Tại cuộc họp báo triển khai Luật BHXH, Thứ trưởng Phạm Minh Huân đã chia sẻ rất thật: Ai cũng kể làm thế nào, tôi cũng kể được, nhưng kể thì dễ, còn làm thật, hiệu quả ra sao thì mới khó. Công chức cứ ngồi đó, cho chân vào gầm bàn thì chắc chắn là không thay đổi được điều gì.

LTS: Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực sắp tới đã quy định nhiều chính sách thu hút người lao động tự nguyện tham gia, song nếu không thay đổi cách làm thì mục tiêu mở rộng đói tượng sẽ khó khả thi. Xin giới thiệu bài viết dưới đây của tác giả Tây Giang để bạn đọc tham khảo.

“Chúng ta ngồi đây nói với nhau thì dễ nhưng làm thế nào để có hiệu quả thực sự mới khó”, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH liên tục nhắc đi nhắc lại khi được hỏi về tính khả thi của việc mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trong Luật  mới.

Vì sao ông Huân là trưởng nhóm soạn thảo Luật BHXH với quan điểm ủng hộ việc mở rộng số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc  nhưng cũng chính ông lại thận trọng như vậy?

Thực tế không lạc quan

Sự thận trọng của thứ trưởng Huân xuất phát từ thực tế triển khai các chính sách mở rộng người tham gia BHXH bắt buộc ngay từ trước khi Luật BHXH sửa đổi năm 2014 được thông qua.

Ông khó có thể lạc quan bởi sau một thời gian dài luật có hiệu lực kể từ năm 2006, số lượng người tham gia BHXH hầu như không được cải thiện. Cụ thể, số người mới tham gia BHXH tăng trưởng bình quân chung chỉ đạt khoảng 5% mỗi năm.

Số tăng bình quân này tương đương với số người xin hưởng BHXH một lần và không tham gia BHXH nữa, khoảng 500.000- 600.000 người/năm. Như vậy, nếu cấn trừ số người tham gia mới với số người ngừng tham gia thì số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội hàng năm không tăng trưởng.

{keywords}

Số người mới tham gia BHXH tăng trưởng bình quân chung chỉ đạt khoảng 5% mỗi năm. Ảnh minh họa: phoco.vn

Kể từ khi Luật BHXH được QH thông qua năm 2006, chế độ BHXH tự nguyện đã chính thức ra đời và thời gian đầu đã mang lại nhiều hào hứng cho những người thiết kế chính sách. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy không nhiều người lao động xem đó là cơ hội của chính họ. Số người tham gia thấp, chỉ khoảng 11.000 người, trong đó có tới 70% là những người tham gia BHXH bắt buộc nhưng do chưa đủ năm để hưởng lương hưu nên đã chuyển sang chế độ BHXH tự nguyện. Thực tế này đã làm nguội sự hào hứng ban đầu ấy.

Tổng kết lại, theo bà Nguyễn Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB&XH) đến nay chỉ có khoảng 20% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH. Điều này có nghĩa là trong tương lai sẽ chỉ có 20% số người trong độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, còn lại 80% người già trong độ tuổi từ khoảng 60- 80 tuổi không có bất cứ nguồn thu nhập hay trợ cấp hàng tháng nào. “Đây là khoảng trống rất lớn trong chính sách an sinh xã hội ở nước ta hiện nay”, bà Nga khẳng định.

Trong khi đó, quỹ BHXH đang đứng trước “nguy cơ lớn”, đó là mất cân đối, thu không đủ bù chi vào khoảng năm 2034- theo tính toán có sự trợ giúp kỹ thuật của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Áp lực lớn với cơ quan quản lý khi phương án tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động để giảm chi từ quỹ hưu trí đã không nhận được nhiều ủng hộ. Cách tính lương hưu mới cũng chưa thể đem lại tác dụng nhanh chóng với quỹ này. Như vậy, phương án được xem là “sáng” nhất để tăng nguồn thu cho quỹ BHXH là tăng người tham gia bằng cách mở rộng diện bắt buộc.

