Gia đình Tony Clift đã canh tác trên mảnh đất màu mỡ thuộc thảo nguyên Liverpool của Australia được hơn 6 thế hệ. Ý nghĩ sẽ bán đi mảnh đất đó chưa bao giờ xuất hiện trong đầu ông – cho tới một ngày công ty của Trung Quốc xuất hiện tại thị trấn.

Shenhua Watermark Coal chào mua các nông trang với giá không tưởng. Quyết định đó thật không dễ, Clift thổ lộ. Tổ tiên ông đến sinh sống trên mảnh đất này từ năm 1832. Nhưng nông nghiệp giờ đã là một ngành kinh doanh, và việc bán 2.600 hecta đất cũng giống như một sự kinh doanh.

"Nếu ai đó mang đến cho anh cả một đống tiền, anh sẽ chẳng thể từ chối", người cha 50 tuổi của 2 người con, ngồi bên bàn bếp ăn trong ngôi nhà lộng lẫy trên đỉnh đồi được xây dựng bằng "vận may bất ngờ" đó, nhớ lại. Phía dưới ngôi nhà là cánh đồng trải dài màu vàng trồng toàn cây hạt cải dầu trên lớp đất kém mầu mỡ hơn mà ông đã mua cách nơi ở cũ 25 dặm (40km) về phía bắc.

Câu chuyện này là một phần trong dự án "China's Reach" nhằm đánh giá ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các đối tác thương mại trong 3 thập niên qua và tìm hiểu  nó đã làm thay đổi hoạt động kinh doanh, chính trị và cuộc sống thường ngày ở những nơi đó như thế nào.

Giá than tăng cao thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã khiến các khu vực khai khoáng của Australia trở nên giàu có hơn nhiều nếu chỉ làm nông nghiệp trên đó. Đó là một ví dụ cho thấy việc Trung Quốc trỗi dậy trở thành cường quốc thương mại toàn cầu có thể làm thay đổi như thế nào đến các nước khác, theo cách mà nhiều người chưa lường và hiểu biết hết.

Hãng thông tấn AP đã phân tích kim ngạch thương mại với Trung Quốc trong tỷ lệ phần trăm tổng thu nhập quốc nội GDP của một số nước, sử dụng dữ liệu từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Họ phát hiện, đến năm 2011, bình quân, kim ngạch thương mại với Trung Quốc đã tăng lên 12,4% GDP. Trong khi đó, tỷ trọng trên trong quan hệ với Mỹ đạt được cao nhất trong giai đoạn 30 năm qua là 10% vào năm 2001.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Tại Australia, với kim ngạch thương mại với Trung Quốc đạt 7,7% trong tổng GPD vào năm ngoái, ngành xuất khẩu than và quặng sắt đã giúp giúp Australia không rơi vào suy thoái suốt 21 năm và mang lại những khoản thặng dư thương mại lớn nhất trong 140 qua.

Tăng tưởng cao của Trung Quốc đã giúp Australia có tỷ lệ mậu dịch cao nhất kể từ thời kỳ bùng nổ len sợi toàn cầu những năm 1950, nhà kinh tế học Peter Robertson, ĐH Western Australia, nêu nhận xét. "Cuộc bùng nổ trước kia diễn ra trong thời gian rất ngắn", ông viết. "Thời gian bùng nổ lần này sẽ kéo dài bao lâu còn chưa rõ. Nó có thể tồn tại đến khi nào còn tùy thuộc vào tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc".

Quan hệ của quốc gia từng là thuộc địa của Anh này với Trung Quốc cũng đang trở nên sâu sắc hơn trên những phương diện khác:

-         Trong vòng 1 năm tính đến ngày 30/6/2011, có tới hơn 29.000 người Trung Quốc chứng nhận thường trú, lần đầu tiên vượt qua Anh, nước cung cấp nguồn di cư "truyền thống" vào Australia. Trong khi Ấn Độ vẫn sẽ xếp trên Trung Quốc trong giai đoạn 12 tháng tới, nhưng có vẻ như xu thế đang dần thay đổi.

Trung Quốc chiếm gần 2/3 trong tổng số 10.407 visa kinh doanh cấp trong năm gần nhất - các nhà đầu tư và doanh nhân hầu hết được cư trú hoặc sắp hoàn thành thủ tục cư trú.

Peter Drysdale, giáo sư kinh tế danh dự tại ĐH Quốc gia Australia phân tích: "Chúng tôi không chỉ có Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, mà còn là một nguồn cung cấp người nhập cư quan trọng và là nguồn sinh viên quốc tế lớn tại đây".

"Nhu cầu học tập dẫn tới di cư, di cư dẫn tới đầu tư, đầu tư dẫn tới làm sâu sắc thêm các quan hệ và tương tác kinh tế giữa hai nước. Quy mô của nó hiện đang bắt đầu vượt qua khoảng không gian mà mối quan hệ trước đây với Anh quốc".

