Từ câu trả lời "gây bão" của đại biểu Đương, theo tôi điều giới luật sư cần tập trung nhiều hơn để giải quyết là làm sao để xóa bỏ thực tế chỉ người có tiền mới nhờ được luật sư?

LTS: Tuần qua, phát ngôn "luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền" của ĐBQH Đỗ Văn Đương đã khiến giới luật sư "nổi sóng". Tuần Việt Nam đã nhận được bài viết của tác giả Lê Nguyễn Duy Hậu (hành nghề luật tại TP.HCM) về câu chuyện này, xin trân trọng giới thiệu để bạn đọc cùng tranh luận.

Luật sư làm vì gì?

Nhân câu chuyện phát ngôn của ĐBQH Đỗ Văn Đương, người viết có đôi điều muốn trao đổi.

Cũng như bao nghề nghiệp lương thiện khác, nghề luật sư là một phương tiện kiếm sống và tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Nghề luật sư do đó không phải công việc từ thiện và việc làm của họ cần thu lại thù lao, các chi phí khác, trước hết là để tồn tại, sau là để tạo dựng cuộc sống.

Tất nhiên, luật sư không chỉ làm vì tiền và không phải lúc nào cũng đòi hỏi thù lao cho sự phụng sự của mình đối với xã hội. Tôi vẫn biết có những luật sư rất đáng kính bỏ thời gian, công sức, thậm chí tài sản để theo đuổi những vụ kiện không tính phí (pro bono) chỉ vì khát khao công lý của họ đòi hỏi họ phải làm như vậy. Từ góc độ này, đáng tiếc rằng lẽ ra ở vị trí thể hiện tiếng nói của dân, đại biểu Đỗ Văn Đương cần thận trọng hơn trong cách nói, để tránh "vơ đũa cả nắm".

Cần phải nói cho công bằng rằng không phải ngẫu nhiên mà đôi khi xã hội còn nhìn nhận luật sư như một nghề có tính "luồn lách".  Những vụ án có sự bất công thường ít nhiều thấp thoáng bóng dáng "đạo diễn" của luật sư.

Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp này, luật sư cũng không nắm chìa khóa vạn năng để đổi trắng thay đen sự việc. Ở đâu, lợi thế mấu chốt nhất của luật sư là đi vào những điểm luật chưa hoàn chỉnh và thuyết phục tòa án chấp nhận cách kiến giải của họ để có lợi cho thân chủ. Ở khía cạnh nào đó, cũng chính từ những hoạt động này mà các cơ quan Nhà nước có dịp nhìn nhận lại khung pháp lý của mình để hoàn thiện hơn.

{keywords}
ĐBQH Đỗ Văn Đương. Ảnh: Phạm Hải

Trên thực tế, tôi biết có những luật sư khi hành nghề thường tận dụng những điểm bất cập của luật để bào chữa cho thân chủ, nhưng ở một không gian ngoài pháp đình, họ lại tham gia tích cực vào việc xây dựng pháp luật sao cho những bất cập đó không còn nữa.

Tại các chương trình đào tạo luật sư của Học viện Tư pháp (mà gần như tất cả luật sư đều phải trải qua trước khi chính thức hành nghề), học viên luôn luôn được dạy rằng nghề luật sư là một nghề cao quý, bởi lẽ nó giúp kiến tạo công lý và đảm bảo pháp quyền.

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định trên. Song mặt khác, tôi cũng cho rằng việc một nghề nghiệp có cao quý hay không, về bản chất không nằm ở chỗ tự người trong nghề hay ai đó lên tiếng nhận định tốt hay dở về nghề. Mà quan trọng hơn, nó nằm ở giá trị thực tế họ đóng góp cho xã hội và mục tiêu tốt đẹp mà họ hướng đến mà không mưu cầu sự thừa nhận hay lợi ích ngược lại. Nhận định này có thể áp dụng trong trường hợp cụ thể của đại biểu Đương.

Cơ hội cống hiến

Thay vào đó, giới luật sư Việt Nam đang đứng trước một cơ hội để cống hiến cho nền pháp luật một cách hữu hiệu nhất, thông qua việc góp ý xây dựng các văn bản pháp luật có tính xương sống.

Từ câu trả lời "gây bão" của đại biểu Đương, theo tôi điều giới luật sư cần tập trung nhiều hơn để giải quyết là làm sao để xóa bỏ thực tế chỉ người có tiền mới nhờ được luật sư?

