Với lối kiến trúc không cũ không mới, không Đông không Tây như các tượng đài ở Việt Nam, nếu nói xây dựng chúng sẽ thông qua văn hóa mà thúc đẩy sự phát triển là điều đáng hoài nghi.

Đôi khi phải ưu tiên những giá trị lâu dài...

Những ngày qua, xung quanh câu chuyện tượng đài ở Sơn La, nổi lên một ý kiến khác biệt cho rằng: “Không nên đặt vấn đề xây tượng như thế là đắt hay rẻ. Trước khi phán xét, cần phải nhìn tổng thể giá trị văn hóa. Tượng đài sẽ là động lực để tạo nên sự phát triển. Không thể nói rằng vì nhiều người còn đói nên để tiền đó mua cơm trước. Đôi khi văn hóa phải đi trước.”

Nhiều người cho rằng đó chỉ là một cách ngụy biện. Lý lẽ đơn giản là: Bụng đói thì thưởng thức văn hóa bằng gì? Thế nhưng nghĩ cho cùng, trong lập luận đó có một điều phải thừa nhận, đôi khi phải ưu tiên những giá trị lâu dài hơn là những gì trước mắt. Một dân tộc nếu chỉ lo miếng ăn mà không bồi đắp cho đời sống tinh thần thì sẽ không có văn minh. Xã hội giàu lên từng ngày mà người dân không biết gì về văn chương, âm nhạc, kiến trúc là điều chúng ta đã và đang nhìn thấy.

Thật ra câu chuyện này không mới. Từ mấy ngàn năm nay, đó đã là một nan đề của lịch sử. Nếu chỉ lo cho miếng ăn, chỗ ở của “bách tính” thì Trung Quốc không có Vạn lý trường thành, Ai Cập không có các Kim tự tháp và nước Ý không có Đấu trường La Mã. Những thời đại vàng son sẽ chìm vào quên lãng, không dấu tích.

Những công trình ấy cũng từng được dựng lên trong vô số lời oán thán của người dân, cướp đi sinh mạng của biết bao người. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, nếu không có sự đánh đổi ấy thì hôm nay chúng ta có những gì đáng gọi là kỳ quan để chiêm ngưỡng?

Lịch sử đã luôn có những lựa chọn như thế. Và trong cuộc sống thường ngày, dù là cá nhân hay chính quyền thì vẫn luôn phải lựa chọn, làm cái gì, không làm cái gì bởi túi tiền có hạn. Câu chuyện của Sơn La cũng gần giống cảnh một đôi vợ chồng công chức băn khoăn có nên đi xem ballet Hồ Thiên Nga gần chục triệu đồng một cặp vé trong lúc còn chật vật lo ăn học cho con. Có khác chăng, đó là tiền của họ và họ dám nói là tiêu cho bản thân, chứ họ không xin của ai và tiêu tiền nhân danh ai.

{keywords}

Văn hóa Việt Nam chưa bao giờ tôn sùng những thứ quá khổ, mà chỉ ưa những gì vừa phải, thanh nhã như Chùa Một Cột, Khuê Văn Các.

Đừng đồng nhất tượng đài với văn hóa 

Song tất cả những gì người viết dường như đang “nói đỡ” cho dự án nghìn tỷ của Sơn La hay bất cứ dự án nào tương tự, sẽ chỉ đáng quan tâm nếu thứ mà họ theo đuổi thực sự là giá trị văn hóa và hướng tới sự phát triển của xã hội.

Văn hóa là nền tảng, mục tiêu và động lực của sự phát triển. Nhưng đồng nhất tượng đài với văn hóa để rồi khẳng định “tượng đài sẽ là động lực để tạo nên sự phát triển” thì có lẽ hơi vội vàng. Tượng đài dù sao chỉ là phần vỏ, trong khi văn hóa lại là phần hồn. Giá trị văn hóa của các tượng đài có tồn tại thật hay không và nếu có tồn tại thì giá trị đó có đủ lớn để đánh đổi bằng một khoản đầu tư lớn đến như thế? Đó vẫn là một câu hỏi không lời đáp.

Theo ý kiến cá nhân của người viết, Việt Nam có truyền thống kiến trúc mộc, nương vào cây gỗ mà làm nhà, tạc tượng. Văn hóa Việt Nam chưa bao giờ tôn sùng những thứ quá khổ, mà chỉ ưa những gì vừa phải, thanh nhã như Chùa Một Cột, Khuê Văn Các. Không biết từ khi nào chúng ta bắt đầu thích xây dựng những đền đài bê tông, đá tảng cao lớn, quá khổ, và trong nhiều trường hợp rất thiếu thẩm mỹ như thế?

Xin nhắc lại rằng những tác phẩm điêu khắc kinh điển như bức tượng Nàng tiên cá ở Đan Mạch hay Sư tử buồn ở Thụy Sĩ so với những tượng đài cấp huyện của Việt Nam về kích thước có lẽ chúng chỉ xứng đáng để đặt ở sân vườn, nhưng chúng đều là những công trình lừng danh thế giới.

Với lối kiến trúc không cũ không mới, không Đông không Tây như các tượng đài ở Việt Nam, nếu nói xây dựng chúng sẽ thông qua văn hóa mà thúc đẩy sự phát triển là điều đáng hoài nghi. Thật khó hình dung nhờ xây tượng đài, quảng trường mà văn hóa được nâng cao, thu hút được du lịch. Câu chuyện về sự phát triển chưa bao giờ đơn giản như thế.

Không ai phủ nhận tầm quan trọng của văn hóa nhưng xác định thế nào là văn hóa cần phải hết sức cẩn trọng. Trong khi ngân sách có hạn, vai trò của chính quyền là ở chỗ tính toán làm sao để đồng tiền đầu tư đem lại lợi ích lớn nhất dựa trên điều kiện thực tiễn của địa phương. Bỏ ra một đồng cũng là tiền thuế của người dân. Xã hội hóa thì cũng là tiền mà lẽ ra doanh nghiệp dùng để kinh doanh, sản xuất. Dư luận bức xúc phần nào còn vì lối ứng xử “xem bạc tỉ nhẹ tựa lông hồng” như thế!

Khương Duy