Ở Tây Australia, sự bùng nổ của Trung Quốc đang đánh thức thị trấn Gunnedah trong giấc ngủ yên. Công nhân xây dựng và cán bộ khảo sát trong trang phục huỳnh quang màu xanh lá là cảnh tượng phổ biến, một sự nhắc nhở thường trực rằng các kế hoạch khai khoáng là nguyên nhân dẫn tới sự hồi sinh kinh tế này.

Nhưng khôi phải ai cũng hạnh phúc như vậy. Chính tiềm năng mỏ đã gây chia rẽ thị trấn 12.000 dân này, bao gồm cả thành viên của gia tộc Clift mở rộng. Nhiều người lo ngại, bụi than, những chuyến tàu chở than không ngừng nghỉ và mối nguy hại đối với các tầng nước ngầm có thể sẽ làm thay đổi vĩnh viễn cuộc sống thôn quê, hay thậm chí làm cho nó không thể đứng vững được.

Phát ngôn viên của Shenhua, Melanie Layton, trấn an, đất đai sẽ được đưa trở lại phục vụ nông nghiệp sau 30 năm khai thác mỏ.

Gunnedah từng có thời hoàng kim trong cuộc bùng nổ len sợi những năm 1950, đang trải qua một trong những cuộc biến đổi lớn nhất kể từ khi thành lập vào năm 1856, Adam Marshall, người vừa rời khỏi chức vụ thị trưởng thành phố hồi tháng 9, bày tỏ. "Chúng tôi đã chứng kiến cuộc bùng nổ than nhỏ vào đầu những năm 1980, nhưng chưa bao giờ đạt đến quy mô như chúng tôi đang thấy hiện nay".

Khai thác than có lịch sử lâu đời ở Australia, nhưng ngành này chưa từng lấn sang vùng đất nông nghiệp quan trọng như đồng bằng Liverpool, một bình nguyên bằng phẳng rộng 4.800 dặm vuông (12.400 km2), bao quanh bởi những rặng núi và rải rác các núi lửa, cách Sedney 275 dặm về phía bắc.

Shenhua Watermark, chi nhánh của công ty năng lượng quốc doanh Trung Quốc China Shenhua Energy, hãng sản xuất than lớn nhất thế giới, đã chi 167 triệu đôla Úc (hơn 170 triệu USD) để mua 43 nông trang với diện tích gần 147 km2. Cựu thị trưởng Marshall cho biết nhiều người bán đã tiết lộ với ông rằng Shenhua trả mức giá cao hơn giá trị thị trường đến vài lần.

George Clift, 83 tuổi, đã từ chối bán đất, và tỏ ra tức giận khi người anh em họ của ông Tony hành động như vậy.

Ông nói: "Anh có trách nhiệm trao nó cho thế hệ sau, vậy nếu anh không làm được điều đó, lẽ ra anh không đáng được trao mảnh đất đó. Tôi rất rất buồn không biết mọi thứ sẽ ra sao với thế hệ sau; chúng tôi được chứng kiến nước Úc tốt đẹp nhất và tôi nghĩ nó sẽ chỉ càng mai một đi từ nay về sau".

Tony Clift nói, ông tin bang sẽ đẩy ông đi để cho phép hoạt động khai thác - và có thể ông sẽ nhận được khoản đền bù thấp hơn số tiền của Shenhua trả cho mảnh đất đó.

"Vâng, nó làm nảy sinh một số vấn đề trong gia đình. Đó là cuộc sống. Tôi thà nhận tiền và bỏ đi còn hơn phải chứng kiến cả khu đất của mình bị đào bới lên".

Tăng trưởng cao của Nhật Bản đã tao ra một cuộc bùng nổ những năm 1980, nhưng giao thương với Trung Quốc, nước chiếm ngôi của Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Australia vào năm 2009, dường như còn đang tăng cao hơn.

Tốc độ tăng trưởng 7,7% năm 2011 của Trung Quốc cao hơn mức tăng bình quân 6,4% của Nhật Bản những năm 1980 và cả mức đỉnh 7,4% năm 1985. Khoảng 1/4 hàng xuất khẩu của Australia được xuất sang Trung Quốc.

Mark Beeson, nhà khoa học chính trị tại ĐH Western Australia, kêu gọi cần phải thận trọng: theo sau sự bùng nổ khai thác tài nguyên thường sẽ là sự hủy hoại.

Giá cả hàng hóa vốn đã giảm dần khi hoạt động khai mỏ trên toàn cầu dần đủ phục vụ nhu cầu của Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chập lại. Một số công ty đã gác lại kế hoạch mở rộng mỏ.

Nhưng triển vọng đầu tư vào ngành này vẫn rất lớn, chính phủ Australia cho biết, với khoảng 500 tỷ đôla Úc trong các dự án đang triển khai.

Beeson nói: "Dĩ nhiên có thể là sai lầm, nhưng nếu tiếp tục diễn ra, nó sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn".

