Tất cả mọi người đều muốn quay trở lại với cuộc sống thường nhật, người muốn mở lại cửa hàng, người muốn đi làm, người muốn chạy bộ, người muốn uống ly bia ở vỉa hè,… những nhịp điệu quen thuộc đã phải bỏ đi trong hai tuần vừa rồi để thực hiện giãn cách xã hội, như Thủ tướng chỉ thị. 

Theo tôi, để trả lời câu hỏi đó phải giải được những bài toán tổng hợp về kinh tế, xã hội và y tế,… hay đúng hơn là xác định được ranh giới cân bằng giữa cuộc chiến chống virus và cuộc chiến bảo tồn kinh tế. 

Sống chung với dịch – thay đổi nhận thức 

Tôi đặc biệt chú ý đến phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương ngày 10/4 vừa rồi. 

{keywords}
Phố xá vắng tanh ở TP.HCM

Ông Nhân nói, khi chưa có vaccine thì loài người không thể loại trừ dịch COVID-19. Hiện nay, nhiều nước đang tìm phương pháp giảm số lượng ca nhiễm. Nói cách khác, hiện chúng ta có thể kết thúc được dịch nhưng không kết thúc được tình trạng có người nhiễm, phải chung sống với người nhiễm lâu dài và Covid-19 trở thành bệnh truyền nhiễm khác. 

Ông nói: “Trong bối cảnh này, Việt Nam trong quý II và nhất là trong tháng 6, chúng ta chuyển trạng thái đời sống và kinh tế cả nước sang trạng thái mới là sống với bệnh truyền nhiễm Covid-19 nhưng không có dịch Covid-19. Từ góc độ này, Thành phố dự kiến giữa tháng 5 có thể cho học sinh đi học lại được nếu giữ được số lượng không quá 150 người đang chữa trong bệnh viện. Phấn đấu cuối tháng 5-2020, các đơn vị bắt đầu trở lại sản xuất kinh doanh”. 

Tất nhiên, ông đề nghị phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiện nay như đeo khẩu trang, kiểm soát người từ nước ngoài vào chặt chẽ, hạn chế tụ tập đông người… 

Quan điểm đó, như tôi theo dõi, đã thay đổi theo diễn biến của quá trình chống dịch. 

Ví dụ, đúng 10 ngày trước, tại buổi họp báo chiều 30/3 tại TP.HCM, Bí thư nói: "10 ngày tới là cơ hội vàng để chúng ta kiềm chế dịch bệnh”. Vì vậy, ông quả quyết: “Đại dịch này không phải cơ hội để kinh doanh. Kinh doanh mà phá hỏng công cuộc phòng, chống dịch là có tội với đất nước". 

Còn trong bản báo cáo dự báo về tình hình dịch bệnh ngày 24/3 mà ông là tác giả, Bí thư Thành ủy tính toán mất 29 ngày để 1 ca đầu tiên lây cho 100 người, 10 ngày sau sẽ là 1.000 người và 11 ngày sau đó sẽ lên đến 8.000 người. Ông khuyến nghị mạnh mẽ: “Bằng mọi cách phải kiềm chế sự lây lan để không đạt mức 1.000 người trong vòng 10 ngày kể từ khi có 100 người nhiễm – khoảng 3/4/200 và tốt nhất chỉ có 500 người nhiễm vào 3/4/2000”. Những con số này cho thấy sự lây lan “chóng mặt” của virus và rất đáng sợ, và vì thế mặt trận chống dịch phải cố gắng tuyệt đối. 

Tuy nhiên, sau 10 ngày, đến ngày hôm nay, Việt Nam còn lại 116 ca nhiễm virus Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước. Sức khỏe của những người này hầu hết đều “ổn định và bình thường”. Cả trăm người dương tính đã bình phục và xuất viện. Việt Nam chưa có bất kỳ ca tử vong nào liên quan đến virus corona. 

Tôi trích dẫn phát biểu của Bí thư Thành ủy như trên và khuyên các bạn tôi đọc vì nó phù hợp với nhu cầu thực tế của đất nước này: vừa chống dịch vừa phải duy trì kinh tế. 

Chúng ta đã chống dịch rất tốt, cả hệ thống vào cuộc, người dân hợp tác rất tốt, thành quả chống dịch là rất rõ ràng. Vậy thì thành quả đó ở đâu nếu không khởi động lại nền kinh tế, không khởi động lại trường học? 

Cái giá cần tính toán 

Việt Nam, cũng như không ít các quốc gia khác, có một lượng lớn người dân sống dựa vào cái gọi là kinh tế vỉa hè. Họ là những người gánh hàng rong, xe ôm, thợ hồ, cửu vạn,… kiếm ăn trên hè phố; họ chạy ăn từng bữa, không có tích lũy, không thể vay mượn. 

