"Quan hệ Mỹ – Trung Quốc quá căng thẳng hay quá thân mật thì cũng không có lợi cho các nước nhỏ. Với xu thế hiện nay hai nước này sẽ phải dần dần trở lại quỹ đạo cần của nó và cần thời gian để xử lí"- TS Trần Việt Thái, Viện phó Viện Chiến lược, Học viện Ngoại giao.

Theo dõi cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Mỹ vừa qua, ông có bình luận gì?

Ông Trần Việt Thái: Phía Mỹ đã có sự chuẩn bị nhất định cho cuộc gặp này. Trước đó đã gây sức ép với phía Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên và vấn đề thương mại.

Tuy nhiên, tại cuộc gặp này ông Donald Trump đã có một số điều chỉnh. Tổng thống Trump dùng những lời lẽ có cánh để nói về mối quan hệ cá nhân với ông Tập Cận Bình. Cũng tại cuộc gặp ngắn, Tổng thống Trump bày tỏ kì vọng vào quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc trong tương lai.

Hai bên đã được một số điểm nhất trí, có sự hiểu biết lẫn nhau hơn nhưng kết quả cụ thể thế nào tôi vẫn chưa đọc được ở đâu cả. Điều đó dù phần nào hài lòng về cuộc gặp tuy nhiên họ vẫn còn nhiều việc phải làm.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc một nhà lãnh đạo Trung Quốc đi hàng ngàn dặm tới gặp một vị tân lãnh đạo quốc gia là một việc hiếm hoi, phần nào thể hiện rằng Trung Quốc đang chấp nhận thế yếu hơn của họ. Quan điểm của ông về điều này thế nào?

Không hẳn vậy đâu. Bởi hiện nay Trung Quốc đang chuẩn bị cho Đại hội XVIIII. Trung Quốc đang cần làm đẹp hình ảnh ông Tập Cận Bình, người có khả năng kiểm soát mối quan hệ với đối thủ Hoa Kì. Trung Quốc cũng ý thức được rằng, tân Tổng thống Donald Trump là một người rất khó nắm bắt. Nếu xử lí thành công quan hệ với Hoa Kỳ, nhất là trong nhiệm kỳ Tổng thống mới sẽ là một điểm cộng cho ông Tập. Việc này rất có lợi cho ông ấy trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới. Theo diễn tiến này thì cuộc gặp diễn ra càng sớm càng tốt cho ông Tập Cận Bình và Trung Quốc. Kết quả cuộc gặp sẽ tác động tích cực vào vị thế của Trung Quốc trong quan hệ với các nước khác. Do vậy, phía Trung Quốc đã cố gắng thu xếp cuộc gặp đó diễn ra trong tháng 4.

{keywords}
Sự nồng ấm của Hoa Kì – Trung Quốc vừa qua nếu có cũng chỉ là hình ảnh ban đầu hai bên đang cố gắng truyền tải ra. Ảnh: AP

Và như chúng ta đã thấy, ông Donald Trump đã điều chỉnh, đã tiếp đón ông Tập Cận Bình trong không khí thân mật, nồng hậu. Đừng quên rằng, những gì thể hiện ra bên ngoài, xung quanh cuộc gặp rất có thể chỉ là những thủ thuật ngoại giao, còn bên trong hậu trường và đằng sau nó là gì, điều chưa ai biết cả, mới là quan trọng.

Nhưng không thể phủ nhận, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đã diễn ra đúng thời điểm có lợi cho cả hai bên.

Có một vấn đề là trong khi ông Trung đang đón tiếp ông Tập trong không khí nồng hậu, thân thiện, thì thế giới đã sững sờ bởi phía Mỹ là nã tên lữa vào căn cứ không quân của Syria. Theo ông thì vì sao 2 vấn đề này lại diễn ra cùng một thời điểm như vậy?

Đối thủ hiện nay của Hoa Kỳ là Nga chứ không phải Trung Quốc. Sau vụ phóng tên lửa này, Nga sẽ càng ngày càng bớt ảo tưởng hơn về cải thiện quan hệ với Hoa Kì. Điều đó cho thấy ông Donald Trump là người cực kỳ khó hiểu.

Ban đầu ông Donald Trump đã không ngừng chỉ trích Trung Quốc rất nặng nề và tỏ ra thân thiện, hữu nghị với Nga. Nhưng đến thời điểm này thì ngược lại. Điều đó cũng phản ánh thực tế, quan hệ Hoa Kì – Trung Quốc – Nga đang dần đi vào đúng quỹ đạo của nó.

Hôm nay khi  NATO và Mỹ nhóm họp, nước Anh đang đề xuất một số biện pháp cấm vận Nga sau vụ Syria. Nếu NATO đồng ý  có thể sẽ đẩy mối quan hệ không thân thiện này đi xa hơn nữa. Nếu Hoa Kì can dự sâu hơn nữa lật đổ chính quyền Assad thì tình hình sẽ càng phức tạp và nguy hiểm hơn. Với Trung Quốc cũng vậy, Hoa Kì đã tuyên bố kế hoạch 100 ngày đàm phán thương mại nhưng vẫn còn chưa biết như thế nào.

