Sâu xa hơn cả việc trượt đại học hay lỡ du học này chính là áp lực "gà chọi" trên vai đã làm cho nhiều học sinh học chuyên mất sự cân bằng, khó thành công trong cuộc sống sau này.

>> Đường lên đỉnh Olympia hay đường 'cắm chốt'... Australia?

>> Huy chương Toán quốc tế: Đằng sau chuyện đi hay ở

>> Nơi gửi gắm 'đặc quyền' của những nhà có điều kiện?

Cả 10 học sinh giỏi đạt giải nhì, giải ba Học sinh giỏi quốc gia đi thi đại học không đủ điểm sàn (15 điểm)! Câu chuyện mà Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội đưa ra mới đây đã phần nào cho thấy “mặt trái của tấm huy chương” – hệ quả từ học tủ, học lệch của học sinh trường chuyên, lớp chọn.

Áp lực trên vai những chú gà chọi

Cháu trai của tôi thi đậu vào lớp Hóa của một trường chuyên tại TP HCM, gia đình rất phấn khởi, còn cháu thì đầy hào hứng. Thế nhưng, chỉ sau khi nhập học vài ngày, cháu về ỉu xìu. Lý do bởi ngay từ những ngày đầu năm học, thày cô đã trao đổi về cách làm sao để có thể theo học lớp chuyên ở trường mà xét ra thì rất nhiều áp lực.

Đó mới chỉ là mở màn. Học sinh các lớp chuyên luôn gánh trên vai hàng loạt các áp lực khác. Nào là trải qua các cuộc sát hạch trình độ hàng tuần, hàng tháng để lọc ra đội tinh binh sẵn sàng cho các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Chiến thắng những cuộc sát hạch đầy căng thẳng này nào có dễ dàng.

Sau khi lọt qua khe cửa hẹp, các “chú gà chọi” còn lại sẽ phải đối mặt với hàng loạt kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, cấp quốc gia và ai may mắn sẽ vào được đội tuyển Olympic quốc tế. Khi càng lọt vào các vòng trong thì càng phải cố, chưa kể áp lực từ bạn bè, từ gia đình và đặc biệt từ chính thày cô đang ngày đêm “luyện” các em mong năm nay thành tích nhiều, tốt, mạnh hơn năm trước. Học bù đầu mà còn phải lo đạt “chỉ tiêu” giải thưởng.

Chính vì vậy mà học sinh giỏi chỉ còn biết học và học, tập trung vào môn chuyên để có cơ đoạt giải. Ngoài học đội tuyển còn có cả học thêm để tăng thêm sức nặng cho thành tích khi thi thố. Áp lực và lo lắng khiến các em khó lòng cân đối thời gian và năng lượng cho các môn học, cũng như hoạt động khác.

Chỉ cần nhìn khối lượng kiến thức mà các em phải “mang vác”, nhiều thày cô các môn học ngoài môn chuyên  thường cũng sẽ “nhân nhượng”, “giảm tải” khi có lời ngỏ của học sinh, của thày cô môn chuyên, thậm chí của lãnh đạo trong trường. Bởi việc thi học sinh giỏi là màu cờ sắc áo, là bảng vàng thành tích, là tiếng vang, danh tiếng của trường v.v… Chính vì thế, chuyện học sinh học chuyên, nhất là các môn tự nhiên thường dở các môn xã hội và ngoại ngữ là chuyện bình thường. Tệ hơn, có những em chỉ môn chuyên là học khá, các môn khác đều ở tình trạng vô cùng làng nhàng, thậm chí tệ.

{keywords}

Một buổi thi Olympic Toán quốc tế. Ảnh: Vnmath.com

Trượt đại học, lỡ du học

10 em từng đoạt giải học sinh giỏi toàn quốc thi vào trường Y không đủ 15 điểm sàn chỉ là một phần câu chuyện. Nhiều em còn lo ngay ngáy vì học chuyên bận quá chưa chắc đã có cơ tốt nghiệp trung học cho đàng hoàng. Ngay cả các học sinh giỏi Việt Nam đoạt giải Olympic quốc tế, vốn có nhiều cơ hội đạt học bổng du học mà phải ở lại trong nước, có nguy cơ “chậm chân” hơn các bạn khác không đoạt giải gì cũng đang là một thực tế. Lý do vì kết quả học ngoại ngữ của các em này kém xa yêu cầu, hoặc giả muốn đi thì phải bỏ công một hai năm để đèn sách môn tiếng Anh, hy vọng xoay chuyển tình thế.

Có thể tìm thấy trên báo chí, truyền thông những trường hợp như vậy. Chẳng hạn, em Đinh Ngọc Hải, đoạt huy chương Vàng kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế năm 2012 đã được tuyển thẳng vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội có dự định phải học thêm tiếng Anh để có thể đi du học tại trường ĐH Quốc gia Singapore. Em Đậu Hải Đăng, huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế, cựu học sinh lớp 12 toán trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết phải bắt đầu học tiếng Anh vì chưa có thời gian đầu tư cho môn này khi tham gia đội tuyển. Em hy vọng 2 năm sau có thể đi du học.

Còn em Nguyễn Việt Hoàng, huy chương Bạc môn Hóa, cho biết cũng chính vì tập trung tham gia đội tuyển nên dự kiến đi du học của nhiều thành viên đội tuyển chậm hơn so với các bạn cùng lớp. Lớp phổ thông của em có hơn 10 bạn đi du học, nhiều bạn đã tìm kiếm được học bổng cá nhân từ lớp 11, 12 thay vì chờ đến khi thi xong đại học. Thế nên giờ đây Hoàng phải lao vào học tiếng Anh…

Nhưng sâu xa hơn cả việc trượt đại học hay lỡ du học này chính là áp lực trên vai “gà chọi” đã làm cho nhiều học sinh học chuyên mất sự cân bằng, khó thành công trong cuộc sống sau này, do những hạn chế về giao tiếp, hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao và hòa nhập với cộng đồng…

Xin ra khỏi đội tuyển để con không phải thi… học sinh giỏi

Một bà mẹ có con từng lọt vào Đội tuyển học sinh giỏi THCS đi thi Tin học cấp TPHCM đã tâm sự với tôi: Chính vì nhìn thấy những gánh nặng và áp lực của học sinh giỏi, mà kết quả sau này cũng chưa biết sao nên gia đình chị đã làm đơn cho cháu ra khỏi đội tuyển. Thật may chỉ một năm sau đó, nhờ tập trung học tập đều các môn, cháu đã có học bổng đi du học Mỹ.

Chị cho biết thêm: “Giờ cháu rất thành công trong học tập ở trường bên Mỹ. Và điều quan trọng là con tôi có thời gian học văn hóa, chơi thể thao, văn nghệ, hoạt động xã hội. Tôi thực sự muốn con được phát triển toàn diện chứ không phải là gà công nghiệp, sau này ra đời ngơ ngơ ngác ngác. Học là một chuyện, để thành công trong cuộc sống còn cần nhiều kỹ năng khác ngoài học”.

Bản thân tôi, cũng là một phụ huynh có con sắp bước qua những ngưỡng cửa học tập quan trọng, tin rằng câu chuyện thi đậu học sinh giỏi toàn quốc mà vẫn trượt đại học sẽ chấm dứt nếu như việc đào tạo gà chọi, gà công nghiệp lệch lạc này thay đổi. Nhất là khi chính các bậc cha mẹ và học sinh lớp chuyên đã thấy những hậu quả, thiệt thòi từ việc chạy theo thành tích quá mức này.

Nguyễn Anh Thi