Nền kinh tế vỉa hè là một phần của khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam được cho là tương đương 30% GDP. Khu vực này lớn đến mức: đang tạo việc làm cho tới 20 triệu lao động, lớn nhất trong các khu vực khác kể cả khu vực doanh nghiệp có đăng ký hay khu vực FDI. Không cần phải bàn nhiều, nhóm này dễ tổn thương nhất, dễ bị đói ăn nhất vì lọt qua tấm lưới hỗ an sinh xã hội. 

Hôm vừa rồi, khi một số tỉnh tự ban hành các chính sách riêng, ngăn sông cấm chợ, nhất là Hải Phòng, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI gọi điện phàn nàn rất nhiều về tình trạng này. Ông nói, không ít địa phương vẫn phát lệnh “cấm sản xuất”, “đóng cửa công trường”, ngăn không cho xe chở nguyên vật liệu và lao động ra vào tỉnh, thành… gây ách tắc cho sản xuất. 

Khái niệm sản xuất kinh doanh “các mặt hàng thiết yếu” cũng được hiểu rất khác nhau. Sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu không thể nào quan niệm chỉ bao gồm khâu lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm cuối cùng, mà còn bao gồm cả khâu sản xuất nguyên, nhiên vật liệu, dán nhãn, bao bì… Ông phàn nàn, ai bảo sản xuất chip Intel là không thiết yếu, phải ngừng sản xuất, khi linh kiện này là thành tố không thể thiếu để sản xuất các thiết bị y tế hiện đại phục vụ cho chữa trị Covid-19, phục vụ cho điều trị y tế từ xa? Ai bảo nhà máy sản xuất bìa carton là không thiết yếu, phải ngừng sản xuất, khi nếu không có bao bì thì lấy gì đóng gói chở máy trợ thở đến với các bệnh nhân? 

Trong bối cảnh khó khăn trăm bề như hiện nay, khi hầu hết các doanh nghiệp đều phải giảm quy mô sản xuất, hay đóng cửa ngừng hoạt động thì những doanh nghiệp nào còn có thị trường, có nguyên liệu để có thể duy trì được sản xuất kinh doanh, là phải được bảo vệ, được tạo điều kiện thuận lợi cho họ với điều kiện họ phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. 

Bởi sau hoạt động của doanh nghiệp là tăng trưởng, là nguồn thu ngân sách, là công ăn việc làm và là nguồn bảo đảm an sinh, xã hội. Vậy thì phải chuẩn bị một tâm thế “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”. 

Vì thế, ông Lộc muốn các địa phương dỡ bỏ ngay các quy định bất hợp lý của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. 

Vâng, những tiếng nói như của ông Lộc ngày càng nhiều lên, đồng điệu với tiếng nói của Thủ tướng về bảo vệ mặt trận kinh tế. 

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch lên đến khoảng 2 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, “tiềm ẩn nhiều rủi ro” đối với hoạt động ngân hàng. Đó là những dấu hiệu rất đáng lo lắng. 

{keywords}
Trông chờ mốc 'cách ly' 15/4

Kích thích nội nhu 

Để trả lời câu hỏi, bao giờ mở cửa trở lại và cân bằng giữa hai “mặt trận”, tôi nghĩ có thể tham khảo câu chuyện của cố Thủ tướng Phan Văn Khải tôi được nghe gần đây. 

Gần đây tôi và một số đồng nghiệp có dịp trò chuyện với nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao, người chứng kiến và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước. Chúng tôi đặt câu hỏi, Việt Nam nên làm gì lúc này để cấp cứu kinh tế trong bối cảnh mọi quốc gia đều dừng các chuyến bay, hoạt động kinh tế đối ngoại bị tê liệt do đại dịch bùng nổ trên toàn cầu? 

Không trả lời trực tiếp câu hỏi, ông Giao kể một câu chuyện thời Thủ tướng Phan Văn Khải khi Việt Nam chống chọi với khủng hoảng kinh tế khu vực cách đây hơn 20 năm. 

Năm 1998, Thủ tướng Phan Văn Khải đi thăm chính thức Trung Quốc. Theo chương trình, buổi sáng hôm sau Thủ tướng sẽ có cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ. Nhưng chiều hôm đó, ông Khải đột ngột gọi ông Giao sang yêu cầu sắp xếp cho gặp ông Chu Dung Cơ ngay. Quá ngạc nhiên, ông Giao hỏi lại: “Anh ơi, mai là hội đàm chính thức rồi. Tiền lệ ngoại giao không có chuyện gặp nhau trước thế này”. 

