Mãi mãi “Hội nghị Diên Hồng” sẽ ăn sâu và trao truyền trong tâm thức của người dân Việt Nam như một sức mạnh của truyền thống gắn liền với mục tiêu phấn đấu cho nền dân chủ hiện đại. 

Diên Hồng vốn là tên gọi một cung điện trong Hoàng thành thăng Long thời Trần, nơi thượng hoàng Trần Thánh Tông đã tổ chức ban yến cho các vị đại diện bô lão từ khắp các làng xã trên cả nước triệu tập về kinh đô để bàn về một quyết sách trước hoạ xâm lăng của giặc Nguyên Mông đang đe doạ vận mệnh quốc gia.

Quyển sách được định đoạt tại hội nghị này chỉ là sự lựa chọn một trong hai giải pháp là “đánh” hay “không đánh” (nói cách khác là để trả lời câu hỏi “hoà” hay “chiến”) một khi quân giặc kéo sang xâm lăng bờ cõi ta. Sử chép (Tháng chạp năm giáp thân 1284) thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói “đánh!”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Đồng lòng nhất trí

Thật ra kể sách đánh giặc đã được thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đưa ra bàn bạc tại một cuộc hội nghị ở bến Bình Than (nằm trên đoạn sông Thương tiếp giáp cả hai tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh ngày nay) được tổ chức cách đó đã hai năm (1282). Sử chép: “Mùa đông tháng 10, vua ngự ra Bình Than đóng ở vũng Trần Xá họp vương hầu và trăm quan, bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ các nơi hiểm yếu” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sử sách cũng cho biết rằng sau khi hội nghị Diên Hồng, quân giặc đã tràn vào biên cương phía Bắc (tháng 1-1285). Đây là lần thứ hai giặc Nguyên Mông kéo sang xâm chiếm Đại Việt. Cuộc xâm lăng đầu tiên đã diễn ra cách đó 27 năm (1285) và quân Nguyên Mông đã nếm phần thất bại. Triều đình nhà Trần sau trận thắng đầu xã tắc vẫn vững vàng, nhưng trong tôn thất và quan lại ở triều cũng có không ít người mải hưởng thụ trên vinh quang của chiến thắng thành những kẻ mà như Hưng Đạo Vương, Trần Quốc Tuấn sau này đã lên án trong bài Hịch tướng sĩ của mình. Đó là những kẻ chỉ biết lấy chọi gà làm vui thú, lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, vui thú ruộng vườn, quyến luyến vợ con, chỉ nghĩ lợi riêng mà quên việc nước, ham mê săn bắn mà quên việc binh… trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn.

Nhận ra thực trạng ấy, lại thấy được động thái quân Nguyên Mông chưa quên hận cũ và vẫn nuôi mộng bành trướng, vua Trần Nhân Tông với tầm mắt nhìn xa trông rộng, một mặt kiên quyết không chịu sức ép của phương Bắc mà hại Chiêm Thành; mặt khác tỏ rõ sự chống đối quyết liệt đối với âm mưu của triều Nguyên muốn dựng kẻ tay sai đưa về thoán nghịch triều chính Đại Việt. Câu hỏi của những người đứng đầu Nhà nước Đại Việt đặt ra cho các bô lão, tầng lớp được tôn trọng nhất trong xã hội truyền thống nước ta thuở đó, chính là sự củng cố sức mạnh đoàn kết của toàn dân trước thử thách mới của lịch sử.

{keywords}
  Phật hoàng Trần Nhân Tông

Sử sách cũng chép tiếp rằng tháng 12 năm Giáp Thân (1284), thấy thế giặc rất mạnh, vua Trần Nhân Tông lại ướm hỏi vị tư lệnh chiến trường của mình là Trần Quốc Tuấn: “Thế giặc to như vậy mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?” thì lập tức nhận được câu trả lời rằng: “Bệ hạ nói câu đấy là lời nhân đức, nhưng tôn miếu, xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi hãy hàng!”.

Như thế là đã có dân, lại có cả tướng chung một ý chí quyết đánh, như sử chép trai tráng Đại Việt săm hai chữ “sát thát” vào cánh tay, rồi đầu quân ra trận. Tuy còn phải có thêm cuộc kháng chiến lần thứ ba diễn ra từ tháng 12 – 1287 để đến tháng 4 – 1288 mới toàn thắng sau trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng, nhưng ý chí được người xưa chép lại rất mộc mạc “muôn người cùng hô một tiếng như bật ra từ một cửa miệng” chính là bài học lớn nhât mà lịch sử dân tộc Việt Nam đã đúc kết, không chỉ với sự nghiệp giữ nước.

