Vậy là người Anh đã quyết định rời EU. Đây có lẽ một trong những sự kiện gây chấn động nhất trong chính trị quốc tế từ sau Chiến tranh Lạnh. Thủ tướng David Cameron đã quyết định từ chức và sẽ bàn giao nhiệm sở trước mùa thu. Ông Cameron là người ủng hộ việc Anh Quốc Remain (ở lại) EU dù chính ông đã gợi ý trưng cầu dân ý rời khỏi EU như một canh bạc chính trị.

Với kết quả chính thức được công bố rạng sáng thứ Sáu (24/6, giờ nước Anh), gần 35 triệu cử tri Anh đã bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU). Đây là một kết quả không ai ngờ tới, kể cả ngay trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra.

Khi hứa cho người dân quyền lựa chọn này ông David Cameron có lẽ đã nghĩ không bao giờ người Anh muốn rời châu Âu. Bởi lợi ích từ thị trường chung lớn nhất thế giới, đầu tư lớn từ châu Âu, thu hút lao động chất lượng cao, và vị thế tốt hơn khi đàm phán các hiệp định thương mại.

Nhưng ông Cameron đã trao quyền mở chiếc hộp Pandora “Brexit” cho đám đông. Như trong thần thoại Hy Lạp, chiếc hộp này sẽ có những tác động khôn lường đến mọi mặt của nước Anh.

Nước Anh sẽ chịu tác động rất lớn về thương mại, bởi hơn 63% sản phẩm xuất khẩu của họ đều trực tiếp xuất sang Châu Âu hoặc dưới các hiệp định thương mại ký với tư cách là thành viên châu Âu (Woodford Fund, 2016). Nước Anh sẽ phải đàm phán lại các hiệp định này (bao gồm cả EVFTA với Việt Nam) một khi rời khỏi EU.

Nghiên cứu của Trường Kinh tế London cho rằng trong trường hợp xấu nhất, Brexit có thể khiến nước Anh mất khoảng 3,1% GDP (tương đương 50 tỷ Bảng) mỗi năm. Còn theo một đánh giá khác, phúc lợi của nước Anh có thể mất đi 2,33% tổng phúc lợi trong năm 2030 ở trường hợp bi quan, và có thể đạt thêm 1,55% trong trường hợp khả quan (Stephen Booth và cộng sự, 2015)

{keywords}

Đồng sàng dị mộng

Trong lịch sử, nước Anh và châu Âu lục địa chưa bao giờ thực sự hoà bình với nhau. Ở những địa điểm chính tại London, như quảng trường Trafalgar hay ga Waterloo, đều được đặt theo tên những chiến thắng của người Anh trước các đế chế châu Âu như Tây Ban Nha và Pháp. Nước Đức Quốc xã từng dội mưa bom vào London những năm Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Chỉ sau khi chiến tranh kết thúc, nhu cầu xây dựng một châu Âu hoà bình và thống nhất mới được thực hiện với sự ra đời của Cộng đồng chung Châu Âu (EC), tiền thân của Liên minh Châu Âu (EU).

Nhưng thực tế mà nói, đây là khối liên minh mang ý nghĩa chính trị và kinh tế nhiều hơn là tình cảm. Người Anh vẫn xem thường dân châu Âu bảo thủ và quá “chủ nghĩa xã hội”, trong khi châu Âu lục địa không ưa những người Anglo Saxon ngạo mạn.

Thực tế mà nói, người Anh cũng chưa bao giờ toàn tâm toàn ý với EU, với việc không tham gia khối visa chung Schengen và đồng tiền chung Euro. Họ cũng thường là “con cừu đen” khi bàn về các vấn đề hệ trọng của châu Âu, như việc tham gia các cuộc chiến do đồng minh là Mỹ phát động, hay chính sách xử lý khủng hoảng kinh tế và tiền tệ của khối.

Hiệu ứng domino?

Với châu Âu, chưa có đánh giá cụ thể về tác động vĩ mô của Brexit, nhưng theo Global Counsel (2015), tác động kinh tế sẽ nhỏ hơn và chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến ba quốc gia có mối quan hệ kinh tế mật thiết với Anh là Hà Lan, Ai-len, và đảo Síp.

Nhưng việc một thành viên chủ chốt như Anh rời khối sẽ ảnh hưởng rất xấu đến EU, khi khu vực này đang chịu rất nhiều sức ép về nhập cư, khủng hoảng kinh tế, và vấn đề từ các nước vùng biên như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha.

Brexit cũng có thể kích hoạt một loạt các quốc gia khác thực hiện các quyền trưng cầu dân ý tương tự, gây ra hiệu ứng domino, dẫn đến sự tan vỡ của EU.

Nước Anh hậu Brexit

Với nước Anh, hậu quả về chính trị chắc chắn cũng sẽ rất nặng nề. Brexit sẽ để lại đống đổ nát, mất nhiều năm người Anh mới có thể dọn sạch.

{keywords}
Thủ tướng David Cameron đã quyết định từ chức và sẽ bàn giao nhiệm sở trước mùa thu.

Với một chính phủ và Quốc hội đa số ủng hộ việc ở lại, sẽ rất khó để ông Cameron có thể giữ được tính chính danh khi cầm quyền trong giai đoạn “hậu ly hôn” của nước Anh với châu Âu.

Cuộc bỏ phiếu này cho thấy Bắc Ireland và Scotland, những khu vực rất muốn độc lập, lựa chọn ở lại, so với phần còn lại của nước Anh lựa chọn ra đi. Đây sẽ là cái cớ quan trọng để người Bắc Ireland và Scotland cho rằng nước Anh không đại diện cho quyền lợi kinh tế và chính trị của họ, nhất là khi Thủ tướng David Cameron từng tuyên bố sẽ cho phép Scotland trưng cầu dân ý về độc lập lần hai nếu đa số người dân ở đây bỏ phiếu ở lại.

Hệ quả thứ ba, là việc đi tìm đồng minh kinh tế - chính trị mới. Không châu Âu, Anh Quốc dựa vào ai để phát triển kinh tế?

Với những động thái mặn nồng gần đây, đặc biệt là sau chuyến thăm lẫn nhau của Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch Tập Cận Bình, có lẽ Trung Quốc, nước từng coi Anh là thủ phạm chính trong "Trăm năm quốc nhục" lại là điểm tựa cho nước Anh hậu châu Âu.

Brexit, nhìn chung, là một vết thương lớn không chỉ cho châu Âu và nước Anh. Nó đánh dấu giới hạn của khu vực hoá kinh tế (regionalism) trong bối cảnh toàn cầu hoá thương mại tắc mãi ở các vòng đàm phán WTO hơn chục năm chưa có kết quả. Đó cũng là bài học lớn cho các liên minh khu vực khác, như Asean, để lựa chọn con đường liên kết phù hợp và bền vững hơn.

Bốn mươi năm trước, người Anh đã cân nhắc việc có rời khỏi EC hay không. Lúc đó, họ đã chọn là một phần của liên minh khu vực lớn nhất thế giới, giúp EU phát triển thành một thế lực kinh tế và chính trị trên sân chơi toàn cầu, là hình mẫu lý tưởng cho các khu vực đắm chìm trong xung đột lúc đó như Đông Nam Á. Sau ngần ấy năm, trong cơn khủng hoảng triều miên của EU kể từ sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008, người Anh lựa chọn ra ở riêng.

Vận may liệu có mỉm cười với người Anh thêm lần nữa?

Khắc Giang