Và những ngáng trở…

Chính thực tế không mấy lạc quan đó khiến cơ quan quản lý phải thận trọng, thậm chí có phần bi quan. Vừa qua, chính ông Huân đã “mò mẫm” tới gặp các DN, để nghe DN nói lên quan điểm của họ. Theo ông Huân, ở nước ta hầu hết là DN thâm dụng lao động. Nhiều DN thuộc loại lớn nhưng một năm cũng tiết kiệm được khoảng 50- 60 tỷ đồng tiền lợi nhuận, điều chỉnh tăng lương tối thiểu là hết. Giờ đưa những người có hợp đồng lao động 3 tháng vào diện đóng BHXH bắt buộc thực sự là khó khăn. “Sẽ có rất nhiều thách thức đấy!” ông Huân cảnh báo.

Cảnh báo đó không thừa bởi trong thực tế “những người thuận lợi nhất, bao gồm lao động khu vực nhà nước, những người có hợp đồng lao động chắc chắn và thu nhập ổn định thì đã tham gia rồi”. Mục tiêu mở rộng những người tham gia BHXH bắt buộc chính là những người làm việc bấp bênh (hợp đồng lao động từ 3- 12 tháng) và lao động khu vực phi chính thức. Ông Huân chia sẻ: “Họ lo bữa ăn hàng ngày còn khó khăn, ngày công lao động thấp thì làm sao có thể nghĩ tới tương lai 15- 20 năm sau được!”

Ngay tại cuộc họp báo triển khai Luật BHXH năm 2014 mới được Bộ LĐTB&XH tố chức, ông Phạm Minh Huân đã chia sẻ rất thật: Chúng ta mới chỉ nói tới những thuận lợi trên góc nhìn của các quy định pháp luật. Cái khó lại nằm ở khâu tổ chức thực hiện. “Ai cũng kể làm thế nào, tôi cũng kể được, nhưng kể thì dễ, còn làm thật, hiệu quả ra sao thì mới khó. Công chức cứ ngồi đó, cho chân vào gầm bàn thì chắc chắn là không thay đổi được điều gì”, ông Huân nói.

“Công chức cho chân vào gầm bàn” như cách nói của ông Huân đó là việc chính những người trong ngành BHXH không nắm được chính xác số người thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc ở từng địa phương cụ thể. Khi không nắm được số liệu xác thực thì cách duy nhất là các doanh nghiệp tự nguyện khai nộp thì thu, không thì cũng “làm ngơ”. Bản thân người lao động cũng khó có thể đòi hỏi chủ DN bởi trong thực tế, khi số lượng lao động dư thừa nhiều, người lao động vì cần có một việc làm nên đã “nhắm mắt” làm ngơ và thỏa hiệp để chủ sử dụng vi phạm quyền lợi của chính mình.

“Có lẽ phải xử lý hình sự một vài vụ thí điểm để răn đe”, bà Nga đưa ra thông điệp về các giải pháp mang tính chế tài để bắt buộc các DN, đơn vị tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này không chỉ ở chế tài.

Trước đó, khi tham gia ý kiến vào dự thảo Luật BHXH ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH đã đưa ra gợi ý đáng suy nghĩ. Theo ông Lợi, vì sao ít ưu thế hơn nhưng các DN kinh doanh bảo hiểm lại thu hút được đông đảo người tham gia? Những công ty đó có mạng lưới CTV sâu rộng, đến từng gia đình trong khi chế độ BHXH bắt buộc chưa làm được điều này.

Như vậy, triển khai mở rộng người tham gia BHXH bắt buộc thành công hay không, mấu chốt ở khâu thực hiện, nhưng đến nay cũng chưa có giải pháp đột phá nào ngoài những giải pháp về chế tài, tuyên truyền… Rõ ràng, để cải thiện tình hình, cần sự thay đổi đột phá ngay từ việc thực thi chính sách của ngành BHXH. Từ gợi ý của ông Lợi, liệu có cơ chế nào để hình thành nên mạng lưới CTV mở rộng “khách hàng” cho ngành BHXH từ chính khoảng hơn 20.000 nhân viên của ngành này?

Tây Giang