Từ sự kiện nóng, sự cố rò rỉ nước ở đập thủy điện sông Tranh 2 đang gây xôn xao dư luận, đặc biệt là sự bất an, lo lắng của người dân vùng hạ lưu đập, hãy cùng nhau nhìn lại bức tranh tổng thể về công tác phát triển thủy điện ở Việt Nam.

Từ quy hoạch

Hệ thống điện của Việt Nam phần lớn dựa vào nguồn phát của thuỷ điện (thuỷ điện chiếm đến 40% cơ cấu nguồn điện của hệ thống). Tuy nhiên, nguồn nước để phát điện tuỳ thuộc vào thời tiết, tuỳ thuộc vào "ông trời" và quy trình vận hành hồ chứa do con người lập ra.

Chúng ta chưa có luật quy hoạch, cho nên các ngành khi làm quy hoạch thì sự phối hợp giữa các ngành chỉ là hình thức. Bởi thế, mới xảy ra việc quy hoạch chồng chéo, mâu thuẫn nhau và chính những người chịu trách nhiệm làm quy hoạch do chịu nhiều sức ép, nên đôi khi cũng mất kiểm soát.

Với trường hợp quy hoạch thủy điện, bất cập nhất là làm gia tăng xung đột sử dụng nước. Năm 2010, chúng tôi đi vào rừng Yok Đon, mục sở thị 20 km sông Serepok cạn khô vì thủy điện Serepok 4A chặn dòng. Rõ ràng "anh điện" được lợi (kiếm tiền từ thủy điện) thì các ngành khác hoặc là chết khô, hoặc là chết ngập!


Cơ chế thị trường, nên nhiều chủ đầu tư muốn đầu tư vào thủy điện đều tìm cách sao cho có lợi nhuận cao nhất, do đó tìm cách tiết kiệm tất cả các khâu từ khảo sát thiết kế đến thi công, kể cả thẩm tra, thẩm định. Thông thường khi nhận một công trình những đơn vị thiết kế đều lên dự toán theo quy chuẩn của nhà nước, nhưng chủ đầu tư chỉ chi 60~70% giá theo dự toán, muốn được việc người thiết kế đành cắn răng nhận.

Ngay việc khảo sát cũng không được nhận đủ kinh phí theo dự toán. Ví dụ như đo đạc địa hình, các thuỷ điện đều xây dựng ở nơi heo hút, rừng nhiều, đo đạc đâu có dễ, do ít tiền nên chỉ vẽ sơ bộ, còn căn cứ vào bản đồ tỷ lệ thô vẽ lại. Về địa chất thì đáng khoan 10 mũi thì chỉ khoan 5 mũi mà có khi khoan chưa đến đá gốc, lấy vài mẫu để báo cáo, còn lại dùng phương pháp siêu âm ngoại suy, như thế thiết kế sao có thể chuẩn được?

Tới thiết kế, thi công

Hiện tại, theo tôi biết, ở Việt Nam đập bêtông đầm lăn (RCC) thiết kế theo tiêu chuẩn của Mỹ, đập đá đổ lõi đất thiết kế theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, còn đập đất thì thiết kế theo tiêu chuẩn VN (dựa trên tiêu chuẩn của Nga).

Điều này dẫn tới bất cập là tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam không thống nhất về phân loại cấp công trình thuỷ điện theo quy mô công suất, gây khó khăn trong việc phân cấp công trình. Cụ thể: TCVN 285:2002 & QCVN 03:2009/BXD-Ban hành kèm theo TT số 33/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009.

Trong khi đó theo QCVN 03: 2009 BXD lại quy định loại công trình thủy điện cấp đặc biệt tổng công suất >1000MW. Cấp I công suất 300- <1000MW; Cấp II 100-<300 MW; Cấp III 50-<100MW; Cấp IV <50MW.

Cần có quy trình thiết kế ngặt nghèo hơn đối với những khu vực hay xảy ra động đất như Quảng Nam, Đà Nẵng. Hơn nữa, chúng ta khai thác triệt để nguồn nước để phát điện vì lợi ích kinh tế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.

Hiện tại, việc thiết kế thuỷ điện ở VN chưa thực sự quan tâm, xem xét đến yếu tố "dòng chảy môi trường" và cũng chưa xét đến trường hợp khi thuỷ điện hết tuổi thọ (khi chất bồi lắng đã ngập cửa nhận nước) thì chi phí nào để thực hiện!

Khi mở móng thi công, thay vì làm theo thiết kế, đất đào phải chuyển đi xa, không ít nơi chúng ta đổ toẹt xuống sông hạ lưu cho lũ cuốn đi, gây bồi xói hạ lưu. Chủ đầu tư muốn có lãi có khi tự thi công nên chuyên môn không vững, tiền thi công rẻ mạt, và thường ăn bớt khối lượng.

Bản thân chủ đầu tư thường cũng chỉ có 30% vốn, còn lại đi vay ngân hàng. Trong khi đó lãi suất ngân hàng ngày càng tăng, khiến chủ đầu tư đau đầu và chỉ còn cách tiết kiệm tối đa.

Và sự cố rò rỉ đập thủy điện sông Tranh 2

Ngay khi công luận quan tâm lo lắng về rò rỉ nước đập thủy điện sông Tranh 2, cơ quan quản lý dự án khẳng định dòng thấm chảy ra phía hạ lưu đã được nghiệm thu và đánh giá là đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình là thiếu thuyết phục.

Các chuyên gia Hội đập lớn Việt Nam đều có chung nhận xét đối với đập bêtông đầm lăn nguyên tắc thiết kế phải có một hoặc nhiều tầng hành lang. Trong hành lang đặt các thiết bị đo các yếu tố kỹ thuật như thấm, chuyển vị, nhiệt độ.

Riêng về thấm, các nhà tư vấn tính toán lưu lượng thấm cho phép qua toàn bộ thân đập theo các tiêu chuẩn hiện hành nhưng tuyệt nhiên không cho thấm trên mặt đập, càng không cho phép nước chảy thành dòng như ở đập sông Tranh. Tại các khe nhiệt và khe co dãn phải bố trí ít nhất là 1 hàng vật chắn nước (với đập cao như Sông Tranh 2 thông thường bố trí 2 hàng vật chắn nước) từ đỉnh đến chân đập bằng đồng hoặc bằng nhựa PVC có tuổi thọ cả trăm năm nhưng phải tuyệt đối đảm bảo chất lượng không cho nước thấm qua các vật chắn của các khớp nối ở khe nhiệt hoặc khe co giãn, khe lún.

Bài học kinh nghiệm đắt giá

Theo thông báo của EVN hôm qua, kết quả kiểm tra của đoàn công tác tại hiện trường công trình về sự cố ở Sông Tranh 2 cho rằng nước thấm qua khe nhiệt chứ không phải thấm qua các khe nứt của đập. Đập thuỷ điện Sông Tranh 2 chưa xuất hiện các vết nứt trong bê tông. Với mức độ thấm như hiện nay chưa ảnh hưởng đến an toàn đập.

Nhưng cho dù như vậy, sự cố ở Sông Tranh 2 vẫn là một sự cảnh báo nghiêm túc, không cho phép chúng ta lơ là, chủ quan.

Xin cảnh báo thực tế đã có vỡ đập ở Mỹ, các hiện tượng ban đầu tương tự. Đập chứa nước St. Francis dung tích 47 triệu m3, chiều cao 59 m, chiều dài 185 m, cung cấp nước cho Los Angeles, xây dựng từ 1924 đến 1926 thì hoàn thành. Trong suốt năm 1926 và 1927, một số vết nứt bắt đầu xuất hiện trong đập. Ngày 12/3/1928 người ta phát hiện ra một vết rò rỉ mới đồng thời đã có lo ngai đập bị xói mòn. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, thanh tra xác định rằng sự xuất hiện của nước bùn không phải từ phần đập bị rò rỉ, do đó họ vẫn tuyên bố đập an toàn. Tuy nhiên, đến nửa đêm thì đập St. Francis bị vỡ. Khoảng 600 người thiệt mạng, trong đó có những nạn nhân bị cuốn ra biển.

Nguyên nhân vỡ đập được xác định do ba yếu tố chính: sự bất ổn của nền đất trên đó đập được xây dựng (trên rãnh đứt gãy địa chất); Sai lầm trong thiết kế, đặc biệt khi tăng thêm chiều cao của đập vào năm 1925, và công tác giám sát thiết kế và thi công.

Rút kinh nghiệm từ sự cố này, thành phố Los Angeles đã cho gia cố, xử lý đập Mulholland có kết cấu tương tự ngay sau thảm họa.

Thay cho lời kết

Thực tình, so với các nhà máy sản xuất điện khác hiện có, nếu con người đừng quá tham lam thì thủy điện có lẽ ưu việt hơn cả vì vừa có tác dụng phát điện, vừa có tác dụng điều tiết nước. Chữ "nếu" này không bao giờ thành hiện thực ở các nước nghèo, quan trí thấp nhưng ham muốn thì vô biên. Một khi từ xây dựng quy hoạch (kể cả thẩm định), thiết kế (có thẩm định), thi công (bao gồm cả giám sát), vận hành quay cuồng trong vòng xoáy phần trăm "lại quả" thì sẽ không chỉ thủy điện mà mọi hoạt động kinh tế đều tiềm ẩn nguy cơ có quả bom nổ chậm treo trên đầu người dân.

Cần phải thấy rằng nếu 1 con đường làm ẩu thì chỉ làm hại những ai đi trên con đường ấy; Nếu 1 nhà máy nhiệt điện làm ẩu thì chỉ ảnh hưởng đến công nhân (sự cố cháy nổ) hoặc dân cư xung quanh (vì xả khí ô nhiễm) còn nếu đập thủy điện không an toàn thì tiềm ẩn nguy cơ tác động có thể đến hàng chục vạn người dân ở hạ du.

Hiện nay, trên thế giới người ta có thể dùng máy CT để chụp cắt lớp các khe nứt. Đoàn kiểm tra mới công bố trấn an dư luận đập sông Tranh 2 vẫn an toàn nhưng không đưa ra bất cứ số liệu đo đạc kiểm tra để minh chứng. Dù có xử lý bằng cách nào đi nữa kể cả xử lý triệt để ở mái thượng lưu thì "tuổi thọ" của đập thủy điện sông Tranh chắc chắn bị tổn hại, đó là điều không phải bàn cãi.

EVN cùng Bộ Công thương phải thường xuyên báo cáo Thủ tướng một cách trung thực và áp dụng các biện pháp xử lý một cách khoa học và đồng bộ không sợ chịu trách nhiệm và tốn kém vì sự an toàn của người dân. Đây cũng là một sự kiện để EVN thể hiện sự đổi mới sau khi thay tướng. Công việc của EVN sắp tới nặng như núi, trong đó chắc hẳn có công việc tổng kiểm tra độ an toàn của toàn bộ hệ thống đập thủy điện ở Việt Nam.

Tô Văn Trường