Người đứng ra làm "quan toà" xem xét các trường hợp cố ý vi phạm mua sắm công ở các tỉnh, thành là Chính phủ.

Số liệu từ Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính được báo chí dẫn lại cho biết, một xe công trung bình, nhà nước sẽ chi phí khoảng 320 triệu đồng/năm bao gồm tiền xăng dầu, bảo dưỡng, sửa chữa và lương cho lái xe.

Như vậy, với 40.000 xe công (theo số liệu của Bộ Tài chính, không kể xe của lực lượng vũ trang) sẽ tiêu tốn khoản ngân sách gần 13.000 tỷ đồng/năm, chưa tính tiền khấu hao.

Từ cú lộ diện quan chức dùng xe nhà gắn biển xanh đã hé ra nhiều chuyện rất đáng bàn.

Tôi không bình luận thêm về về câu chuyện trên vì Tổng Bí thư đã chỉ đạo 9 ban ngành vào cuộc làm rõ. Giờ chúng ta hãy hy vọng và cùng chờ kết quả...  Trong bài viết này, tôi muốn đề cập tới việc các bộ, ngành, địa phương lâu nay chưa thật nghiêm túc thực hiện chủ trương chống lãng phí và thực hành tiết kiệm nói chung của Đảng và Nhà nước.

{keywords}
Mỗi xe công "ngốn 320 triệu đồng/năm. Ảnh minh họa: dantri

Có thật tỉnh Hậu Giang đã hết xe công không phục vụ cho việc đi lại của ông Trịnh Xuân Thanh không? Theo quy định gần đây, trừ hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì các cấp Phó Chủ tịch tỉnh đều không nằm trong diện được trang bị xe đưa đón từ nhà đến cơ quan.

Còn nhớ, tháng 9/2015 Thủ tướng đã ban hành quyết định 32 thay Quyết định số 59 và 61. Trong đó quy định cụ thể về việc thay thế xe ô tô công, định mức xe công, mức khoán kinh phí, đối tượng được đưa đón bằng xe công, quy định việc mua sắm xe công và quy định xử lý vi phạm trong mua sắm xe công.

Báo Tuổi trẻ online ngày 25/10/2015 đặt vấn đề, cả nước có 63 tỉnh, thành. Mỗi tỉnh chỉ 3-4 chức danh được sử dụng xe công thường xuyên. Nhưng tuyệt nhiên không hề có tỉnh nào nghiêm túc thực hiện hướng dẫn nói trên. Việc chi mua sắm ào ào, không tuân thủ văn bản hướng dẫn của Chính phủ, khiến cho nợ công tăng chứ không giảm.

Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý Công sản - Bộ Tài chính đề xuất, thay vì hô hào, kêu gọi, Nhà nước cần những quy định cụ thể để làm rõ trách nhiệm của người lãnh đạo, nếu gây ra tổn thất và lãng phí, thì phải áp dụng các biện pháp chế tài cụ thế.

Tình trạng mua sắm, sử dụng xe công ở các bộ, ngành, địa phương hiện nay "đụng đâu sai đó". Trong đợt rà soát, sắp xếp lượng xe công do Bộ Tài chính tiến hành, hầu như nơi nào thực hiện rà soát, đều có nhiều vi phạm về tiêu chuẩn, định mức mua sắm, sử dụng xe theo Quyết định 32/QĐ-TTg mà Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành.

Báo chí đã tốn nhiều giấy mức dẫn số liệu cũng như cách giải thích của các địa phương mỗi khi " lỡ" sắm xe công quá tiêu chuẩn. Hiện vẫn chưa rõ đã có địa phương nào, đã có người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm duyệt mua sắm quá tiêu chuẩn chưa và nguồn tiền mua vênh thì đã có ai phải đền vào chưa?

Ngay cả câu chuyện cũng vừa lộ ra ở tỉnh Sóc Trăng, mua 4 xe Lexus 570, mỗi chiếc tính ra thời giá bây giờ trên dăm tỷ bằng nguồn thu phạt vi phạm giao thông thì đúng sai thế nào? Nếu các tỉnh khác lại cũng" học và làm theo Sóc Trăng" thì liệu có được không?

Người đứng ra làm "quan toà" xem xét các trường hợp cố ý vi phạm mua sắm công ở các tỉnh, thành là Chính phủ.

Người dân đang dõi theo!

Quốc Phong