Lúc dịch cúm vừa bùng phát ở Vũ Hán, trong một buổi chiều cà phê tán dóc nhiều người vẫn còn cho rằng virus corona cũng không có gì quá nguy hiểm như người ta nói, tất cả chỉ là do báo chí truyền thông góp phần tạo nên.

Họ đem so sánh con số mắc bệnh và tử vong do con virus này so với các con virus khác của các mùa dịch cúm thông thường vẫn giết chết bao nhiêu ngàn người hàng năm để cho thấy nó cũng không có gì là quá trầm trọng.

Tôi không nghĩ như vậy nhưng cũng không có được những thông tin hay dẫn chứng khoa học sao cho thật thuyết phục, ngoại trừ sự quan sát cách mà nhà cầm quyền và người dân Trung Quốc phản ứng.

Không phải chỉ có mấy người bạn uống cà phê kia đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của virus corona này mà còn nhiều người khác nữa, trong đó có cả các vị Bộ trưởng, Thủ tướng, Tổng thống của các quốc gia. Bởi vậy điều gì đang xảy ra tại các nước thì mọi người đã thấy rồi. Đâu đó có một phần của sự ỷ lại, đánh giá chưa đúng mức tầm nguy hiểm của con virus và sự hoảng loạn của người dân.

{keywords}
Hành khách mang khẩu trang bảo hộ đáp máy bay xuống sân bay Sydney.

So sánh tỷ lệ thương vong của các virus bệnh cúm thông thường với virus corona lúc này thì thật là khập khiễng, vì một loại thì mọi người đã thấy hết sự lợi hại của nó cả trăm năm nay, còn chủng loại corona thì mới chỉ thấy khúc dạo đầu của nó.

Cũng giống như so sánh những con sóng thật cao, thật lớn được tạo nên bởi gió so với những con sóng rất ban đầu của một cơn sóng thần Tsunami đang được âm thầm tạo nên bởi núi lửa hay động đất dưới lòng đại dương. Nếu không lầm thì trước lúc sóng thần Tsunami hiện nguyên hình thì mọi người ở bãi biển còn chụp hình quay phim cảnh biển lùi ra xa một cách kỳ hoặc.

Người Trung Quốc, sau đó là người Ý, Iran, Tây Ban Nha bây giờ đã thấy rõ và thấy hết bộ mặt xấu xí của một trận “tsunami - virus” là như thế nào.

Nó không chỉ thiệt hại về con người, mà còn về kinh tế, xã hội và thậm chí chính trị. Cũng may là có vẻ như tất cả các nước còn lại trên thế giới đã bắt đầu đặt con virus mới này đúng vị trí của nó.

Thủ tướng Scott Morrison vừa thông báo là toàn bang NSW (thủ phủ là Sydney), bang Victoria (thủ phủ là Melbourne) và ACT (thủ đô Úc) được đưa vào tình trạng “lockdown” kể từ thứ ba tuần này. Nghĩa là tất cả các doanh nghiệp, các công ty, cơ quan nhà nước phải đóng cửa hoàn toàn, ngoại trừ các dịch vụ quá thiết yếu để duy trì sự tồn tại của xã hội như cây xăng, nhà thuốc tây, siêu thị, cửa hàng tiện ích, vận chuyển hàng hoá, và giao hàng tận nơi. Còn lại tất cả đóng cửa, mọi người cố thủ trong nhà.

Tính ra lý thuyết “thế giới phẳng” (flat-earth theory) gần như thống trị tuyệt đối ngày nào nay lung lay dữ dội. Trong trường hợp khủng hoảng xảy ra như thế này, càng phẳng càng chết! Giấy vệ sinh tại Úc đến cả tháng nay vẫn không thấy cuộn nào trên kệ siêu thị. Thử hỏi 40% nhập khẩu từ Trung Quốc, 20% từ các nước khác và chỉ tự sản xuất chừng 20% thôi thì làm sao không thiếu.

Chưa kể bao bì và một số nguyên vật liệu khác cũng nhập từ nước ngoài để cho ra thành phẩm tại Úc thì 20% nội địa đó có cũng như không. Chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ cần một hai mắc xích bị gãy là gãy toàn bộ hệ thống.

Thế giới dành cho con người phẳng hơn thì thế giới dành cho virus cũng phẳng hơn, nó di chuyển, lan truyền xuyên biên giới dễ dàng và nhanh chóng hơn. Lượng du học sinh, lao động ở nước ngoài ùn ùn trở về nước trong những ngày qua làm cho chiến dịch chống dịch ở Việt Nam bước qua một giai đoạn khó khăn mới.

Khả năng chữa trị dù có tài giỏi đến đâu đi nữa mà thiếu bệnh viện, thiếu giường bệnh thì cũng dễ dàng lâm vào hoàn cảnh bế tắc. Ngành y tế tiên tiến nhất nhì thế giới của nước Ý đang đứng ngay trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó.

Cũng may là Chính phủ Việt Nam đã chủ động cảnh giác và có những bước đi thật sớm trong đợt đại dịch lần này. Nhà nhà người người cùng ý thức để "chống giặc" virus là một thế mạnh vô cùng hiếm hoi.

Thủ tướng Angela Merkel của Đức vẫn còn đi siêu thị với không một miếng vải che miệng và che mũi là điều không hiểu nổi. Có lẽ bà muốn phát đi thông điệp là tình hình vẫn rất bình thường, mọi người hãy bình tĩnh, đừng hoảng sợ.

Chính những hình ảnh đó và những lời phát biểu đâu đó của các lãnh đạo quốc gia các nước phương Tây trước lúc dịch bệnh vượt biên giới ồ ạt khỏi Trung Quốc, đã phần nào tạo điều kiện cho con virus chứng minh khả năng tàn phá của mình.

Vậy mới thấy ranh giới giữa nước này với nước kia, giữa sự tự tin và sự ỷ lại thật là mong manh.

Doanh nhân Lý Quí Trung (Từ Sydney, Australia)