Nếu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội mà xuề xoà, dễ dãi thì sẽ cho ra những đạo luật không dùng được, chấp thuận những dự án lãng phí tiền bạc ngân sách quốc gia, bỏ qua những sai phạm của các bộ ngành.

Cách đây 70 năm, Quốc dân Đại hội Tân Trào được triệu tập, thông qua những quyết sách quan trọng. Đây được coi là tiền thân, làm cơ sở cho Quốc hội ra đời từ cuộc tổng tuyển cử tháng 1/1946. Sau 70 năm, từ Quốc dân đại hội, rồi Nghị viện nhân dân, đến Quốc hội qua các giai đoạn lịch sử, từ đình làng Tân Trào, hội trường Ba Đình, nhà Quốc hội mới, nhìn lại những kết quả đạt được trong quá khứ là cần thiết, nhưng điều quan trọng và thiết thực hơn nhiều là dành nhiều thời gian suy ngẫm về hoạt động của Quốc hội trong hiện tại và tương lai.

Từ đình làng Tân Trào đến Quốc hội đầu tiên

Ngay sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng  Cộng sản Đông Dương vừa kết thúc, ngày 16/8/1945 Quốc dân đại hội Tân Trào khai mạc. Đại hội gồm 60 đại biểu tiêu biểu cho các giới, các đoàn thể, các đảng phái, dân tộc, tôn giáo Bắc, Trung, Nam và một số kiều bào ở Thái Lan, Lào.

Xét về nội dung, kết cấu tổ chức, hình thức hoạt động và vai trò lịch sử, có thể coi Quốc dân đại hội Tân Trào là một hình thức tổ chức quyền lực tiền thân của Quốc hội. Mặc dù vậy, Quốc dân đại hội không phải là Quốc hội đúng nghĩa, vì thiếu một yếu tố quan trọng nhất: không qua bầu cử phổ thông.  

Chính vì vậy, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, một trong những nhiệm vụ đầu tiên được đặt ra là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Ngày 6/1/1946, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của Việt Nam đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng chiến sự. Gần 90% tổng số cử tri đã đi bầu cử, bầu ra 333 đại biểu từ hàng ngàn ứng cử viên, trong đó 57% đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước khác nhau, 43% không đảng phái.  

Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của mọi miền, đại diện của các đảng, các giới, các ngành, giai cấp, tầng lớp xã hội, tôn giáo. Quốc hội đã thành lập Chính phủ chính thức – Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm chủ tịch; thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam, trong đó có những tư tưởng về kiểm soát quyền lực, nghị viện nhân dân với giá trị lâu dài.

{keywords}

Bức họa Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào ngày 16/8/1945 quyết định tổng khởi nghĩa trong cả nước. Ảnh tư liệu/ VnPlus

Hội trường Ba Đình với những dấu ấn đổi mới

Bảy mươi năm, gần 13 nhiệm kỳ, Quốc hội Việt Nam đã trải qua những chặng đường, cột mốc phát triển. Trong đó, Hội trường Ba Đình đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, những dấu ấn đổi mới của Quốc hội, nhất là với sự đổi mới chung của đất nước.

Nhiều người vẫn hay nhắc đến ĐBQH Đào Thị Biểu (bà Sáu Trầu) tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VII (1985) đã có một bài phát biểu đặt thẳng vấn đề trách nhiệm của Chính phủ khi triển khai quyết sách giá - lương - tiền với nhiều bất cập, gây chấn động diễn đàn Quốc hội đêm trước đổi mới, được gọi là “người mở ra kỷ nguyên nói thẳng và nói thật” ở Quốc hội.

Tuy nhiên, phải sang khóa VIII, Quốc hội mới có nhiều hơn sự kiện đáng nhớ. Theo cố Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân, điểm nhấn cho sự đổi mới ở Quốc hội là sự kiện nhiều Đoàn ĐBQH phía Nam giới thiệu thêm ông Võ Văn Kiệt cùng với ông Đỗ Mười do Bộ Chính trị giới thiệu để bầu Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng. Ông Lân viết: “Chuyện hiếm có trong hoạt động của Quốc hội. Nhưng qua đó có thể thấy không khí dân chủ ở Quốc hội đã được khởi động”.

Quốc hội khóa VIII, sau những lần tranh luận khá căng đã thông qua Hiến pháp 1992 lần đầu tiên đưa vào những quan điểm mới về kinh tế nhiều thành phần, sở hữu tư nhân, giao đất ổn định lâu dài cho nông dân, tổ chức bộ máy nhà nước. Khóa VIII còn được nhớ đến với trường hợp ĐBQH Huỳnh Ngọc Điền trình dự án Luật về thuế sử dụng đất nông nghiệp – một chuyện hiếm có cho đến tận bây giờ.

Trong các khóa tiếp theo, quy trình thảo luận, thông qua luật đã được cải tiến nhiều, giúp cho Quốc hội ban hành luật nhanh hơn. Năm 1999, Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp, một điểm sáng trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam. Rồi đến khóa XI, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện được quyền phân bổ ngân sách của mình.

Chất vấn và trả lời chất vấn từ khóa VIII đã “găng lắm”, câu hỏi dồn dập, gay gắt, người trả lời mà yếu có khi bị “đứng tim”. Đến kỳ họp giữa năm 1994 Quốc hội khóa IX, qua nhiều lần thuyết phục, lần đầu tiên phát thanh và truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây được coi là một trong những bước đột pháp trong việc công khai, minh bạch hoạt động của Quốc hội. Sang khóa X, sau khi các bộ trưởng trả lời chất vấn thì Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến, tổ chức giám sát chuyên đề gắn với trả lời chất vấn. 

Không thể có Quốc hội đổi mới nếu không có những ĐBQH đổi mới. Từ chỗ chỉ đến để “vỗ tay”, mỗi lần phát biểu cần phải viết ra giấy, duyệt trước rồi mới được đọc trước Quốc hội, nay đã có những phát biểu mạnh mẽ, rung động lòng người của nhiều ĐBQH. Còn 25% ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Quốc hội khóa XI là một trong những dấu ấn, “bước đổi mới đặc biệt chứ không đơn giản”, “phấn đấu mãi mới lên được con số đấy”, như lời ông Mai Thúc Lân chia sẻ.

Đến nay, đã có khoảng 33% tổng số ĐBQH là chuyên trách, và kỳ bầu cử sắp tới dự kiến tăng thêm. Tất nhiên, chuyên trách không có nghĩa là chuyên nghiệp, hay chuyên tâm. Nhưng đó là điều kiện để có những đại biểu chuyên nghiệp.

{keywords}

Người dân nhớ mặt, thuộc tên và trân trọng những đại biểu dám nói, phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của dân. Ảnh: VOV

Đến Quốc hội trong tòa nhà mới

Chuyển sang tòa nhà mới, Quốc hội được mong đợi sẽ tiếp tục có những đổi mới để thay mặt quyết những chuyện của Quốc dân. Cái hồn của một Quốc dân đại hội trước hết bộc lộ rõ qua những người đại diện cho Quốc dân – các ĐBQH. Người dân nhớ mặt, thuộc tên và trân trọng những đại biểu dám nói, phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của dân, thẳng thắn tỏ rõ chính kiến của mình, thảo luận, tranh luận đến cùng, làm sáng tỏ đúng, sai đối với những vấn đề Quốc hội đưa ra bàn bạc.

Chọn người có tài, có đức trong mọi giai tầng, bất kể đảng viên hay không vào Quốc hội là điều kiện hàng đầu để cơ quan lập pháp quốc gia đủ sức thực hiện quyền năng hiến định, thực sự đại diện cho lợi ích của cử tri và của quốc gia. Trên phương diện này, rất đáng để nhìn lại cuộc Tổng tuyển cử 1946, khi có hàng ngàn ứng cử viên để cử tri chọn ra 333 đại biểu Quốc hội, với gần một nửa là người không đảng phái. Ngày nay, chắc chắn trong số người ngoài Đảng có không ít người có tài, có đức được nhân dân tín nhiệm, đủ sức gánh vác trọng trách của một ĐBQH.

Để quyết những chuyện của Quốc dân (quốc gia, cử tri), Quốc hội và từng ĐBQH cần có năng lực tương xứng. Trên phương diện năng lực cá nhân, nghề đại biểu Quốc hội, ở bất kỳ nước nào, thể chế nào, cũng đòi hỏi tinh thông kiến thức, kỹ năng đặc thù. Nhưng kiến thức, kỹ năng để làm đại biểu không phải tự dưng mà có. Chúng được tích tụ trong quá trình hoạt động; được truyền tải từ những người đi trước, từ các đồng nghiệp, các chuyên gia.

Người dân mong họ đừng xuề xoà, mà hãy “khó tính” hơn trong lập pháp và giám sát. Nếu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội mà xuề xoà, dễ dãi thì sẽ cho ra những đạo luật không dùng được, chấp thuận những dự án lãng phí tiền bạc ngân sách quốc gia, bỏ qua những sai phạm của các bộ ngành. “Những sản phẩm lỗi” của Quốc hội hoặc do Quốc hội bỏ qua sẽ gây hậu quả nặng nề cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia, chứ không chỉ cho một ai riêng lẻ.

Trên phương diện năng lực thể chế, người dân mong Quốc hội chuyển sinh hoạt xuân thu nhị kỳ như hiện nay thành hoạt động thường xuyên, liên tục trong cả năm, thành Quốc hội chuyên nghiệp. Thực tiễn đang đặt ra vấn đề là, liệu hoạt động ở Quốc hội có phải là một nghề gắn liền với sự nghiệp lâu dài của đại biểu hay không để họ có động cơ rút ngắn thời gian “thử việc”, hay chỉ là tạm thời thì động cơ ấy sẽ chẳng được ưu tiên?

Quan trọng nhất là tách ĐBQH ra khỏi chức năng quản lý nhà nước, tránh tình trạng xung đột lợi ích trong hoạt động của đại biểu, của Quốc hội. Cử tri đã chứng kiến nhiều cuộc thảo luận thiếu chiều sâu, thái độ né tránh hoặc “im lặng là vàng” của không ít đại biểu khi có chuyện đụng chạm đến địa phương mình, ngành mình, cấp lãnh đạo của mình, dù biết rõ có sự vi phạm hoặc có sự ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Việc chuyển đổi này sẽ rất khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức và tốn kém, nhưng điều đó không có nghĩa là không làm.

Cùng với sự chuyển động từ bên trong Quốc hội, còn rất cần những thay đổi từ bên ngoài. Trong đó, đặc biệt quan trọng là đổi mới tư duy và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội. Lãnh đạo, nhưng làm sao để Quốc hội, ĐBQH thực sự đại diện cho Quốc dân thực thi quyền lực nhà nước đã được Quốc dân giao phó qua bản Hiến pháp.

Quyền đó có thể thành hư quyền nếu trên thực tế Quốc hội bị đặt trước những chuyện đã rồi. Chẳng hạn như chuyện đổi tiền ở Quốc hội khoá VII mà ngay cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ chỉ được biết vào phút chót, khi đã được quyết định xong. Hoặc ở khóa VIII, Quốc hội chưa họp, chưa bàn, chưa quyết, chưa ra nghị quyết mà đã có văn bản cho phép tách một số tỉnh và văn bản đó được triển khai ngay. Có trường hợp toàn thể Quốc hội còn chưa bàn, chưa bấm nút biểu quyết mà đã có vị tuyên bố hùng hồn rằng, kiểu gì cũng phải thông qua dự thảo Luật.

Một số trường hợp người ta lấy sự lãnh đạo của Đảng để phản bác chất vấn của ĐBQH. Hoặc như nhiều đại biểu nhắc lại có những công trình như đường Hồ Chí Minh ở Trường Sơn, Thuỷ điện Sơn La cao hay thấp, mở rộng Hà Nội, bô xít Tây Nguyên, các đại biểu đang bàn bạc, nhưng công tác chuẩn bị đã được triển khai, như vậy có quyết cũng là hình thức. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã từng có ý tứ cảnh báo nguy cơ này. Chẳng hạn ông Nguyễn Văn Linh từng dặn, “đừng biến Quốc hội thành cây cảnh”; hoặc như ông Võ Chí Công thì nói, không nên gò bó Quốc hội thông qua những chuyện đã được sắp đặt.

70 năm nhìn lại sự kiện Tân Trào, cử tri mong đợi những đổi mới tiếp tục diễn ra trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, để Quốc hội thể hiện đúng tinh thần Quốc dân đại hội. Như thư gửi đồng bào toàn quốc của Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “chúng ta phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta […] Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu nước, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang...”.

Dẫu biết rằng, mỗi thay đổi như đã nói trên đây diễn ra một cách “vật vã”, sau một thời gian dài tranh luận, nâng lên, đặt xuống. Nhưng điều đó không ngăn được quá trình tạo dựng, nuôi dưỡng hồn Quốc dân đại hội, mà vẫn liên tục được tích tụ từ năm này qua năm khác, thập kỷ này qua thập kỷ khác, thế kỷ này qua thế kỷ khác.

Nguyễn Đức Lam