khi phát biểu tại Đại hội XIII  như là một trong những lời giải đáp: “Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, chấp nhận các công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành. Đó thường là sự sáng tạo mang tính phá huỷ cái cũ. Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ về, người tài trên toàn cầu sẽ về, và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện, và cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số xuất khẩu được. Nhưng phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác. Đi sau người khác, đi cùng người khác thì sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ. Nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất, đó là cơ hội của chúng ta”.

Chúng ta sẽ nắm được cơ hội ngàn năm có một này?

Tư Giang

Đứng dậy sớm để chớp thời cơ bứt phá

Đứng dậy sớm để chớp thời cơ bứt phá

Tuần Việt Nam trao đổi với PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về “mặt trận kinh tế” mà Chính phủ vẫn cam kết giữ vững trong năm nay.