Và theo một cách nào đó thì nó đã như vậy: các cuộc chiến tranh giữa nông dân và công ty khai thác đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận quốc gia về sử dụng đất nông nghiệp, một thứ tài sản quý giá của một quốc gia dân cư thưa thớt như Australia.

Kể từ những năm 1950, trước kỷ nguyên hiện đại và tự do thương mại, mới có một quốc gia có quan hệ thương mại lớn như vậy với Australia.

Khi đó, chính sách thương mại của Australia giành nhiều ưu đãi cho Anh và đặt nhu cầu của Anh quốc lên trên lợi ích quốc gia. Lúc đỉnh điểm cuộc bùng nổ len sợi sau chiến tranh Triều Tiên, kim ngạch thương mại của Australia với Anh chỉ đạt 19,5% GPD, theo thống kê của chính phủ Anh.

Mặc dù Anh và Mỹ vẫn duy trì ảnh hưởng sâu rộng hơn nhiều, nhưng Trung Quốc cũng đang trở thành một phần trong kết cấu chính trị - xã hội của Australia, Chen Jie, giảng viên Quan hệ quốc tế ĐH Western Australia, đánh giá. Ông lưu ý, các nghị sĩ tới thăm Trung Quốc theo lời mời vì lợi ích kinh doanh, sau đó gây tác động lên chính trị Australia.

"Đó là một hiện tượng mới. Nó đang thách thực những quan niệm cũ tại Australia", ông nói.

Giá đất ở Gunnedah

Hai năm trước, Paul Smyth đã suýt té ngửa khỏi chiếc máy gặt và ngã xuống cánh đồng hướng dương khi một đại diện của Shenhua gọi điện cho ông và đề nghị mua nông trang rộng 4,5km2 của ông với giá 6 triệu đôla Úc, cao gấp 4 lần giá trị thị trường. Smyth mua nông trại này 12 năm trước với giá khoảng 700.000 đôla Úc.

"Tôi muốn nghe lại một lần nữa; tôi đang ngồi trong chiếc máy rất ồn", ông nhớ lại. "Tôi đã nghe thấy ông ấy nói, nhưng tôi không thể tin vào tai mình nữa".

Ông nói thêm: "Nếu tôi đã sống ở đó 2 hay 3 kiếp ở đó nữa, cũng sẽ chẳng bao có một nông dân nào đến và mua nó với mức giá ấy".

Khi mọi người biết việc ông bán mảnh đất, những người thường chào ông mỗi ngày một cách đầy thân thiện, họ không muốn nhìn mặt ông nữa.

"Nếu tôi ở vị trí của họ, có lẽ tôi cũng sẽ làm như vậy, tôi đoán thế", Smyth nói. Ông nghỉ hưu ở tuổi 57 và chuyển đến một nơi ở mới rộng 1,2 hecta gần bờ biển.

Những người đang lưỡng lự

Shenhua đã hoàn thành khoan thăm dò sau khi trả cho bang New South Wales 300 triệu đôla Úc quyền thăm dò, nhưng sẽ không thể được khai thác trừ khi nhận được sự chấp thuận của bang về các tiêu chuẩn môi trường tại 3 mỏ lộ thiên.

Khi không thể chắc chắn về tương lai mảnh đất của mình, nông dân không muốn đầu tư cải thiện nông trại, và cũng không ai muốn mua chúng. Những người bị ảnh hưởng còn bao gồm cả những người lựa chọn không bán và những người không bao giờ được lựa chọn, bởi họ sống trên khu vực ngoại vi của vùng khai thác than trên thực tế.

Andrew Pursehouse, người có nông trại nằm gần kề khu vực khai thác nhưng dưới rặng núi mà Shenhua đang có kế hoạch khai thác, nói: "Tôi có 1.000 hecta đất dùng nước ngầm để tưới tiêu. Nếu có chuyện gì xảy ra với nguồn nước này, đất của tôi sẽ có thể chỉ còn giá trị bằng 1/3 hiện nay".

Layton, đại diện của Shenhua, cho biết, công ty có thể mua thêm những trang trại trong vài năm tới nếu họ bị ảnh hưởng bởi bụi và tiếng ồn. Công ty dự định khai thác các mỏ và sẽ giữ nguyên lớp đất bề mặt để trồng cây lên sau khai thác.

Smyth nhớ đồng bằng Liverpool, nhưng ông không tin nông nghiệp và khai mỏ có thể cùng tồn tại.

Ông nói: "Tôi nghĩ đó [khai thác mỏ và làm nông nghiệp] là điều chẳng thể xảy ra ở cùng một nơi. Tôi nghĩ hai việc nên tách rời nhau. Nhưng tôi cũng thấy có lỗi rất nhiều bởi tôi là một trong những người đã làm suy yếu vùng đất và đã đi khỏi đây".

Trâm Anh theo APNews