“Để có độc lập chúng ta đã phải trả giá đắt hơn tất cả, và để giữ gìn độc lập – tự do, chúng ta còn phải trả giá đắt hơn nữa. Cho nên, không bao giờ chúng ta được ngủ quên trên độc lập”.

LTS: Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc Khánh 2/9, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với Chuẩn đô đốc, Nhà giáo Nhân dân, PGS.TS Lê Kế Lâm. Ông nguyên là Giám đốc Học viện Hải quân và hiện là chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật và Kinh tế Biển Thành phố Hồ Chí Minh. 

{keywords}
Chuẩn đô đốc, Nhà giáo Nhân dân, PGS.TS Lê Kế Lâm. Ảnh: Zing.vn

Đất nước chưa bao giờ nguôi yên

Trong lịch sử nước ta, kể từ khi giành được độc lập, thoát ách đô hộ ngàn năm từ phong kiến phương Bắc đến nay thì thời gian dân tộc ta được hưởng thái bình vẫn ít hơn thời gian khói lửa binh đao. Và nền độc lập 70 năm qua cũng vậy, ngay sau ngày độc lập, chúng ta phải tiếp tục cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Cho đến nay, trong khoảng thời gian 70 năm độc lập, dân tộc ta phải đi qua 4 cuộc chiến tranh lớn nhỏ...

Ông Lê Kế Lâm: Đúng vậy! Hơn ai hết dân tộc ta rất yêu hòa bình, độc lập vì chúng ta thường xuyên bị ngoại bang xâm lược, có mưu đồ thôn tính nên chúng ta thấu hiểu, trân trọng vô cùng giá trị của độc lập, tự do.

Thế hệ của tôi và trước tôi rất thấm thía cảnh ngộ của người dân bị mất nước, không có độc lập. Bởi vậy, tôi rất hiểu tại sao khi cần, nhân dân ta sẵn sàng hy sinh máu xương, tính mạng cho Tổ quốc.   

Đất nước VN nằm ở vị trí đặc biệt. Giống như một cô gái đẹp, luôn bị “dòm ngó”. Đó là lợi thế quý giá, nhưng kèm theo là mối họa bị xâm lược triền miên. Để có độc lập chúng ta đã phải trả giá đắt hơn tất cả, và để giữ gìn độc lập – tự do, chúng ta còn phải trả giá đắt hơn nữa. Cho nên, không bao giờ chúng ta được ngủ quên trên độc lập.

Đến nay cuộc Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đã tròn 70 năm, nhưng chúng ta mới thật sự thống nhất đất nước được 40 năm, tính từ 1975.  Bảy thập kỷ đó chia làm hai giai đoạn:

Chặng đường trước là 30 năm đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, giành độc lập dân tộc. Chặng đường tiếp theo là xây dựng đất nước nhưng phải đối phó với hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Trên chặng đường này, chúng ta tiến hành Đổi mới, hội nhập với thế giới. Chặng đường 40 năm sau chúng ta tìm rất nhiều con đường, rất trăn trở để đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.

Cũng nên lưu ý rằng, ngay giai đoạn đã giành được độc lập, đang phấn đấu cho “dân giàu nước mạnh”, kiến thiết, phát triển đất nước thì chúng ta cũng không thể yên tâm với độc lập được. Đất nước vẫn luôn bị ngoại bang dòm ngó, lấn chiếm. Đất liền tạm yên thì biển đảo của chúng ta dậy sóng. Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta đã bị ngoại bang xâm lấn. Gọi là sống trong đất nước độc lập, tự do, hòa bình nhưng biển đảo của Tổ quốc không phút nào bình yên.

{keywords}

Hợp luyện diễu binh, diễu hành kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Ảnh: Hoàng An/ VnExpress

Đấu tranh chính trị thời nào cũng phức tạp

Thưa ông, VN ngày nay đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Vì vậy, để bảo vệ được độc lập, tự do cũng như đem lại hạnh phúc cho nhân dân ta như mục tiêu của Cách mạng tháng 8 đã đề ra, chúng ta phải “hiểu”, phải “biết” về tình hình thế giới để hợp tác, giao lưu; để cùng có lợi; phải lý giải được những tình huống đã, đang và sẽ xảy ra?  

Ông Lê Kế Lâm: Đấu tranh chính trị trên thế giới thời nào cũng rất phức tạp. Tư duy chiến lược của các nước lớn hoàn toàn khác với nước nhỏ và trung bình. Nước nhỏ và trung bình luôn thiết tha muốn độc lập dân tộc, muốn hòa bình, muốn dân có cơm no áo ấm. Ngoài ra họ không có nguyện vọng nào khác.

