Nhưng 2 ngày đó cũng là những ngày căng thẳng nhất, giằng co nhất giữa mặt trận chống dịch và mặt trận kinh tế ở đất kinh kỳ.

Bốn ngày trước đó, Chủ tịch Chu Ngọc Anh ký chỉ thị 20/CT-UBND chia Hà Nội thành 3 vùng chống dịch. Trên cơ sở văn bản này, Công an TP đã đề xuất cấp giấy đi đường cho 6 nhóm, mà nếu được thông qua, giấy đi đường sẽ được thông qua lần thứ 4 ở Hà Nội, từ khi dịch bùng phát.

Yêu cầu cấp giấy đi đường mới với thủ tục cấp phép thủ công cực kỳ phức tạp, vượt quá năng lực của bộ máy cũng như sức chịu đựng của doanh nghiệp, là không thể hiểu được trên nhiều góc độ, cả pháp lý lẫn chống dịch.

{keywords}
Kiểm tra giấy đi đường mẫu cũ và mới ngày 8/9 tại Hà Nội. Ảnh: Đoàn Bổng

Đến Bộ Giao thông Vận tải cũng phải làm công văn xin Hà Nội vì lo ngại đến an toàn bay do nhân viên không thể đến sân bay.

Bộ này cho biết, nhiều doanh nghiệp ở sân bay liên hệ với công an địa phương nhưng đều chưa nhận được hướng dẫn cấp giấy đi đường cho nhân viên đi làm việc. “Nếu việc cấp giấy không kịp thời thì phần lớn nhân viên không thể đến sân bay làm việc, ảnh hưởng tới việc duy trì an ninh, an toàn hàng không và hoạt động của các chuyến bay". Và còn hàng loạt kiến nghị khẩn thiết khác liên quan đến giấy đi đường từ các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, người dân.

Trước tình thế đó, các lực lượng thực thi luật pháp chưa xử phạt người lưu thông theo mẫu giấy đi đường mới. Ông Chu Ngọc Anh giải thích: Cấp giấy đi đường là vấn đề "mới, khó, chưa từng có tiền lệ”.

Trên thực tế, Hà Nội đã cấp giấy mấy lần, còn Đà Nẵng, TP.HCM cũng đã cấp giấy đi đường. Nếu trước khi quyết định cấp giấy đi đường, cần đặt vài câu hỏi định lượng như có bao nhiêu người cấp giấy, số giấy dự kiến phải cấp là bao nhiêu, một giấy cấp trong bao lâu… thì tính ra ngay hệ thống có đủ năng lực hay không.

Vì sao trong thời công nghệ số mà Hà Nội vẫn cấp giấy một cách thủ công?

Quyết định kịp thời trước 'giờ G'

Song, phải nói thật, có những điều đáng thông cảm và đáng lo lắng cho Thủ đô trong bối cảnh thiếu vắc xin. Đến nay, CDC Hà Nội mới nhận được 3,1 triệu liều vắc xin trong tổng số 3,3 triệu liều mà Bộ Y tế cam kết cung cấp.

Đến ngày 7/9, toàn thành phố đã tiêm được hơn 2,5 triệu liều (đạt 80,7% số lượng đã tiếp nhận); dự kiến đến ngày 9/9 sẽ hoàn thành tiêm 100% lượng đã được phân bổ. Như vậy, Hà Nội mới chỉ tiêm được cho khoảng ¼ dân số.

Hà Nội bắt đầu thực hiện phong tỏa nghiêm theo chỉ thị 16 từ 24/7 đến nay. Đồ thị dịch bệnh cho thấy dịch được kiểm soát khá tốt, và chính sách phong tỏa sớm đã phát huy tác dụng như thế nào.

Nhưng dịch đã lây lan ra gần khắp thành phố, tập trung nhiều ở các khu đông dân tại quận/huyện Thanh Xuân, Đống Đa, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, và Đông Anh.

Số ca mắc bệnh cũng đang lên cao 3.619 kể từ cuối tháng 4 đến nay, chỉ cần Thủ đô lơ là 1-2 tuần là rủi ro bùng dịch sẽ nằm ngoài tầm với do chủng Delta lây lan rất nhanh.

Nhắc lại mặt trận chống dịch để thấy, cái giấy đi đường dường như thể hiện những lo lắng, thậm chí sốt sắng của lãnh đạo Thủ đô trong chống dịch.

Nhưng trên tất cả, nó chưa thuyết phục được doanh nghiệp và người dân.

Rất may là Bí thư Đinh Tiến Dũng đã có quyết định kịp thời - ngay trước khi thực thi giấy đi đường mới. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo tiếp tục sử dụng giấy đi đường do doanh nghiệp tự cấp, tự chịu trách nhiệm.

Đó là thái độ tiếp thu nghiêm túc, cầu thị của lãnh đạo Thủ đô trước các góp ý của rất nhiều đại diện doanh nghiệp và người dân.

Còn nhớ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương trong thực hiện chống dịch “không ban hành giấy phép con”, gây khó khăn đến hoạt động của doanh nghiệp. Thủ tướng từng nói: "Những việc chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng vượt quá thực tiễn thì mạnh dạn đề xuất làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, thực hiện từng bước chắc chắn, không cầu toàn, không nóng vội".

Rất may, giấy đi đường ở Hà Nội đã được gác lại trên tinh thần cầu thị, không nóng vội, dỡ được những rào cản trùng điệp tự tạo nên cho người dân và doanh nghiệp.

Văn phòng Chính phủ hôm qua có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Văn bản nêu, để kịp thời triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Hà Nội triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể đối với kiến nghị của Hiệp hội vận tải TP.HCM về việc thực hiện xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về việc trang bị phương tiện học tập, sách giáo khoa phục vụ việc học tập theo hình thức trực tuyến. Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài. Thủ tướng lưu ý, không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.

Vũ Minh

Chống dịch Covid-19: Không bỏ quên phần chìm

Chống dịch Covid-19: Không bỏ quên phần chìm

Tôn Tử nói: "Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng"; còn cách nói nôm na theo kiểu bóng đá là "Phải biết đọc trận đấu".