Từ chuyện của cô bé Greta

Bài phát biểu giận dữ đầy nước mắt, với câu hỏi sốc "Sao các người dám?" vặn đi vặn lại của "nhà hoạt động nhí" 16 tuổi Greta Thunburg người Thuỵ Điển tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp quốc gần đây không chỉ tạo được sự ủng hộ của hàng trăm triệu người trên thế giới (và đề xuất giải Nobel Hoà Bình ngay sau đó), mà còn tạo ra cả những phản ứng mạnh mẽ từ hàng loạt nhân vật tiếng tăm trên thế giới, trong đó có Trump, Macron, Putin. 

Ông Putin phàn nàn: "Không ai giải thích cho Greta rằng thế giới hiện đại rất phức tạp và khác biệt. Những người ở châu Phi và nhiều quốc gia châu Á cũng muốn có cùng mức sống như người Thụy Điển. Nếu có thể thì cô bé [Greta] hãy đến và thuyết phục họ nên sống trong nghèo túng và không cần phải giàu có như Thụy Điển".

{keywords}
Ngôi nhà Panorama vẫn còn tiếp tục gây tranh cãi.

Phản ứng của nhà báo - nhà văn Anh Jeremy Clarkson với Greta Thunburg còn dữ dội hơn nữa: "Sao cháu dám đi sang Mỹ bằng một chiếc thuyền buồm vỏ sợi carbon không do cháu đóng, có giá những 15 triệu bảng cháu không tự kiếm được, với động cơ dự phòng chạy bằng diesel mà cháu [cố tình] không nhắc đến? Hãy dừng lại một chút để nghĩ hàng đêm cháu được ngủ ngon giấc thế nào, biết rằng người lớn làm ra, bảo trì và bay những chiếc tiêm kích của Thuỵ Điển? Để cháu được an toàn, chúng tôi cho cháu điện thoại di động, laptop, internet. Chúng tôi tạo ra mạng xã hội để cháu dùng hàng ngày và chúng tôi vận hành các ngân hàng để thanh toán các khoản. Sao cháu dám đứng đó mà dạy bảo chúng tôi, hả cô bé hư hỏng?".

Greta Thunburg vì môi trường, nhưng cô có những lối nói, thông điệp và hành động không thể nói là không cực đoan. Ví dụ, kêu gọi trẻ em bỏ học mọi ngày thứ Sáu để đi biểu tình vì môi trường, theo tôi, là rất cực đoan.

Greta không cần phải đi châu Phi nói với người dân ở đó hãy sống nghèo khổ mà giữ môi trường, không cần giàu có như Thuỵ Điển (như Putin gợi ý). Bạn ấy chỉ cần đến Việt Nam và khuyên chúng ta đừng làm thuỷ điện, điện than, đừng phát triển du lịch, đừng sản xuất công nghiệp gì hết để mà ảnh hưởng đến môi trường, chắc hẳn không phải người Việt nào cũng đồng tình. Nếu "phát triển bằng mọi giá" là một thái cực, thì "vì môi trường bằng mọi giá" là một thái cực khác và cả hai thái cực đều không tốt, khó chấp nhận. 

Người người nói về phát triển bền vững, ai ai cũng ủng hộ phát triển bền vững nhưng thế nào là phát triển bền vững thì lại rất thiếu các tiêu chí. Khi không có các tiêu chí để nói thế này là đúng phát triển bền vững và thế kia là không đúng phát triển bền vững, dự án này là tốt và dự án kia là xấu, mọi cuộc tranh luận về các vấn đề môi trường đều bị nhận thức, cảm xúc cá nhân chi phối mạnh mẽ. Không phải chỉ ở nước ta như thế, mà trên cả thế giới này.

Đến ngôi nhà Panorama

Ở Việt Nam, chuyện bảo vệ thiên nhiên cũng đang rất nóng, với các tên địa danh cụ thể như Mã Pì Lèng, Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt, Sơn Trà, Phong Nha - Kẻ Bàng...

Xin trích một đoạn trong bài tham luận trước đây của tôi về các nút thắt phát triển du lịch Việt Nam:

"Dự án du lịch nào cũng ít nhiều tác động đến môi trường thiên nhiên. Mặc dù luôn có sự đồng thuận với chủ trương phát triển bền vững, nhưng đã và đang thiếu các tiêu chí để xác định sự phù hợp (hoặc không phù hợp) của mỗi dự án, thiếu cơ chế tham gia đóng góp, phản biện, đặc biệt là của những đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các quy hoạch, dự án du lịch”. 

“Trong bối cảnh đó, dễ phát sinh những luồn tư tưởng, quan điểm thái quá, hoặc lệch về hướng phát triển nhưng gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thiên nhiên, hoặc lệch về hướng bảo tồn tuyệt đối, cản trở phát triển. Phát triển bền vững là vẫn phát triển, nhưng ở những nơi và theo những cách ảnh hưởng tối thiểu, ở mức độ chấp nhận được (theo các cơ sở khoa học và phù hợp với các quy định pháp luật), không phải tuyệt đối không làm gì”. 

“Để giảm thiểu sự xung đột giữa phát triển du lịch và bảo tồn thiên nhiên, nhà nước cần rà soát, hoàn thiện các quan điểm và xây dựng, ban hành bộ tiêu chí phát triển du lịch bền vững để làm cơ sở cho việc đánh giá tính phù hợp (hoặc không phù hợp) của các phương án quy hoạch nói chung và các dự án đầu tư du lịch nói riêng. Hoàn thiện thể chế để người dân và giới khoa học tích cực tham gia phản biện quy hoạch, dự án và giám sát tuân thủ trong quá trình thực hiện."

Tôi biết ý kiến đó sẽ không làm thoả mãn được nhiều người vì vẫn chung chung. Nhưng nói cụ thể hơn thì biết nói thế nào, ví dụ trong chuyện đang rất nóng dư luận về Tam Đảo?

Đâu đó có người thắc mắc: "Tại sao trước kia người Pháp chặt cây, phá núi làm đường cho các ông Tây bà đầm thực dân lên những nơi đó chơi, nghỉ dưỡng thì được khen, còn nay ta làm những thứ cho chính dân ta lên chơi, nghỉ dưỡng thì lại bị chửi?". Câu hỏi đó quả là xóc óc!

Tôi ủng hộ bảo vệ thiên nhiên, nhưng không phải cực đoan đến mức không được chặt cây nào, không được phá đoạn núi nào. Nói cho cùng, nếu không chặt cây, phá núi thì tổ tiên loài người đã không có nhà để mà sinh sống và sinh ra chúng ta bây giờ.

Tóm lại là, những nơi thiên nhiên đẹp vẫn nên được đầu tư và khai thác du lịch phục vụ con người, vấn đề là làm cái gì, làm như thế nào. Mà làm cái gì, làm như thế nào thì phải cho từng việc cụ thể, không có câu trả lời chung cho mọi việc.

Ví dụ, ở Mã Pì Lèng có nên làm một điểm dừng chân đơn giản như các điểm dừng chân ngắm cảnh ở nước ngoài không? Tôi nghĩ là có. Có nên xây một công trình nhà hàng - khách sạn 7 tầng như đã làm không? Tôi nghĩ là không.

Hay với cáp treo, con trai tôi bảo chỉ nên làm cáp treo đến độ cao 2/3 hay 3/4 của địa danh nổi tiếng, không nên làm lên đến tận đỉnh cao nhất. Đỉnh cao nhất nên để dành cho những ai thích chinh phục thử thách. Tôi thấy có lý.

Còn ý kiến của bạn thì sao? Những chuyện bảo vệ môi trường, giữ gìn di sản thiên nhiên quả thật đã và sẽ còn gây nhiều bất đồng, gây nhiều tranh cãi ở nước ta.

Lương Hoài Nam