Nhưng các nước lớn lại khác, tư duy chiến lược của họ là muốn cạnh tranh với nhau, anh nào cũng muốn vị trí số 1, số 2 chứ không chịu lép vế với anh khác. Tư duy chiến lược của các nước lớn đẩy thế giới đến xung đột, căng thẳng, kể cả chiến tranh.

Đại chiến thế giới thứ nhất và thứ hai đều do các tập đoàn tư bản ở các nước lớn ganh đua với nhau, tranh giành thị trường, uy quyền, đẩy thế giới vào chiến tranh. Tuy thế giới có hòa bình từ sau đại chiến thế giới thứ hai đến nay, nhưng trong quãng thời gian 70 năm qua không ngày nào ngớt tiếng súng, không chỗ này thì chỗ khác, đều có xung đột. Đó là sự tranh giành quyền lực, bá quyền của những nước lớn.

Các nước lớn muốn tiến hành chiến tranh có hai hình thức. Một là dùng các nước chư hầu, các nước nhỏ chịu ảnh hưởng đánh nhau và họ đứng sau cung cấp vũ khí, tiền bạc. Thứ hai, khi không sử dụng được lực lượng người ta gọi là đánh thuê đó, thì họ đưa quân vào. Cuộc chiến tranh giữa Pháp và VN, Pháp cũng phải đưa quân vào. Hoặc Mỹ đánh VN cũng vậy, Mỹ phải đưa trên 50 vạn quân cùng quân của một số nước đồng minh nữa vào hỗ trợ quân của chế độ Sài Gòn. Đó là logic đấu tranh chính trị, quyền lực trên thế giới này, nó luôn có biến động, không một ngày ngưng nghỉ.

Có thể các cường quốc không trực tiếp đánh nhau, nhưng nước nhỏ như chúng ta thì lại bị xô đẩy vào …

Ông Lê Kế Lâm: Đúng, chiến tranh thì rất đa dạng vì chiến tranh là hiện tượng của nhân loại, của xã hội loài người. Đánh nhau giữa các sắc tộc, giữa các dân tộc, giữa các nước, giữa các tôn giáo. Nhưng khi đánh nhau giữa các nước lớn có vũ khí hủy diệt thì đấy là một cuộc thảm sát nhân loại.

Bởi vậy khả năng các nước lớn đánh nhau là rất khó xảy ra. Có thể họ tuyên bố mạnh mẽ thế thôi chứ họ đều biết đánh nhau là cùng chết hết! Bởi vậy, họ sẽ chọn cách khác để giữ bá quyền thì không loại trừ họ gây ra các cuộc chiến tranh nhỏ.

{keywords}
Tướng Lê Kế Lâm. Ảnh: Duy Chiến

Có lúc chúng ta quá lạc quan

Trải qua thời gian 70 năm qua, chúng ta đã rút ra được bài học gì để bảo vệ độc lập tự do và phát triển đất nước, thưa ông?

Ông Lê Kế Lâm: Sau năm 1975 đã có lúc chúng ta nhìn lịch sử và thời cuộc với lăng kính màu hồng, từ nay trở đi không kẻ thù nào dám đụng đến ta! Vì chiến thắng quá vĩ đại nên không tránh được tư duy và suy nghĩ chủ quan. Chúng ta không trách điều đó. Nhưng chúng ta phải lấy đó làm bài học trong xử thế đối với trong nước và thế giới.

Năm 1979, ta với TQ đang là đồng chí, đang là anh em. Vậy mà sau chuyến đi Mỹ và đi Nhật về, Đặng Tiểu Bình tuyên bố “đã nhốt được con gấu Bắc cực vào chuồng” vì nghĩ rằng đã hình thành liên minh Mỹ- Nhật- Trung, Liên Xô không dám làm gì, nên họ xua 60 vạn quân đánh vào 5 tỉnh biên giới nước ta suốt một tháng trời. Và đúng là lúc đó Liên Xô có lực lượng ở Cam Ranh nhưng không hề “nhúc nhích”. Chúng ta đã tự vệ rất anh dũng, buộc TQ phải rút quân. Nhưng rút quân rồi không phải đã chấm dứt chiến tranh. TQ vẫn tiến hành đánh phá ta kéo dài cả nhiều năm sau, từ 1979 – 1986.

Còn ở biên giới Tây Nam, sau khi ta giúp nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn Polpot thì vẫn còn cuộc chiến tranh du kích dai dẳng, chúng ta vẫn bị tổn thất. Mãi khi chúng ta rút quân khỏi Campuchia năm 1989, đất nước mới thực sự có hòa bình. Nhưng hòa bình trên đất liền thôi, trên biển máu của chúng ta vẫn đổ, vì Hoàng Sa, Trường Sa.

Thưa ông, VN đang mở rộng quan hệ đa phương, làm bạn với tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Ngoài mục đích phát triển kinh tế thì chiến lược “làm bạn với tất cả” còn có mục đích “thêm bạn bới thù” để bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta đã có bài học vô cùng cay đắng, mất Hoàng Sa và một phần Trường Sa đúng vào thời điểm đang là đồng minh của hai cường quốc lớn nhất của thế kỷ 20! Vậy chúng ta phải hợp tác, quan hệ như thế nào để có lợi cho mình, không để bị “bán” như vậy?

Ông Lê Kế Lâm: Các nước lớn luôn phân tích giúp cái này lợi hơn hay thiệt hơn không giúp, hay là để một con đường còn liên hệ với nhau. Cho nên chính Mỹ không giúp VNCH năm 1974 là để tạo con đường liên hệ với TQ. Liên Xô năm 1988 cũng vậy. Các nước lớn kình địch thì kình địch nhưng bắt tay với nhau có lợi hơn thì họ vẫn làm. Quyền lợi và chủ trương chiến lược của các nước lớn luôn hướng về lợi ích dân tộc họ.

Vì vậy, VN ngoài phát triển kinh tế, cần xây dựng quốc phòng an ninh vững mạnh. Nếu không, chúng sẽ không bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ, độc lập tự do. Trừ khi chúng ta ngủ trên nhung nệm, quên hết gian khổ, hy sinh của nhân dân mới không nghĩ đến quốc phòng – an ninh.

Sức mạnh an ninh – quốc phòng không thể nói chung chung được. Trước hết là sức mạnh toàn dân là sức mạnh vô địch. Nhưng toàn dân bây giờ không thể tay không hoặc cuốc thuổng gậy gộc mà phải có vũ khí, có tư tưởng quân sự, phải biết cách đánh và đánh thắng. Quân đội thì phải càng như thế.

Muốn vậy ta phải có thực lực, có trang bị vũ khí. Ta phải tiến tới chủ động tự sản xuất và trang bị cho mình. Tự ti thì sẽ bị phụ thuộc, thành nô lệ. Không tự ti thì mới độc lập tự chủ.

Về mặt kinh tế, phải làm thế nào để chúng ta không bị vòng thu nhập “trung bình thấp” kiềm giữ mãi. Các nhà lãnh đạo và toàn dân phải tư duy tìm cách được thoát ra bẫy này. Muốn trung bình cao thì phải trên 11.000 USD/người, trong khi hiện nay ta mới khoảng 3.500 USD, phấn đấu cho được 11.000 USD/người là cả chặng đường gian nan. Khi đạt được trên 11.000 USD/người thì mới đạt được mục tiêu “dân giàu nước mạnh”, đất nước mới có sức mạnh.

Nói chung, chúng ta phải nhận thức rõ thực tế, nguyên tắc trong cuộc “chơi lớn”, tức hội nhập với thế giới, làm bạn với tất cả các dân tộc rằng, hợp tác là để cùng có lợi và bất kỳ ai cũng lấy lợi ích của đất nước họ làm trọng. Chúng ta cũng vậy.

Muốn thế, ta phải biết cách chơi, phải chuẩn bị cho mình tư thế làm chủ, bình đẳng, không phụ thuộc. Muốn không phụ thuộc, ta phải mạnh về kinh tế và các lĩnh vực khác. Hợp tác để có lợi, để mạnh lên, không bị tụt hậu, không để ngoại bang đe dọa. Đó là xu thế của thời đại mà chúng ta phải nắm bắt, tranh thủ để phát triển đất nước, bảo vệ độc lập cho dân tộc, thực hiện nguyện vọng cao cả của Bác Hồ kính yêu là “dân giàu nước mạnh”!

Xin cảm ơn ông vì đã chia sẻ.

Duy Chiến

Biển Đông vẫn đau đáu trong tương lai

Ông Lê Kế Lâm chia sẻ: Năm ngoái TQ đưa giàn khoan Hải dương 981 vào biển của ta và san lấp đảo. Thực chất là xây dựng căn cứ hải quân trên 7 đảo đá ngầm chiếm của VN. Có người hỏi tôi khi TQ xây dựng xong thì tình hình thế nào? Tôi nói có 2 hướng.

Thứ nhất là về quân sự họ tạm dừng để xoa dịu dư luận và phản đối của ASEAN nhưng họ sẽ đẩy mạnh nghề cá, mua chuộc ngư dân các nước VN, Philippines, Malaysia... dụ dỗ ngư dân vào mua nước ngọt, dầu và sửa chữa.

Rồi TQ nêu lên các chiêu bài nghiên cứu khoa học, khảo sát khí tượng, nghiên cứu biển… Tất cả những cái đó đều là hỏa mù để xây dựng trên chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên thành những căn cứ quân sự để đưa lực lượng quân sự xuống cách Hải Nam gần ngàn cây số.

Xem toàn bộ mạch bài Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9: