Những con số ban đầu đã dần lộ ra ai mới là nạn nhân thực sự sau phanh phui chấn động.

Chắc chắn đó không chỉ là các nhà lãnh đạo chính trị lừa dối, những doanh nhân thành đạt nhưng ích kỷ, hay những thần tượng trong làng thể thao, điện ảnh…vốn được nhiều người mến mộ. Đáng buồn rằng đó còn là những người dân thường ở khắp nơi trên thế giới, là những người cực nghèo ở châu Phi hay châu Á, là tất cả chúng ta.

Những ngày qua, Panama Papers đang dần được tiết lộ với những con số khiến ai cũng phải “choáng”: 214.000 công ty “ma” đang cất giấu khoảng 30.000 - 40.000 tỷ USD “quỹ đen” của 12 nguyên thủ quốc gia đương chức hoặc mãn nhiệm cùng 140 chính trị gia và quan chức nhà nước, 29 tỷ phú trong danh sách của Forbes, rất nhiều nhân vật nổi tiếng tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những con số này có ý nghĩa gì? Chúng dự báo rằng danh sách nạn nhân của vụ này sẽ rất dài.

Nạn nhân đầu nhiên là Thủ tướng Iceland Sigmunder Gunlaugsson, người đã phải từ chức vì các tiết lộ trong Panama Papers liên quan đến vợ ông. Tiếp theo, Thủ tướng Anh David Cameron, ông thừa nhận đã từng sở hữu cổ phiếu trong công ty của cha mình, nhưng khẳng định đã bán toàn bộ số cổ phiếu này trước khi lên nhậm chức. Có lẽ sẽ không dừng ở đây!

{keywords}
Người dân Iceland sau phanh phui chấn động. Ảnh: abc.ca

Giới chuyên gia và nhiều tổ chức từ thiện cảnh báo câu chuyện này không chỉ liên quan tới nhóm siêu giàu.

Ông John Christensen, giám đốc và là nhà đồng sáng lập Mạng lưới Công lý Thuế (TJN) có trụ sở tại Anh khẳng định: "Đó là một sự vi phạm quyền con người, và nạn nhân là những người bình thường chúng ta”. Quy tắc đơn giản là trong khi người giàu và người quyền lực trả thuế ít đi, những người còn lại là chúng ta phải trả nhiều hơn. Thuế giá trị gia tăng (VAT) đang ngày một tăng cao, trong khi những dịch vụ công cần thiết ngày một cắt giảm.

Đó là thực tế ở các nước giàu và phát triển. Còn tại các nước đang phát triển thì sao? Nạn trốn thuế đang làm tổn hại nghiêm trọng các nỗ lực toàn cầu nhằm giúp đỡ các nước này. Sự "chảy máu" tiền bạc này lớn hơn nhiều lần những gì mà các nước nghèo nhận được từ viện trợ nước ngoài. Nguồn thu từ thuế vốn được dùng để chi cho các dịch vụ công ở các nước nghèo đang biến mất với tỉ lệ đáng báo động.

Ước tính có tới 30% giá trị tài chính của toàn châu Phi đang được cất giữ tại các thiên đường thuế ngoài châu lục, gây thất thoát cho nguồn thu từ thuế khoảng 14 tỉ USD/năm. Số tiền này đủ để cung cấp dịch vụ y tế cho các bà mẹ và trẻ em, nhờ đó có thể cứu được 4 triệu sinh mạng trẻ em mỗi năm, cũng như đủ để tuyển dụng giáo viên giúp các trẻ em ở châu Phi đều được đi học.

Theo ông Raymond Baker, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Hội nhập Tài chính Toàn cầu (Global Financial Integrity) có trụ sở tại Washington (Mỹ), Nigeria có lẽ là đất nước có dòng tiền bất hợp pháp tính trên giá trị tổng sản phẩm nội địa (GDP) cao nhất thế giới. Trong khi đó, 70% dân số nước này  - tương đương 100 triệu người – đang sống với mức thu nhập chỉ từ 1-2 USD/ngày.

Nói tóm lại, cứ một công ty lớn không trả thuế tương xứng, có một cơ số y tá và giáo viên mất cơ hội được tuyển dụng, những con đường không được sửa chữa, những trường học không được xây dựng và những bệnh viện thiếu trang thiết bị y tế. Thực tế này đúng với cả các nước giàu, nhưng bản chất toàn cầu của chiêu trò này gây hậu quả nghiêm trọng và đau buồn hơn ở các nước đang phát triển, nơi những đồng tiền thuế thất thu lẽ ra đã có thể cho phép những nước này tự chủ và không phải phụ thuộc vào viện trợ quốc tế.

Đức Đan

* Sự thật bẩn thỉu ở "thiên đường" trốn thuế
* Phanh phui chấn động đã vạch mặt kẻ thù chung
* Phanh phui bí mật động trời: Số phận nào chờ đợi?