Còn vấn đề Triều Tiên thì sao?

Theo thông tin tôi nhận được thì hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào quan hệ kinh tế thương mại và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Những gì tôi biết là ngay trong và sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ có nói rằng Trung Quốc đã cam kết hợp tác phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, cam kết hợp tác như thế nào thì không nói rõ.

{keywords}
TS Trần Việt Thái. Ảnh: VOV

Theo quan sát ban đầu của tôi, dường như hai bên cũng đã đạt được những thoả thuận sơ bộ ban đầu, nhưng cần theo dõi thêm vì ngay sau cuộc gặp ấy, phía Mỹ đã bắn tên lửa vào Syria và Hoa Kì cũng đã đưa hạm đội tàu sân bay lớn đến bán đảo Triều Tiên, bật tín hiệu sẽ tăng cường sức ép với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân.

Ở đây có câu chuyện là, dường như phía Trung Quốc cũng đã có cam kết nhưng chưa đủ mạnh nên phía Hoa Kì phải sẵn sàng có những biện pháp đơn phương thêm, tức là nếu Trung Quốc không sát cánh cùng thì họ sẵn sàng hành động một mình.

Nhiều khả năng là Hoa Kì và Trung Quốc sẽ thoả thuận được vấn đề Triều Tiên sớm thôi nhưng chưa rõ mức độ thế nào.

Xem ra quyết định bắn tên lửa này đã được lên kế hoạch từ trước. Và chuyển tải nhiều thông điệp. Quan điểm của ông là gì?

Chuyện bắn tên lửa vào Syria ẩn chứa rất nhiều hàm ý:

Thứ nhất, ông Donald Trump đang khẳng định hình ảnh và uy tín trong nước. Vừa qua ông Trump đã gặp phải nhiều vấn đề phức tạp trong nước, nhất là trong quá trình xây dựng nội các và hoạch định chính sách chưa được ổn định. Thực tế đòi hỏi ông phải thể hiện được hình ảnh là lãnh đạo mạnh mẽ, dám can thiệp mạnh dạn vào các vấn đề lớn để thoả mãn sức ép của những người đã ủng hộ ông Trump, mặt khác cũng thể hiện được hình ảnh của ông khác với hình ảnh người tiền nhiệm trước đã thể hiện.

Thứ hai, với quốc tế, tôi cho rằng ông Trump muốn chuyển đi thông điệp mạnh mẽ đối với Nga, cụ thể ở đây là vấn đề Syria. Mặc dù chưa biết ông ấy lấy căn cứ nào quy kết Syria sử dụng vũ khí hoá học nhưng ông Trump vẫn sẵn sàng quyết định hành động.

Thứ ba, Hoa Kì bắn tên lửa vào Syria trong lúc Tổng thống Trump đang chiêu đãi ông Tập Cận Bình cho thấy thông điệp rất rõ là nếu Trung Quốc không hợp tác thì Hoa Kì sẵn sàng làm một mình và dám chơi rắn.

Tóm lại, quyết định nã tên lửa vào Syria vừa rồi rất có lợi cho ông Donald Trump trong bối cảnh hiện nay. Nó cho thấy ông ấy là người dám làm, dám quyết

Quá khứ đã nhiều lần chứng minh rằng, nếu mối quan hệ Mỹ – Trung trở nên nồng ấm thì các nước nhỏ sẽ bất lợi. Chẳng phải nhiều lần nước lớn ngầm thoả hiệp, bắt tay, đàm phán với nhau trên lưng các nước nhỏ đó sao?

Tôi cũng chưa rõ vì hiện tại có quá nhiều vấn đề chưa có thông tin cụ thể. Một cuộc gặp vừa qua chưa thể giải quyết hết được và cũng chưa nói lên được điều gì. Sự nồng ấm của Hoa Kì – Trung Quốc vừa qua nếu có cũng chỉ là hình ảnh ban đầu hai bên đang cố gắng truyền tải ra.

Có một chuyện tôi thấy cần phải nói, đó là vấn đề Biển Đông vì khu vực này là mối quan tâm của cả Mỹ và Trung Quốc. Quan điểm của Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông vẫn còn khoảng cách rất lớn, và vấn đề Biển Đông không giống như Triều Tiên, liên quan đến nhiều bên trong đó có ASEAN nên không dễ thoả thuận như vấn đề Triều Tiên.

Tóm lại, quan hệ Mỹ – Trung Quốc quá căng thẳng hay quá thân mật thì cũng không có lợi cho các nước nhỏ. Với xu thế hiện nay hai nước này sẽ phải dần dần trở lại quỹ đạo và cần thời gian để xử lí.

Lan Anh thực hiện