Theo dõi thảo luận báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của các vị đứng đầu bộ máy nhà nước, cử tri vừa lòng vì các đại biểu Quốc hội nói khá thẳng những cái được và những cái chưa được, nhưng lại chưa thỏa mãn khi lắng nghe các giải pháp.

Liên quan đến phần tồn tại, nhiều vị đại biểu Quốc hội cho rằng tình hình tham nhũng nghiêm trọng làm suy yếu tiềm lực đất nước chưa giảm, tình trạng xâm phạm quyền lợi chính đáng của người dân lương thiện gia tăng, tình hình phạm pháp có nguy cơ lan rộng và ngày càng táo tợn, công khai.

Về kỷ cương trong bộ máy nhà nước, tình trạng “trên bảo dưới làm lơ” nhất là vào “buổi hoàng hôn của quyền lực” (cuối nhiệm kỳ). Việc “chạy chức, chạy quyền” (“Có hay không” là một bí mật của Polichinelle!), chẳng những không giảm mà nay phát triển thêm “chạy luân chuyển”. Có đại biểu khái quát lên “gần như mỗi khi có chính sách gì mới là có … chạy”. Tham nhũng sinh ra từ đây, vì đã có “mua chức” thì ắt phải có “biến quyền lực nhà nước thành quyền lợi cá nhân”.

Đó là những đánh giá thẳng thắn làm vừa lòng cử tri.

{keywords}
ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) phát biểu tại hội trường. Ảnh: VPQH

Việc chạy chức chạy quyền, “Dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban, ngành, các cấp biết” nhưng tại sao chậm giải quyết? Ai là người bán chức, họ ở đâu?

Vấn đề là nguyên nhân do đâu dẫn tới những tồn tại, hạn chế ấy?

Giải pháp nào để giải quyết dứt điểm những hạn chế, tồn tại đã được phản ánh nhiều lần trong nhiều kỳ họp QH?

Những câu hỏi này đại biểu Quốc hội đã nêu lên từ nhiều khóa nhưng vẫn chưa có giải đáp, giống như dòng nước không tìm được lối ra, bất lực đành phải quay trở lại và lẩn quẩn không đi xa được. Điều này gây thất vọng ở cử tri.

Một đại biểu đề xuất: “Thủ tướng Chính phủ phải mạnh dạn xử lý kỷ luật, thậm chí thay thế Bộ trưởng, hay Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ mà không đợi hết nhiệm kỳ”. Đại biểu nghĩ gì về tính khả thi của đề xuất trong cơ chế hiện hành về công tác cán bộ?

Còn một đại biểu nêu giải pháp: “Dân chủ phải đi liền với kỷ cương”. Cử tri thì tự hỏi các tồn tại trong xã hội và trong bộ máy nhà nước hiện nay là do thiếu kỷ cương hay vì dân chủ đã vượt quá khung khổ của kỷ cương?   

Có nhiều lý do khiến cử tri chờ đợi nhiều hơn trong phần đề xuất giải pháp. Mong rằng Quốc hội khóa XIV sẽ đi xa hơn!

Nguyễn Ngọc Trân, Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI

* "Thu mình trong vỏ lợi ích thì làm ĐBQH sao được"
* Quốc hội không phải nơi "im lặng là vàng"
* Quốc hội khóa XIII và những "món nợ" với dân, với nước

* Chuyện ứng cử: Chúng ta đã phản ứng quá căng thẳng