Chúng ta vừa chạm bước đầu tiên vào năm 2020. