Gần gũi với mọi người ở nơi làm việc, đi bộ vào mỗi buổi sáng cùng bà con lối phố, cùng ăn cơm và dạy người giúp việc nấu nướng, giúp đỡ, động viên họ khi gặp khó khăn... đó là cuộc sống đời thường của nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình khi bà nghỉ hưu.

“Mình còn đóng góp được thì phải làm, đó là niềm vui...”

Cụ bà gần 90 tuổi, khuôn mặt phúc hậu, choàng chiếc khăn màu đỏ, vận áo dạ màu “bê”, ngồi bên bàn làm việc chăm chú đọc tập tài liệu dày cộp trong căn phòng rộng hơn 20m2 được bày trí khá đơn giản. Cụ bà đó nguyên là Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, hiện là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, trụ sở tại 61 phố Bà Triệu, TP.Hà Nội.

Tôi được gặp bà vào một ngày cuối đông, mưa lất phất và rét buốt, trong căn phòng làm việc của mình, nguyên Phó Chủ tịch Nước ân cần rót chén trà nóng cho tôi rồi nói: “Cháu uống chén nước cho đỡ lạnh. Rét như này chỉ khổ những người lao động đang phải vất vả làm việc ở ngoài trời thôi”.

Khi biết tôi có ý định viết bài về cuộc sống đời thường của bà khi nghỉ hưu, nguyên Phó Chủ tịch Nước bảo: Cuộc sống của tôi cũng giống như bao nhiêu người phụ nữ khác, muốn tập trung chăm lo cho con cháu, nhưng đất nước còn nhiều khó khăn, mình còn đóng góp được thì phải làm và đó cũng là niềm vui.

Rồi bà nói: “Thế là đã được 13 năm tôi về nghỉ hưu rồi, đến nay tôi đã 89 tuổi, gần 100 tuổi rồi đấy”.

{keywords}

Bà kể, mỗi ngày bà thường thức dậy từ 5 giờ 30 phút để tập thể dục, sau đó ăn sáng tại nhà, rồi đọc báo, đến 8 giờ thì lái xe của quỹ đưa bà đến văn phòng làm việc tại phố Bà Triệu. Đến khoảng 11 giờ 30 phút thì về nhà ăn cơm cùng gia đình và nghỉ trưa. Buổi chiều, làm việc từ 14 giờ đến 17 giờ, không ít hôm bà phải về muộn vì nhiều việc, tài liệu cũng như phải tiếp khách nước ngoài và các tổ chức đến làm việc với quỹ.

“Tôi xem người giúp việc như người nhà...”

Nguyên Phó Chủ tịch Nước kể tiếp: Trước đây, những ngày thứ bảy, chủ nhật được nghỉ ở nhà, tôi thường hướng dẫn người giúp việc làm những món ăn đặc sản của miền Nam, từ khi nghỉ hưu thì tôi dành nhiều thời gian để hướng dẫn người giúp việc làm những món ăn mà bà và gia đình ưa thích.

Bà bảo: Tôi xem người giúp việc như người nhà, luôn quan tâm đến họ. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường ngồi nói chuyện, hỏi thăm tình hình gia đình, động viên vì họ cũng phải xa gia đình.

Nghe bà kể, tôi nhớ lại, cách đây ít hôm khi ngồi nói chuyện với ông Nguyễn Văn Huỳnh - Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam - Trợ lý cho bà, ông Huỳnh nói: Tại văn phòng làm việc những lúc rảnh rỗi bà thường hỏi chuyện về gia đình của từng cán bộ, nhân viên ở đây, trong câu chuyện bà thường xuyên động viên mọi người chịu khó làm việc và nhắc nhở mọi người phải chú ý tiết kiệm như, tắt điện khi ra khỏi phòng làm việc và tận dụng những trang giấy vẫn còn trắng một mặt để viết, sử dụng cho đỡ lãng phí.

Ông Huỳnh kể: “Có hôm tôi quên không tắt điện khi ra khỏi phòng, đi đến cổng quay lại thì thấy bà đã sang tắt điện phòng cho tôi rồi, chính hành động của bà đã làm tôi kính trọng bà hơn, từ đó tôi không quên tắt điện khi ra khỏi phòng làm việc nữa”.

Đang kể, giọng bà bỗng trầm xuống, dường như những kỷ niệm cách đây hơn nửa thế kỷ lại tràn về, trào dâng trong bà. Bà kể, mẹ bà mất khi bà mới 16 tuổi, lúc đó bà là chị cả nên vừa là người chị lại vừa giữ vai trò là mẹ để chăm sóc 5 người em khôn lớn, cả 5 người em của bà đều trưởng thành và là những đảng viên hành đạt.

Cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, cho gia đình, bạn bè, cũng chính vì vậy trong cuốn hồi ký của mình bà đã lấy tựa đề: “Gia đình, bạn bè và đất nước”. Trong cuốn hồi ký, bà đã chuyển tải những bài học bổ ích cho thế hệ sau với tư cách như một người bà, một người mẹ. Bà muốn tri ân đến đồng chí, đồng bào đã hy sinh xương máu đem lại hòa bình độc lập cho đất nước. Đặc biệt, bà muốn tri ân đến bạn bè quốc tế đã đóng góp không nhỏ cho thắng lợi của đất nước.

Rồi bà nhớ lại: “Khi ở Hội nghị đàm phán tại Pháp nghe tin vùng con mình đang ở có bom đạn dữ dội mà bồn chồn không yên. Nhưng nghĩ lại, sự hy sinh của tôi không phải là cá biệt, biết bao bà mẹ Việt Nam khác thời điểm đó cũng phải chấp nhận vậy thôi. Tự mình phải giải quyết tư tưởng cho mình mới có thể chuyên tâm phục vụ đất nước!”.

Nhà “ngoại giao nhân dân”

Hiện bà đang giữ cương vị Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin; Bà là người sáng lập ra Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam và giữ cương vị Chủ tịch của quỹ này từ năm 2004 đến nay. Và là Chủ tịch danh dự của Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh.

Vốn là người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của đất nước nên dù đã nghỉ hưu, nhưng bà cũng vẫn dành công sức để nghiên cứu thành công hai đề tài: Cải cách giáo dục và Đổi mới đào tạo giáo viên phổ thông, được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Ngoài ra, bà cũng đã viết nhiều bài báo về sự nghiệp giáo dục của nước nhà và những đề tài khác về chính trị, xã hội.

Được gặp và nghe bà kể chuyện tôi mới thấy được sự gần gũi, giản dị của bà và rất tâm đắc với mấy câu mà nhà văn Nguyên Ngọc đã viết ca ngợi nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình trong lời mở đầu của cuốn hồi ký: “...Có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau.

Những năm tháng ấy, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh, và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin... Bà gọi công việc đó là “ngoại giao nhân dân”, nghĩa là con người đến với con người, trái tim đến với trái tim. Bà đem bạn bè về cho dân tộc. Và đấy là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi kỳ lạ của Việt Nam trong thế kỷ qua...”.

 

Bà Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1927, ở Đồng Tháp, là cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh (mẹ bà là con gái thứ hai của cụ Phan). Bà Nguyễn Thị Bình từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Bà là Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam... Bà cũng là người phụ nữ duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình tại Paris trong giai đoạn 1968-1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký Hiệp định Paris năm 1973. 

Xuân Hải/ Theo Lao động