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, quyền được bào chữa (right to counsel) được hiểu rằng quyền của bị can, bị cáo được thuê luật sư, hoặc ngay cả khi họ không có khả năng thì Nhà nước sẽ bỏ tiền ra để thuê luật sư cho họ, bất kể vụ án lớn nhỏ. Thông thường, mỗi luật sư phải cống hiến một số giờ cụ thể hàng năm cho Nhà nước thông qua hoạt động bào chữa bắt buộc này.

{keywords}
Ảnh: Minh Thăng

Quyền này không chỉ tồn tại ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp..., mà còn ở các quốc gia rất gần với Việt Nam như Philippines. Tại các quốc gia này, họ coi việc bị can, bị cáo được có luật sư là yếu tố bắt buộc cho một phiên tòa công bằng.

Vì nhiều hạn chế mà hiện nay ở Việt Nam [1], chỉ trong một số trường hợp rất cụ thể (liên quan đến bào chữa bắt buộc hay trợ giúp pháp lý), Nhà nước mới đứng ra trả tiền cho luật sư bào chữa thay cho bị can, bị cáo. Như vậy, sẽ có một số lượng không nhỏ bị can, bị cáo không được bào chữa vì lý do kinh tế trước tòa án.

Thiết nghĩ, điều này cần phải được giới luật sư Việt Nam góp ý một cách thỏa đáng hơn trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự lần này. Sự công bằng của một hệ thống pháp luật phải được thể hiện thông qua các vụ án hình sự nhỏ hàng ngày chứ không chỉ gói gọn trong các vụ án lớn, mức án cao, khi luật sư buộc phải tham gia để bảo vệ không chỉ sinh mạng pháp lý và còn là tính mạng của bị can, bị cáo, hay chỉ áp dụng cho một số đối tượng yếu thế nào đó.

Chính vì vậy, luật sư Việt Nam phải đi đầu trong việc kêu gọi mở rộng quyền được bào chữa của bị can, bị cáo cho cả những vụ án hình sự nhỏ hơn và nếu bị can, bị cáo không thể trả tiền thuê mướn luật sư, Nhà nước sẽ phải trả tiền cho họ.

Theo tôi, giải quyết được vấn đề về quyền được bào chữa này chính là sự trả lời hữu hiệu cho phát ngôn "luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền" của đại biểu Đỗ Văn Đương.

Bên cạnh đó, nếu bỏ qua lời phát ngôn thiếu cẩn trọng của đại biểu Đương mà nhìn vào các câu trả lời khác của ông trong cùng bài phỏng vấn, ta sẽ thấy có một số vấn đề đáng cho giới luật sư quan tâm, chú ý hơn.

Chẳng hạn, khi bàn về quyền im lặng, đại biểu Đỗ Văn Đương cũng cho rằng không nên đưa vào luật quy định này vì sẽ cản trở điều tra, "vẽ đường cho hươu chạy".  Ngạc nhiên hơn nữa, ông cho rằng: "Trong thực tế có người bị bắt nhầm, bắt oan phải để cho họ đươc nói là họ bị oan để cơ quan xác minh kịp thời trả tự do."

Chưa cần vận dụng kiến thức pháp lý, chỉ cần sử dụng logic thì chúng ta cũng thấy điểm bất cập trong phát ngôn này của ông. Tiếc rằng, khi một đại biểu quốc hội, người có quyền tham gia trực tiếp trong việc thông qua pháp luật của chúng ta, có cách hiểu thiếu chính xác như vậy về quyền im lặng, thì rất hiếm có luật sư VN nào lên tiếng phản hồi đủ hiệu quả và trọng lượng.

Chính vì thế, tuy không thể hài lòng với phát ngôn thiếu cẩn trọng của đại biểu Đỗ Văn Đương, tôi cho rằng luật sư Việt Nam, mà đại diện là Liên đoàn Luật sư, cần tập trung sức lực, trí tuệ, thời gian cho những vấn đề pháp lý khác quan trọng hơn là buộc đại biểu Đương xin lỗi. Bởi trong lúc Liên đoàn Luật sư kêu gọi ông Đương xin lỗi, thì cũng chính ông sẽ là người có quyền bỏ phiếu thông qua dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hy vọng, câu chuyện về phát ngôn của đại biểu Đương sẽ sớm kết thúc để tất cả cùng ngồi lại nhằm xây dựng một Bộ luật Tố tụng hình sự hoàn thiện hơn, dân chủ hơn.

Lê Nguyễn Duy Hậu

------

[1] Theo Khoản 2, Điều 57: Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình: a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự;

b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.