Kể từ đó hai chữ Diên Hồng đã trở thành biểu trưng cho ý chí thống nhất của một dân tộc, thể hiện sự đồng lòng nhất trí giữa nhà nước với người dân trong mối quan hệ vua-tôi, trên-dưới… Hội nghị Diên Hồng cũng mang ý nghĩa như một nguyên lý tạo nên sức mạnh dân tộc trước những thử thách của lịch sử và trong chừng mực nào đó cũng biểu hiện nhân tố cận dân, thân dân như một giá trị truyền thống mang ý niệm “dân chủ” sau này được xác lập trong thời kỳ lịch sử cận và hiện đại.

“Muôn người cùng hô một tiếng”

Cách mạng Tháng Tám 1945 là một cơ hội lịch sử mà sức mạnh đoàn kết toàn dân cho công cuộc giải phóng đất nước khỏi ách thuộc địa phản động và cáo chung nền quân chủ đã lỗi thời. Quốc Dân đại hội họp ở Tân Trào với sự có mặt của đông đảo đại biểu đến từ nhiều địa phương của cả nước, để từ đó ban hành lệnh tổng khởi nghĩa, làm lễ xuất quân, thành lập Uỷ ban Giải phóng dân tộc trên cơ sở cương lĩnh của Mặt Trận Việt Minh nhằm mục tiêu giành độc lập và thiết lập chế độ dân chủ cộng hoà… sau này cũng được lịch sử nhắc đến như một “Hội nghị Diên Hồng” thời cách mạng.

Thế hệ những người làm nên cuộc cách mạng này hẳn đều được sống trong hào khí của những ngày tiền khởi nghĩa vang lừng âm thanh, gợi lại những trang sử hào hùng của ông cha, trong đó có ca khúc Hội nghị Diên Hồng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cùng nhóm cộng sự của mình (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ). Ca từ “Trước nhục nước nên hoà hay nên chiến? – Quyết chiến!/Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh? – Hy sinh!”. Và hình ảnh tượng trưng cho cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra tại Bắc bộ phủ cũng gắn liền với một công viên phía trước ngay từ ngày đó đã được đặt tên là Vườn hoa Diên Hồng.

Rồi trong thời kỳ tiến hành kháng chiến chống Mỹ cứu nước, âm hưởng của bài hát này một lần nữa lại vang lên trên các đô thị ở miền Nam trong các cuộc xuống đường đấu tranh đòi thống nhất đất nước và chống sự can thiệp của các thế lực ngoại bang.

Ngày nay, không chỉ mỗi lần “Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến… Biên thuỷ rung chuyển” như ca từ của bài hát Hội nghị Diên Hồng, người Việt Nam mới nhắc lại sự kiện này. Ngay cả trước thử thách của đời sống gia đình, dòng họ, doanh nghiệp…, đứng trước những khó khăn cần đến sự đồng thuận của mọi thành viên, dù nói ra thành lời hay không thì tri thức về “Hội nghị Diên Hồng” cũng trở thành một ý niệm trong tâm thức của mọi người về sức mạnh đoàn kết, nhân tố để vượt qua mọi khó khăn thách đố. Khi nền bóng đá quốc gia gặp khủng hoảng, khi ngành giao hay giáo dục gặp điều bế tắc, khi dòng tộc gặp sự phân tâm.. người ta đề nhắc đến sự cần có một “Hội nghị Diên Hồng” để mong phát huy trí tuệ, tìm ra kế sách để đi tới sự đoàn kết nhất trí “muôn người cùng hô một tiếng”.

Giờ đây, cùng với tên gọi “Phòng họp Tân Trào” gắn với sự kiện Quốc Dân đại hội cách mạng hiện đại, tên gọi “Phòng họp Diên Hồng” được đặt cho hội trường trung tâm dành tổ chức các phiên họp toàn thể trong Toà nhà Quốc hội, ý niệm về một “Hội nghị Diên Hồng” của thời Trần hơn bảy thế kỷ trước đã trở lên gần gũi với ý niệm về dân chủ, về một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” của xã hội hiện đại. Mãi mãi “Hội nghị Diên Hồng” sẽ ăn sâu và trao truyền trong tâm thức của người dân Việt Nam như một sức mạnh của truyền thống gắn liền với mục tiêu phấn đấu cho nền dân chủ hiện đại. 

Dương Trung Quốc (theo Tuổi trẻ)