Tại Hồ Bắc (Trung Quốc) hàng ngàn, hàng vạn người tự nguyện lao vào tâm dịch ở Vũ Hán, trực tiếp đối mặt với hiểm nguy để giành giật sự sống cho người bệnh và tìm cách khống chế dịch bệnh. 

Họ là các nhà khoa học, các thầy thuốc. Đã có nhiều người trong số họ đánh đổi mạng sống của mình trong cuộc chiến đầy nguy hiểm này. 

Họ còn là nông dân, nhà kinh doanh sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, gửi đến người dân ở vùng tâm dịch hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. 

Người dân ở vùng dịch cảm thấy ấm lòng và vững tin hơn trong cuộc chiến đầy cam go và nguy hiểm. 

Sự hi sinh của rất nhiều người với tinh thần “chúng tôi chết cho hàng triệu người được sống” lay động trái tim hàng triệu người trên thế giới. 

Thế mới biết, “rằng trong cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau” như lời của một làn điệu dân ca xứ Nghệ. 

{keywords}
‘Trong cơn hoạn nạn’ … của cuộc chiến chống virus corona

Nhưng, cũng buồn thay, trong cơn hoạn nạn người ta cũng hiểu tận… lòng dạ của bao người. Đó là những hành vi trục lợi từ cuộc chiến chống đại dịch nCoV. 

Một hộp khẩu trang (loại 100 chiếc xuất xứ Nhật Bản) bị đẩy giá lên 5,5 triệu/hộp. Đại dịch nCoV lây lan cực nhanh nhưng xem ra còn thua xa cơn sốt “độc” mang tên khẩu trang này. 

Một cuộc đua phi mã về giá khác cũng không kém so với khẩu trang phòng bệnh là nước rửa tay khô, tăng giá gấp đôi, gấp 3 lần;... 

Người dân có nhu cầu chính đáng để hiểu, để phòng bệnh - ai bảo vệ họ? Những người tiêu dùng dù muốn “thông minh” trong những trường hợp như thế này cũng không thể được. 

Các lực lượng chức năng lẽ ra phải phản ứng nhanh hơn trước nạn đầu cơ, chặt chém. Khi báo chí và mạng xã hội đồng loạt kêu lên thì cơ quan quản lý thị trường mới kiểm tra “đột xuất” các cửa hàng, doanh nghiệp thuốc tư nhân. 

Sự buông lỏng quản lý đã tạo cơ hội “ngàn năm có một” cho những doanh nghiệp, cá nhân coi đồng tiền là trên hết, mặc sức “chặt chém” đồng loại giữa lúc hoạn nạn. 

Họ đánh đổi tình người, tình “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” mà ông cha đã răn dạy từ ngàn đời nay để mưu chút lợi nhuận nhất thời. “Thất đức, bất nhân” là những từ mà dư luận đang dành tặng cho hành vi trục lợi của họ. 

Người dân mong muốn chính quyền các cấp khẩn trương vào cuộc, chấn chỉnh ngay hoạt động kinh doanh các mặt hàng như khẩu trang, nước rửa tay, dịch vụ tư vấn qua điện thoại. Phạt thật nặng bằng tiền là cách hiệu quả nhất để giúp họ giữ lấy thiên lương trong kinh doanh, nhất là giữa lúc cả nhân loại đang phải đối mặt với dịch bệnh khủng khiếp. 

Cũng thật ấm lòng khi nhiều nới người dân đã dựng lên các điểm cấp phát khẩu trang miễn phí, đúng như “nhiễu điều phủ lấy giá gương”. 

“Chống dịch như chống giặc vì sức khỏe và tính mạng của muôn dân” - đạo của Thủ tướng, của Chính phủ như thế mời thành hiện thực. 

 Duy Xuân ,Hồng Nhì