Mới đây, đã có những diễn biến quan trọng tại Triều Tiên, dù chúng diễn ra một cách lặng lẽ.

Trên thực tế khi đưa tin về Triều Tiên, các phương tiện truyền thông quốc tế thường tập trung vào các vấn đề khủng hoảng hạt nhân không có hồi kết hay những tin đồn về giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng. Những tin tức này chỉ khiến báo bán chạy hơn và gây được sự chú ý của độc giả, song nhanh chóng rơi vào quên lãng vì vô giá trị.

Trong khi đó, tin tức về xã hội và kinh tế Triều Tiên ít khi được đưa lên hàng tin chính, vì không hấp dẫn. Tuy nhiên, các quyết định này lại có tác động đến tương lai của đất nước nhiều hơn là các tuyên bố vốn là công việc và nghề nghiệp của giới ngoại giao.

Nằm trong số tin tức quan trọng đó là một quyết định có tên "Các biện pháp 30 tháng 5", được Chính phủ phối hợp với Ủy ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên ban hành vào đầu năm nay, ban đầu được xếp vào loại tin mật.

{keywords}

Những người Triều Tiên lao động trên cánh đồng. Ảnh: Ng Han Guan/AP

Cải cách theo mô hình Trung Quốc

Nội dung của quyết định này là rất đổi mới. Triều Tiên dường như đã quyết định thực hiện cải cách theo mô hình Trung Quốc, mô hình mà người cha quá cố của Kim Jong-un, ông Kim Jong-il từng lo sợ. Nó hoàn toàn không bất ngờ, mà có nội dung rất phù hợp với các biện pháp của Kim Jong-un và các cố của ông đã lặng lẽ tiến hành trong ba năm qua, tuy nhiên những thay đổi chậm chạp đó đã không được thế giới bên ngoài quan tâm.

Bước tiến quan trọng đầu tiên là "các biện pháp 28 tháng Sáu" được ban hành vào năm 2012 và có hiệu lực từ năm 2013. Các biện pháp này trên giấy tờ có vẻ không có gì đột phá, nhưng thực tế là một cuộc cải cách sâu rộng về quản lý nông nghiệp ở Triều Tiên. Chúng cho phép nông dân thiết lập các đội sản xuất gồm từ 5 - 6 người. Mặc dù không quy định công khai, nhưng từng hộ gia đình được phép đăng ký dưới tên gọi "đội sản xuất".

Những đội sản xuất này sẽ được giao đất và sử dụng trong một số năm liên tục, đất này về mặt kỹ thuật vẫn thuộc chủ quyền của các "hợp tác xã" do nhà nước quản lý và sở hữu, đội sản xuất và nhà nước sẽ hưởng thu nhập theo tỷ lệ 30:70.

Trước khi có các biện pháp này, các đội sản xuất phải có số người lớn hơn rất nhiều, tất cả sản phẩm phải nộp cho nhà nước và sẽ được cấp phát lại theo khẩu phần hàng ngày với tỷ lệ chung cho nông dân. Về bản chất, cải cách này là một chuyển biến có tính cách mạng, đánh dấu bước tiến đầu tiên theo hướng tái tư nhân hóa ngành nông nghiệp.

Thu hoạch tốt

"Các biện pháp 28 tháng Sáu" thực hiện tốt hơn so với kỳ vọng của giới lãnh đạo, năm 2013 (năm đầu tiên cải cách có hiệu lực đầy đủ), Triều Tiên đã có một mùa bội thu trong nhiều thập kỷ qua. Các phương tiện truyền thông thế giới đã không đưa tin về vấn đề này. Tuy nhiên, năm 2013 là năm đầu tiên kể từ cuối thập kỷ 1980 Triều Tiên đã sản xuất đủ lương thực cho đất nước. Năm nay, mặc dù có hạn hán nghiêm trọng, nhưng với cơ chế mới linh hoạt, thu hoạch được cho là khá thành công.

Do nông nghiệp đã được cải cách, nên "các biện pháp 30 tháng Năm" không gây nhiều bất ngờ như biện pháp trước. Tuy nhiên các biện pháp này là rất mạnh mẽ, theo đó từ năm 2015 các hộ nông dân (về ý thức hệ vẫn gọi là "đội sản xuất") sẽ được chia 60% thay cho mức 30% của tổng thu hoạch như trước đây.

Ngoài ra, các hộ nông dân được giao đất rộng hơn so với diện tích khoảng 3.300 m2 để canh tác như vườn rau. Không giống như các nước cộng sản khác, trước đây Triều Tiên không bao giờ đi theo hướng nông nghiệp tư nhân dưới mọi hình thức, do vậy trong nhiều thập kỷ, diện tích vườn rau chỉ giới hạn ở mức hạn hẹp 100 m2.

Không dừng lại ở đó, lần này lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã tiến hành cải cách khu vực công nghiệp nhà nước vốn ốm yếu và tàn tạ. Theo chương trình cải cách, các giám đốc xí nghiệp sẽ thực hiện theo "cơ chế trách nhiệm giám đốc mới", gần giống như các doanh nghiệp tư nhân.

Khác với trước, giám đốc thường là đại diện của Đảng và Nhà nước được bổ nhiệm, giám sát chặt chẽ và thường là đàn ông. Theo cơ chế mới, các giám đốc được tự do quyết định bằng cách nào, khi nào và ở đâu về việc mua công nghệ, nguyên vật liệu và phụ tùng cần cho xí nghiệp của họ. Họ cũng quyết định việc bán sản phẩm cho ai, được thuê và xa thải công nhân và được quyết định mức lương tùy theo từng ví trí công việc.

Cơ chế mới cũng ngầm cho phép các giám đốc được nhận những mức thưởng lớn như các doanh nghiệp tư nhân ở các nền kinh tế thị trường. Gần đây, một số đoàn nước ngoài đến thăm Triều Tiên đã được thông báo tóm tắt về các thay đổi trong thời gian tới.

Những tồn tại

Những biện pháp này mới chỉ là kế hoạch và chưa được triển khai, tuy nhiên, những thay đổi gần đây trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy ông Kim Jong-un đã chú ý tới doanh nghiệp. Nền kinh tế Triều Tiên sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, trong đó đặc biệt là vấn đề thiếu vốn đầu tư nước ngoài. Do các công ty Triều Tiên có nhiều quan hệ không tốt với các công ty nước ngoài, bị cấm vận quốc tế và đất nước bị nhiều tai tiếng nên các nhà đầu tư nước ngoài rất lo ngại và cảnh giác.

Không có đầu tư nước ngoài, đất nước không thể phát triển nhanh được. Nền kinh tế Triều Tiến cần nhiều khoản vốn đầu tư lớn từ bên ngoài để khắc phục khó khăn trong các lĩnh vực như hệ thống điện, đường sắt, đường bộ, v.v...

Có một số dấu hiệu cho thấy cơ chế mới sẽ tạo ra nhiều kết quả tốt đẹp, ngành nông nghiệp đã phần nào xóa bỏ những bất hợp lý và đang làm tốt hơn so với trước đây, công nghiệp kỳ vọng sẽ phát triển khi cơ chế tư bản (hay thị trường) được chính thức áp dụng trong khu vực nhà nước. Sự chuyển đổi không thể xảy ra nhanh chóng, nhưng đây là tin tức tốt cho tất cả mọi người cả trong và ngoài CHDCND Triều Tiên./.

Mai Linh (theo Aljazeera)

*Tác giả bài viết là GS Andrei Lankov của Trường đại học Kookmin, Seoul, Hàn Quốc. Ông từng viết một cuốn sách nghiên cứu Triều Tiên.