-  Lại thêm một tỉnh thuộc diện còn nghèo đua xây dựng trung tâm hội nghị bằng hình thức “đổi đất lấy công trình”, trị giá hàng trăm tỉ đồng...

Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý với đề xuất của Công ty cổ phần đầu tư Hợp Nghĩa xây dựng trung tâm hội nghị 1.000 chỗ ngồi với kinh phí 377 tỉ đồng theo hình thức BT(Báo Tuổi trẻ, thứ 2, 5/2/2018)

Hình như nhu cầu hội nghị, họp hành bây giờ đang có chiều hướng tăng đột biến, đang cần tới trung tâm hội nghị- siêu hội trường, mới đáp ứng nổi?

Hình như càng ngày, đối với nhiều quan chức địa phương, việc xây dựng trung tâm hội nghị, quảng trường, tượng đài, lại có sức hấp dẫn lạ kỳ, nó như là công to việc lớn, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, trách nhiệm công vụ phải nhất thiết thực thi?

{keywords}
Vị trí này dự kiến trở thành trung tâm hội nghị mới của Quảng Ngãi. Ảnh: Trần Mai

Quảng Ngãi không phải là tỉnh nghèo đầu tiên ở nước ta lập dự án xây dựng trung tâm hội nghị. Trước đó, nhiều tỉnh, thành đã xây dựng quảng trường, trung tâm hội nghị; nhiều tỉnh, tiếp tục lập dự án, xin cơ chế, chạy thủ tục...Thói thường, tỉnh này có trung tâm hội nghị mới, to lớn, hoành tráng, tỉnh kia chưa có, nói như cách nói bình dân tếu táo, thì “kém miếng khó chịu”. Lại thêm lối tư duy nhiệm kỳ, tâm lý “thời điểm bản lề”, “giai đoạn nước rút”, thế là đua tranh để có “công trình để đời”, để không “thua chị kém em”.

Dân giàu, nước mạnh, nguồn lực dồi dào, tiền nong rủng rẻng, xây dựng quảng trường, trung tâm hội nghị xứng tầm, chẳng nói làm gì. Nhưng dân còn nghèo, nước chưa giàu, nợ công tăng cao, nguồn lực cho đầu tư phát triển còn thiếu trước hụt sau, thì bỏ nhiều trăm tỉ đồng xây dựng trung tâm hội nghị, quảng trường, liệu có ích gì? Tính hiệu lực, hiệu quả của những chủ trương, quyết sách không do quy mô, mức độ hoành tráng của hội trường hay trung tâm hội nghị đem lại.

Người dân cũng không bao giờ lấy chiều cao, chiều rộng của những trung tâm hội nghị làm thước đo đánh giá năng lực, phẩm chất, sự tận tâm vì dân vì nước của quan chức. Nhiều địa phương đầu tư nhiều tiền của, đất đai xây trung tâm hội nghị bề thế, hoành tráng, nhưng một năm có mấy sự kiện chính trị diễn ra ở đấy? Mà thực tế nhiều địa phương đâu phải thiếu nơi họp hành, tổ chức lễ lạt.Nếu thiếu, là thiếu trường học, bệnh viện, cầu cống, đường sá...Nếu thiếu, là thiếu tầm nhìn và tính thực tiễn trong chính sách phát triển. Nếu thiếu nữa, là thiếu niềm tin của người dân với chính quyền, khi căn bệnh nói không đi đôi với làm, căn bệnh phô trương hình thức, lãng phí, nghèo mà thích xài sang..., không thuyên giảm.

Để né sức ép dư luận, dễ bề lách dự án, các địa phương thường nêu cao tinh thần không dùng tiền ngân sách, chỉ sử dụng cơ chế “đổi đất lấy công trình”, theo hình thức BT, như cách mà tỉnh Quảng Ngãi đang làm. Về bản chất, đất đai là tiền, và hơn cả tiền. Đó là tài nguyên, tư liệu sản xuất không tái tạo, thuộc sở hữu toàn dân, tức tài sản của dân giao cho nhà nước quản lý. Sử dụng cơ chế “đổi đất lấy công trình”, nghe có vẻ lành, vô can, nhưng nó lại ẩn chứa những toan tính lợi ích nhóm, khi cách định giá đất, khi thực hiện chỉ định thầu thiếu minh bạch, không có lợi cho đất nước và nhân dân.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa mới đây đã cảm thấy xót xa, khi nhận ra hiện trạng hàng loạt đất công, tài sản công bị bán chác với giá không đúng giá trị thực. Ông thể hiện quan điểm: Đất công là của để dành. Đừng nóng vội với các dự án đất công...Cũng mới đây, tỉnh Thái Bình đã cho dừng dự án đổi các khu đất vàng ở thành phố lấy công trình trung tâm hội nghị tỉnh trị giá hơn 200 tỉ đồng, sau khi lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ người dân và báo chí.

Trở lại dự án trung tâm hội nghị tỉnh Quảng Ngãi trị giá 377 tỉ đồng. Ông Võ Đức Huy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, khi biết có dự án này, đã lưu ý lãnh đạo địa phương nên hết sức cân nhắc trước khi cho phép dự án triển khai. Ông Huy cho rằng, vùng núi, nông thôn, hải đảo Quảng Ngãi còn rất nhiều công trình kinh tế xã hội cần được quan tâm đầu tư hơn. Hơn nữa, chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát để sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập trong quá trình thực hiện dự án BT...

Không chỉ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, mà lãnh đạo các tỉnh đang có ý định lập dự án xây dựng trung tâm hội nghị hay quảng trường, tượng đài, nên biết lắng nghe những ý kiến có trách nhiệm như thế.

Làm dự án cũng cần có văn hoá- văn hoá dự án.

Dự án nào xuất phát từ lợi ích của đa số người dân, vì sự phát triển thực sự của địa phương, đất nước, thì tất yếu được người dân đồng tình ủng hộ. Những dự án như thế ít khi xảy ra sự cố tiêu cực. Ngược lại, những dự án ẩn chứa những toan tính lợi ích nhóm, đặc quyền đặc lợi, không quan tâm đến lợi ích của đa số nhân dân, phớt lờ các ý kiến phản biện, sẽ bị phản ứng, khó mà đi đến đích.

Uông Ngọc Dậu

Đổi đất lấy hạ tầng: Bỏ ngỏ câu hỏi giá đất

Đổi đất lấy hạ tầng: Bỏ ngỏ câu hỏi giá đất

Giá đất nào để đổi lấy hạ tầng vẫn là câu hỏi lớn vô cùng quan trọng trong cơ chế BT sửa đổi sắp tới bởi hầu hết các dự án hiện vẫn chưa quyết toán.

BT, 25 năm đổi đất lấy hạ tầng: Lỗi kép mất ngàn tỷ

BT, 25 năm đổi đất lấy hạ tầng: Lỗi kép mất ngàn tỷ

Trong 25 năm qua, cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng" đã bị biến tướng thành cuộc đổi chác bất minh, với khung pháp lý quá lỏng lẻo, khiến dự án BT đụng đâu sai đấy.

Làm gì với ‘đất vàng’ trụ sở bộ ngành sau di dời?

Làm gì với ‘đất vàng’ trụ sở bộ ngành sau di dời?

Bộ Tài chính sẽ là đầu mối thay mặt Chính phủ nắm giữ rồi tiến hành đấu giá công khai một số trụ sở có giá trị đất cao.