Trong vô vàn những đánh giá, nhận định về kinh tế - tế xã hội tại diễn đàn Quốc hội đang diễn ra, tôi đặc biệt chú ý đến nhận xét này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhất là trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân đang nhận được sự quan tâm sâu sắc nhằm tìm động lực cho phát triển đất nước.

Đi đến đâu vướng đến đấy

Diễn đàn kinh tế tư nhân tổ chức cách đây tròn một tháng là một sự kiện rầm rộ với sự tham gia của 3 Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 50 Ủy viên Trung ương và 2.500 doanh nghiệp tư nhân có tiếng ở Việt Nam, lần đầu tiên có số lượng đông đảo lãnh đạo và doanh nghiệp tư nhân đến vậy.

Tôi còn nhớ, bênh cạnh những lời ca ngợi hoành tráng vẫn văng vẳng những tiếng kêu than từ không ít các doanh nghiệp nhỏ có cơ hội nói tại những phiên thảo luận của Diễn đàn.

Một doanh nghiệp cho biết, ông được cấp phép trong lĩnh vực quảng cáo đặc thù sau 4 cuộc họp của lãnh đạo Hà Nội, song rốt cuộc không thể mở tài khoản ở ngân hàng, không thể thực hiện hợp đồng và thanh toán.

Một doanh nghiệp kinh doanh du lịch quy mô nhỏ phải gặp gỡ đủ các ngành trong suốt 6 tháng, “đi đến đâu vướng đến đấy” mà vẫn chưa thành công trong xin giấy phép.

Trong 4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và hoàn tất thủ tục giải thể lên đến hơn 23.300, một con số kỷ lục.Kêu ca mãi thì cũng nhàm và chán tai, nhưng thực sự là khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đang gặp vô vàn khó khăn.

Đà phá sản đang tiếp nối các năm trước. Trong 2 năm 2017-2018, có 151.204 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tỷ lệ số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động so với số doanh nghiệp thành lập mới lần lượt là 48% và 69%; có gần 50% doanh nghiệp của tư nhân kinh doanh thua lỗ.

Trong cuộc đua với các đối thủ láng giềng, Việt Nam rõ ràng đang chậm lại. Môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa thuận lợi, thậm chí có dấu hiệu chững lại; còn nhiều rào cản đối với phát triển kinh tế tư nhân chưa được tháo gỡ.

Chẳng hạn, theo báo cáo Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới, thành lập doanh nghiệp đứng thứ 104/190 quốc gia với 8 thủ tục và mất 17 ngày. Nộp thuế đứng thứ 131/190 quốc gia với 10 lần nộp/năm và thời gian mất 498 giờ/năm. Thương mại qua biên giới đứng thứ 100/190 quốc gia với 55 giờ kiểm tra thông quan xuất khẩu và 56 giờ kiểm tra thông quan nhập khẩu. Giải quyết phá sản đứng thứ 133/190 quốc gia, không có sự cải thiện đáng kể nào trong suốt 5 năm qua.

{keywords}
Doanh nghiệp vẫn còn đối diện nhiều rào cản kinh doanh.

Theo báo cáo của VCCI, có tới hơn 70% doanh nghiệp đồng tình với nhận định “hợp đồng, đất đai, các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh”. Đa số doanh nghiệp đang lo lắng về chủ nghĩa tư bản thân hữu hay doanh nghiệp sân sau.

Trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân khó khăn như vậy, có vẻ như dòng vốn đầu tư FDI lại đang đổ dồn vào Việt Nam. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết,  trong số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.314,7 triệu USD, chiếm 24,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Đó là chưa kể tới Đặc khu Hành chính Hồng Kông 693,4 triệu USD, chiếm 13%; Đài Loan 265,5 triệu USD, chiếm 5%; Quần đảo Vigin thuộc Anh 211,9 triệu USD, chiếm 4%, là những vùng có quan hệ kinh tế gắn bó chặt chẽ với quốc gia này.

Tất nhiên, tình thế trên được nhiều đại biểu quan tâm tại diễn đàn Quốc hội. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng 241% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2018. Ông cho rằng, nếu không chọn lọc trong thu hút FDI thì sẽ khó khăn trong việc phát triển các tập đoàn tư nhân trong nước.

Nhiều năm gần đây, Chính phủ đã ra sức cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Song, vì nhiều lý do, những đầu tầu tăng trưởng của nền kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Nhưng vươn lên mãnh liệt

Có một chỉ dấu rất rõ ràng, đó là đóng thuế vào ngân sách. Tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp nhà nước đã liên tục sụt giảm tới 26,4% và gần 3,6% trong các năm tương ứng 2018 và 2017.

Năm 2018, tỷ trọng nộp thuế của doanh nghiệp nhà nước vào ngân sách chiếm 27,86%, nhỏ hơn rất nhiều so với 36,36% của khu vực doanh nghiệp tư nhân, và 33,94% của doanh nghiệp FDI (tỷ lệ của hộ gia đình là 1,85%), theo Tổng cục Thuế.

Thu ngân sách từ các doanh nghiệp tư nhân liên tục tăng trên 16% mỗi năm. Năm 2018 là năm đầu tiên thu ngân sách từ khu vực kinh tế tư nhân vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Đến nay, số lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm 83,3% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước, tương đương gần 45,2 triệu người.

Trong một số bài viết gần đây, tôi phân tích rằng khu vực doanh nghiệp tư nhân đã lớn mạnh và vượt qua khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Hơn mọi lời nói, những tín hiệu này phản ánh sự lớn mạnh về quy mô, số lượng và hiệu quả của kinh tế tư nhân trong nước.

Song, vẫn cần nhắc lại trăn trở của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Người ta phấn khởi nhưng chưa yên tâm để làm đâu”.

Điều gì làm khu vực kinh tế này chưa yên tâm làm ăn? Đó là trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách, những người đề ra chủ trương, đường lối phát triển đất nước. Chỉ khi doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thực sự, thì dân mới giàu, nước mới mạnh và nền kinh tế mới độc lập và tự chủ.

Tư Giang