- Phần nói về quân sự trong thông điệp liên bang của ông Putin không chỉ nhằm vào đối tượng người nghe là công dân Nga. Thông điệp về sức mạnh quốc phòng mới và đánh bại mọi đối thủ này chắc chắn còn hướng tới một người nghe khác: đó là Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rất ấn tượng bởi lễ diễu binh trong Ngày Bastille ở Pháp, đến mức gần đây ông kêu gọi Washington cần có một sự phóng túng về quân sự tương tự. Giờ đây, ông có thể sẽ cân nhắc liệu thông điệp liên bang của Mỹ có cần sửa lại căn bản hay không sau thành công trước tranh cử của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đưa thông điệp liên bang của mình lên tầm cao mới.

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thông điệp kéo dài 2 giờ của Tổng thống Putin gồm 2 phần riêng biệt. Phần đầu chủ yếu hướng tới cuộc bầu cử: một kế hoạch chi tiết nhằm hiện đại hóa nước Nga, với một điểm nhấn vào chính sách xã hội và dân số, được minh họa bằng nhiều đồ thị nhằm chỉ ra cho mọi người thấy nước Nga đã tiến bộ như thế nào trong 18 năm dưới sự lãnh đạo của ông (cũng như sẽ tiến tiếp như thế nào). Nhưng phần thứ hai mới là phần mà hầu hết người nghe – trong khán phòng cũng như trên toàn thế giới – sẽ chắc chắn nhớ nhất.

Đáng chú ý là thông điệp liên bang năm nay được đọc không phải từ khu vực sảnh tráng lệ của Điện Kremlin mà tại một phòng triển lãm ở Moscow với  những vật dụng thông thường. Tại sao vậy?

Bắt đầu với một tông giọng khá kỳ quặc, ông Putin đã nhắc lại lần thứ không biết bao nhiêu rằng Nga lên án quyết định của cựu Tổng thống Mỹ George W Bush hủy bỏ Hiệp ước chống lên lửa đạn đạo năm 1972. Tuy nhiên, đó mới là sự mở đầu. Ông Putin sau đó đã phô trương sức mạnh quân sự mới nhất của Nga trên không, trên bộ cũng như dưới biển.

Dường như ông đang rất hài lòng. Ông nói nước Nga giờ đã có một tên lửa hành trình phóng bằng năng lượng hạt nhân mới, có một không hai ở chỗ nó có thể thách thức mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.

Những hình ảnh trên một màn hình rộng đã minh họa cách tên lửa này vận hành như thế nào, trong đó có cảnh các tên lửa bay vèo vèo trên bầu trời với vận tốc siêu thanh, chuyển góc và đâm thủng mục tiêu, giống như các lá chắn phòng thủ “chiến tranh giữa các vì sao”. Bên cạnh đó là hình ảnh các máy bay do thám nhào lộn trên không theo mệnh lệnh của các chỉ huy người Nga, và tàu ngầm không người lái phi như bay dưới lòng đại dương. Cũng có những cảnh trong thế giới thực về các loại vũ khí trong các vụ thử tên lửa và các nghiên cứu chuyên môn.

Tất nhiên, người nghe là thành viên Duma Quốc gia cũng như các chức sắc khác của Moscow đã vỗ tay nhiệt liệt. Đỉnh điểm là cả khán phòng đã đứng dậy tung hô khi ông Putin kêu gọi đoàn kết đất nước và hùng hồn hát bài quốc ca Nga.

Sau khi ông Putin kết thúc thông điệp liên bang, giờ là lúc để cùng nhìn lại điều mà ông đã không nói hoặc ít nhắc tới.

Ông đã không đề cập trực tiếp đến cuộc bầu cử tổng thống ở Nga, sẽ diễn ra vào ngày 18/3 tới. Tất nhiên, ông chẳng cần nhắc đến nó. Các cuộc thăm dò đã cho thấy ông có thể nhận được tới 70% phiếu ủng hộ. Thay vào đó, thông điệp liên bang của ông là nhằm nói với cả nước về những gì ông định làm trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Trên thực tế, thời điểm đọc thông điệp liên bang đã bị hoãn lại hơn 2 tháng để diễn ra sát với lịch bầu cử, nhằm vạch ra lịch trình chính trị cho 6 năm tới. Rõ ràng dù đây có thể là thông điệp liên bang cuối cùng của ông trên cương vị Tổng thống Nga, nhưng nó lại được cho là phát ngôn chính trị mở đầu cho một bữa tiệc lớn khác.

Ông cũng không nhắc gì đến cuộc xung đột tại Ukraine, chỉ thông báo rằng cây cầu mới nối đảo Crimea với đại lục Nga sẽ sớm được hoàn thành.

Sự can dự của Nga tại Syria cũng ít được nhắc tới, ngoại trừ một lời khen ngợi ngắn ngủi dành cho công việc và sự chuyên nghiệp của những người đang phục vụ trong quân đội Nga, và việc các chiến dịch ở Syria đã chứng tỏ năng lực quốc phòng tiên tiến của Nga như thế nào.

