Ở Bắc Giang, một người chồng đang tâm cắt gân tay, gân chân vợ mình ngay trên đường. Và đó không phải là “chuyện gia đình”. Như trước mọi vụ án hình sự khác, người ta cần đặt ra câu hỏi: điều gì đã cho phép sự việc đau lòng ấy diễn ra?

Phản kháng, đòn nặng hơn

Trưa ngày 3.8.2015, chị Dương Thị Hồng tới trụ sở công an xã Lương Phong, Bắc Giang, để tố cáo Chu Quang Đoạ, chồng mình, đã ăn trộm tài sản của mình để ở nhà mẹ đẻ.

Khi chị Hồng rời trụ sở công an, Đạo chặn đường chị Hồng và dùng dao cắt gân tay, gân chân của vợ mình. Hắn tiếp tục dùng dao đâm một nhát vào mặt chị, rồi bỏ trốn.

Cuối tuần qua, Đạo đã bị tuyên án 5 năm tù giam. Những nhân chứng kể rằng ngay cả khi ra đến toà, “người chồng” này vẫn tiếp tục điên cuồng đập phá, lao đầu vào tường đòi tự tử, và tiếp tục thoá mạ chị Hồng.

Vụ “cắt gân vợ” đã gây khiến dư luận xôn xao. Lại một lần nữa, sự tàn ác của những vụ bạo hành được đẩy lên cực điểm. Lần này, không phải là cái chết, mà là một sự tra tấn theo kiểu trung cổ - một chuỗi đòn thù có khả năng biến người ta thành tàn phế.

{keywords}

Phản kháng để làm gì, khi yếu vẫn hoàn yếu, mà những thiết chế giúp đỡ vẫn chưa đủ mạnh. Ảnh: dantri

Câu hỏi “Tại sao?” lại được đặt ra. Và trong số những câu trả lời, có một ý kiến rất đáng lưu tâm: vì người vợ đã dám phản kháng, đã dám nhờ đến chính quyền. Sự bạo lực của những gã chồng ác thú, vốn sinh ra từ một giá trị cốt lõi: chủ nghĩa gia trưởng. Những trận đòn, dù là nhẹ, xuất phát từ việc những kẻ ấy không hề tôn trọng vợ mình và cho rằng “con vợ” ấy có một phẩm cấp thấp kém hơn. Và khi “con vợ” thấp kém ấy dám đứng lên bày tỏ sự phản kháng, thì những con thú bị tổn thương nặng nề hơn nhiều lần – mức độ bạo lực gia tăng lên nhiều lần.

Hình ảnh chị Hồng be bét máu nằm trên cáng, khiến người viết nhớ lại nạn nhân của một vụ bạo hành gây chấn động dư luận khác: chị Phan Thị Lên, ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.

Những người “đi nhẹ, nói khẽ”

Năm 2013, Trần Thới, ngụ tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi bị bắt vì bạo hành con trai. Thới đã đánh đứa con ruột mới lên 9 tuổi dã man tới mức cháu phải chạy trốn ra ngoài ruộng, nấp trong bụi cây, và chỉ được người làng tìm thấy đưa đi viện. Ba ngày sau khi nhập viện, cháu Tuấn vẫn còn nôn ói vì bị đánh vào đầu.

Tuấn và mẹ, chị Phan Thị Lên, đã chịu nhiều trận đòn tới mức không còn nhớ mình đã bị đánh bao nhiêu lần. Và đã có lần, chị Lên phản kháng: chị đã đâm đơn xin ly hôn, đã bế con vào tận Long An làm mướn để sinh sống. Nhưng rồi vì tình nghĩa, vì muốn con có một mái nhà không phải chịu kiếp chui lủi khổ cực, chị lại quay về.

Sau sự phản kháng, mức độ của những trận đòn thù tăng lên, như một logic tất yếu. Cho đến đỉnh điểm là tháng 6/2013, khi Trần Thới bị bắt giữ vì đánh con.

{keywords}
Chị Phan Thị Lên trong căn nhà "địa ngục"

Chúng tôi gặp lại chị Lên 3 năm sau sự kiện. “Chồng” chị đã ra tù. Và chị cũng không còn cách nào khác là tiếp tục quay về sống trong căn nhà địa ngục – bởi căn nhà đó, được xây trên đất của bố mẹ chồng, chị không thể đòi chia sau ly hôn dù đã cùng góp công xây dựng. Chị đơn giản là không còn nơi nào để đi.

Buổi gặp hôm đó là một cuộc trò chuyện ám ảnh: chị Lên không dám nói to trong căn nhà của mình. Cho dù không có một ai ở nhà, chồng chị đã đi làm sớm. Xung quanh là ruộng, nhà bố mẹ chồng cách đó khá xa. Nhưng chị cứ thì thầm, thì thầm, lấm lét, như một thói quen, hay là một bệnh chứng tâm lý.

Hỏi đến thoả thuận ly hôn của chị Lên và Thới, trong ánh mắt của chị ánh lên sự hoảng sợ tột độ. “Ổng giữ hết trong tủ rồi” – chị lại thì thầm – “Không dám lấy ra đâu, ổng đánh đó”.

Người phụ nữ ấy giờ đã chọn lối sống phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình: chị thì thầm. Sau những cuộc phản kháng, chị buộc phải quay về với người đã đánh mình và con dã man như kẻ thù, chị đi nhẹ nói khẽ. Chị hoảng sợ như là những trận đòn đã “thuần hoá” người phụ nữ này tới mức không còn dám nghĩ đến việc có thể đi tìm hạnh phúc nữa. Một sự vô lý cùng cực, nhưng nó tồn tại.

Và có bao nhiêu người phụ nữ nông thôn đang chọn cách sống như chị Lên? Bao nhiêu người hiểu rằng họ cứ phản kháng thì mức độ bạo lực sẽ gia tăng, gia tăng mãi không ngừng cho đến khi họ không còn con đường nào khác là chấp nhận “thuần phục”. Có bao nhiêu người chọn không phản kháng nữa, để… ăn đòn nhẹ hơn?

Nếu có bạo lực gia đình, có lẽ lựa chọn không phản kháng sẽ được nhiều người phụ nữ đưa ra.

Bởi vì phản kháng để làm gì, khi mà đó là một cuộc chống lại đơn thương độc mã, khi những đoàn, những hội được lập nên bảo vệ họ không thể bảo vệ họ - và để họ phơi ra trước gã chồng cục súc.

Phản kháng để làm gì, khi mà sau sự phản kháng, sau khi bước chân ra khỏi trụ sở công an, họ lại phải đối mặt với gã chồng ấy, với việc không có một đồng nào để nuôi con, bơ vơ không khác nào trước khi phản kháng, còn mức độ thù hằn từ gã chồng đã tăng lên.

Phản kháng để làm gì, khi yếu vẫn hoàn yếu, mà những thiết chế giúp đỡ vẫn chưa đủ mạnh.

Đức Hoàng