Tại sao quyền được tham gia vào những loại hình giải trí lành mạnh của con người, (dù họ có là ai) lại không được tôn trọng như vậy?

Vụ hỏa hoạn tại quán karaoke Trần Thái Tông đã được dập tắt, công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy, hỗ trợ thăm hỏi nạn nhân, khắc phục hậu quả hỏa hoạn đang được khẩn trương tiến hành. Nhưng dư âm của nó vẫn ám ảnh trong tâm trí: Kinh hoàng, đau xót, tiếc thương là cảm giác chung của nhiều người chứng kiến.

Trong vòng vài tiếng đồng hồ, ngọn lửa dữ dội thiêu 4 căn nhà lớn tại một khu phố kinh doanh sầm uất. Thiệt hại về tài sản ước tính lên tới hàng chục tỉ đồng với rất nhiều đồ đạc, ô tô, xe máy đều bị thiêu rụi. Đau xót hơn, số người thiệt mạng trong vụ cháy dữ dội đó lên tới 13. Mười ba con người đang ở tuổi chín về thể lực, trí tuệ và kinh nghiệm, họ là trụ cột, là lao động chính trong gia đình, đằng sau lưng họ là cha mẹ, là vợ hoặc chồng và những đứa con thơ dại đang cần sự nuôi dưỡng chở che, dạy dỗ.

Đau đớn khi những người bà thất thần tìm cháu, những người vợ trẻ tê dại chờ nhận dạng chồng, những người đàn ông cố ghìm chặt tiếng nức nở ngoài nhà đại thể, những đứa trẻ thơ dại đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra… Sao cha chúng, mẹ chúng vẫn chưa về?

{keywords}
Khung cảnh tan hoan sau vụ cháy thương tâm

Bản thân những nạn nhân ấy mới trước đó thôi cũng chưa hiểu chuyện gì xảy ra với mình: cả lớp vừa trải qua một giai đoạn học tập và thi kết thúc môn học đầy căng thẳng, họ hồ hởi vui mừng, tập hợp nhau hát hò vui chơi. Điểm họ chọn đến là một quán karaoke định mệnh. Ngọn lửa do người thợ hàn bất cẩn bắt lên bảng hiệu quảng cáo, nhanh chóng cháy lan lên các tầng cao và tấn công vào các phòng hát, nơi những nạn nhân không hề biết vẫn đang vui vẻ hát ca. Chỉ trong chốc lát, ngọn lửa hung ác và khói độc tấn công dữ dội khiến những con người ấy không bao giờ còn được trở về.

Trong khi công tác cứu trợ và cứu hộ nạn nhân - hỗ trợ nhận diện nạn nhân, hỗ trợ cùng gia đình đưa các nạn nhân trở về quê quán - đang khẩn trương tiến hành nhằm giảm bớt đau thương cho các gia đình, thì lại có  những người bình luận khiếm nhã về tai nạn này. Thậm chí, vị trí công tác, đơn vị nơi các nạn nhân tham gia sinh hoạt và học tập cũng được đem ra mổ xẻ. Điều đáng nói nữa là có hẳn những văn bản cấm các hoạt động vui chơi ca hát tương tự với những hình thức răn đe nghiêm khắc.

Vui chơi, ca hát và giải trí là một trong những nhu cầu mà mọi người đều có. Bản thân hát karaoke là một loại hình giải trí xuất hiện cách đây khá lâu tại Nhật Bản. Từ khi ra đời đến nay, hình thức giải trí này nhanh chóng phát triển ở nhiều quốc gia châu Á, sau đó lan sang cả châu Âu và châu Mỹ.  Những người tham gia và tổ chức hát karaoke thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, như nhân viên vǎn phòng, sinh viên, học sinh và cả người nội trợ.

Cũng không hiếm những bữa tiệc liên hoan tại cơ quan hay gia đình, mọi người bố trí những dàn karaoke để cùng nhau thể hiện, tham góp. Khi ấy chẳng có ai phản đối hay chê bai. Thậm chí nếu vụ cháy kia không xảy ra thì việc những cán bộ, học viên đi chơi và sinh hoạt giải trí ngoài giờ học tập cũng chẳng có ai quan tâm hay soi xét.

Vậy mà khi tai nạn đau thương xảy ra, lại có những tư duy “đục nước béo cò” như vậy. Họ dè bỉu, mỉa mai, hả hê về tai nạn thương tâm ấy mà không hề tự đặt ra câu hỏi: trong đời họ đã bao giờ đi hát karaoke lành mạnh? Họ thấy gì ở hoạt động này hay mặc nhiên cho rằng cứ đi hát karaoke là tham gia tệ nạn xã hội?

Còn nhớ năm 1945, trong buổi lễ khai sinh ra đất nước, lời đầu tiên trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chủ tịch đã dẫn và khẳng định như một chân lý: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Vậy tại sao quyền được tham gia vào những loại hình giải trí lành mạnh của con người, (dù họ có là ai) lại không được tôn trọng như vậy? Đây là một ứng xử thiếu văn hóa, thiếu tính nhân văn, thiếu nhân đạo với cả những người đang sống và những người đã khuất.

Thay vì ngồi lướt trên bàn phím chê bai, dè bỉu, hả hê, cần có cái nhìn nhân văn hơn, đúng đắn và tích cực hơn để tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm xóa bỏ những quán karaoke không đủ điều kiện, karaoke trá hình, để trả lại đúng bản chất của loại hình giải trí này, trả lại cho mọi người kể cả cán bộ hay nhân dân quyền được giải trí, được sinh hoạt cộng đồng và được vui vẻ và hào hứng thể hiện mình qua những bài hát mà không bị dị nghị dèm pha. Trả cho tất cả mọi người quyền được hát an toàn trong các phòng karaoke hiện đại, cũng là sự thể hiện của một góc văn minh trong xã hội.

Sĩ Phu