Việc ông Putin không nói nhiều về những chủ đề trên có lẽ một phần là vì, sau những gì không thành công ở Afghanistan và 2 chiến dịch ở Chesnia, nhiều người Nga có nỗi lo âu rõ ràng về các cam kết quân sự, và cảnh các cỗ quan tài được đưa về nước là một trách nhiệm chính trị ở Nga giống như ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Nhưng sự vắng bóng của những chủ đề đối ngoại “nóng” ấy trong thông điệp liên bang cũng cho thấy Nga vẫn đang cân nhắc hồi kết cho các chiến dịch ở đó và thận trọng trong việc tuyên bố về một “nhiệm vụ đã hoàn thành” kiểu Bush.

Cũng cần ghi nhận lời đề nghị của Nga về ngừng bắn 5 giờ/ngày tại chiến sự ở Đông Ghouta để tạo một hành lang hỗ trợ nhân đạo. Đây có thể là một lời gợi ý rằng sự phẫn nộ của phương Tây về mức độ đổ máu cũng đang gây ra những lo ngại bên trong nước Nga. Dù có tính đến việc này hay không, thì đây cũng là giai đoạn tiền bầu cử, và ông Putin có thể đã tính toán rằng thật điên rồ khi đùa với số phận, ngay cả khi kết quả bầu cử là hoàn toàn có thể đoán trước.

Tuy nhiên, phần nói về quân sự trong thông điệp liên bang của ông Putin, với những minh chứng bằng hình ảnh cho thấy công nghệ tân tiến nhất, không chỉ là nhằm vào đối tượng người nghe là công dân Nga. Tất nhiên, bạn có thể thấy các thành viên Duma trong khán phòng đã tự hào như thế nào khi thấy nước Nga “đã đuổi kịp và vượt qua” các nhà sản xuất vũ khí tân tiến nhất thế giới. Nhưng thông điệp về năng lực phòng thủ mới, đánh bại mọi đối thủ này chắc chắn còn hướng tới một đối tượng người nghe khác: đó là Mỹ.

Và ông Putin đã đi xa đến mức nói thẳng ra điều đó, dù ông chẳng cần làm như vậy. Ông nói: “Khi Mỹ bãi bỏ Hiệp ước ABM – thỏa thuận mà Liên Xô trước đây và nước Nga sau này coi như một sự đảm bảo đặc biệt cho an ninh của mình – đã không ai muốn nghe chúng tôi nói, dù nước Nga là cường quốc hạt nhân thứ 2 thế giới”. Ông tiếp: “Giờ đây, họ sẽ phải lắng nghe chúng tôi nói”.

Lý do căn bản, nếu không phải là công nghệ, có thể xuất phát từ những gì  Triều Tiên làm gần đây nhằm được chú ý và được coi trọng. Nếu việc phô trương một năng lực quân sự mới và tân tiến, nhằm đe dọa nhiều hơn là ve vãn, là cách duy nhất để được đối xử một cách tôn trọng, thì đúng là như vậy.

Các phát biểu trên của ông Putin, mà một số người cho là mang hơi hướng lạnh lùng, được đưa ra chỉ một tháng sau khi Mỹ thông báo các kế hoạch triển khai các loại vũ khí mới của mình và 2 tuần trước cuộc bầu cử Nga. Putin coi Mỹ là một đối thủ và ông là vị lãnh đạo duy nhất đủ mạnh để thách thức. Ông nói sẽ đáp trả các mối đe dọa từ Mỹ. Hiện chưa rõ các loại vũ khí mà Tổng thống Nga đề cập đến có tồn tại hay không, nhưng ông Putin không phải là người hay lừa phỉnh.

Khác với kiểu ứng xử của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước khi diễn ra Olympic PyeongChang, ông Putin đã thận trọng nhấn mạnh các ý định phòng thủ và hòa bình của mình. Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí nhằm đáp lại một vụ tấn công hạt nhân. Có thể thấy rõ ở đây một lời đề nghị được siêu cường Mỹ coi trọng, và một lời phàn nàn rằng phương Tây đã lợi dụng điểm yếu của Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Đề nghị được đối xử như một người ngang hàng, trên cơ sở sức mạnh quân sự mới, có thể là mục tiêu cho nhiệm kỳ thứ 4 của ông Putin.

Có thể thấy thông điệp liên bang của ông Putin chính là một lời kêu gọi Mỹ bắt đầu đối thoại trở lại, trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Trên thực tế, quan hệ Nga – Mỹ hiện nay không tệ như mọi khi. Đúng là có nhiều những lời xì xào ở cả hai phía, nhưng cả 2 tổng thống và các quan chức chính sách đối ngoại cấp cao của họ hầu như vẫn đang đứng trên dư luận.

Đúng là có nguy cơ tiềm ẩn về một sự va chạm trực tiếp Nga – Mỹ tại Syria, khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad với sự trợ giúp của Nga đã giành lại lãnh thổ và Mỹ vẫn duy trì quân đội ở đây. Nhưng khi một vụ va chạm nào đó đã xảy ra - có thể đã làm hàng chục người Nga thiệt mạng hồi tháng trước trong một vụ không kích của Mỹ tại miền Bắc Syria – phản ứng của Nga là giảm nhẹ nó.

Không rõ chính xác điều gì đã xảy ra và quy chế của những người đã bình luận như vậy là gì – là các lính đánh thuê hay công nhân hợp đồng, hay đây chỉ là một cách để giảm thiệt hại về chính trị? Dù thực tế là gì, cách xử lý vấn đề cho thấy cả Moscow và Washington đều không muốn chiến tranh./.

Diệu An