Tuy nhiên, ông Khải vẫn khăng khăng muốn có cuộc gặp đó. Ông Giao bằng mọi cách liên hệ qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Việt Nam… Đúng một tiếng rưỡi sau, Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đã đến thăm Thủ tướng Phan Văn Khải ở khu biệt thự trong Trung Nam Hải mà đoàn Việt Nam đang ở. 

Thủ tướng Phan Văn Khải nói với Thủ tướng Chu Dung Cơ: “Đồng chí biết là toàn Châu Á đang khủng hoảng tài chính. Việt Nam khó khăn về chuyện xuất khẩu, đầu tư nước ngoài kém, thị trường thu hẹp. Tôi hỏi đồng chí, nếu đồng chí ở địa vị của tôi ở Việt Nam thì đồng chí sẽ giải quyết thế nào? Tuy ngày mai chúng ta mới chính thức hội đàm, nhưng vì chuyện này không tiện hỏi trên bàn ngoại giao, nên tôi muốn gặp riêng đồng chí như thế này”. 

Ông Giao nói, trong ngoại giao câu hỏi của Thủ tướng Phan Văn Khải là câu hỏi rất hiếm gặp, cũng như chính cuộc gặp đó. Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ trả lời một cách rất chân tình: “Tôi và đồng chí đều học Plekhanov (Đại học Kinh tế quốc dân của Liên Xô cũ).  Chúng ta đều từng làm thị trưởng của những thành phố lớn nhất nước. Chúng ta đều phụ trách Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Chúng ta đều từng là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, rồi bây giờ cùng là Thủ tướng. Tôi với đồng chí không hề khác nhau về  nền tảng. Nếu đồng chí muốn ở tôi một lời tư vấn, thì tôi chỉ có 4 chữ thôi : "kích thích nội nhu". Sau đó hai Thủ tướng còn trò chuyện với nhau rất lâu về việc làm thế nào để kích thích nội nhu. 

Khi về nước, ông Khải yêu cầu Văn phòng Chính phủ triệu tập họp Chính phủ đột xuất trong suốt hai ngày và đi đến một quyết định là phát hành trái phiếu chính phủ, đẩy mạnh đầu tư sản xuất trong nước bằng chính nguồn lực nội tại. Một số chương trình như xây dựng điện đường trường trạm được triển khai ngay. Trong báo cáo tổng kết cuối năm, ông Giao đề nghị viết “nền kinh tế đã vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục”. Ông kể, từ “ngoạn mục” không phải từ dùng trong văn bản chính thức, cũng gây tranh cãi, nhưng Thủ tướng đồng ý. Ông nói: “Kính thích nội nhu” là một trong những biện pháp đúng đắn mà Thủ tướng Phan Văn Khải đã làm để đưa đất nước vượt qua thời kỳ khủng hoảng của cả khu vực. 

Như vậy, “kích thích nội nhu” của 20 năm trước có thể phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ, các quốc gia trên thế giới đóng cửa và Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở gần 200% GDP cần biết dựa vào chính thị trường nội địa của mình. 

Lời kết

Kể những câu chuyện trên, tôi hi vọng sẽ có thêm dữ liệu tham khảo, giúp cho quá trình ra chính sách “cách ly xã hội” rõ ràng hơn; để nó có cơ sở tốt hơn khi được tiếp tục hay dỡ bỏ sau ngày 15/4.

Chúng ta tiếp tục cách chống dịch như hiện nay, phát hiện ca nào vẫn phải điều tra F1, F2 với mục tiêu kéo dài đỉnh dịch càng lâu càng tốt, trong sức chịu đựng của nền kinh tế sao cho quá trình lây lan không tạo ra quá tải y tế. Phải dứt khoát yêu cầu những tỉnh tự cách ly bằng chính sách riêng để đảm bảo thượng tôn pháp luật và lưu thông nền kinh tế. Và đương nhiên, “mặt trận kinh tế” cũng cấp thiết vô cùng.

Trong các câu hỏi tôi nhận được, có một câu rất hóc búa. Nếu từ nay đến ngày 15/4 mà vẫn phát hiện 3-4 ca dương tính mỗi ngày thì sao? Có tiếp tục cách ly xã hội đến cuối tháng không? Nếu đến cuối tháng mà vẫn phát hiện thêm số ca dương tính hàng ngày như hiện nay thì có tiếp tục cách ly toàn xã hội tiếp tháng Năm không? Và rồi tháng Sáu? Tháng Bảy?

Liệu chúng ta có thể "ngủ đông" mãi cho đến khi tìm ra vắc xin được dự kiến là mất 12-18 tháng nữa?

Và còn quan điểm của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: “Chúng ta chuyển trạng thái đời sống và kinh tế cả nước sang trạng thái mới là sống với bệnh truyền nhiễm Covid-19 nhưng không có dịch Covid-19” sẽ như thế nào?

Tư Giang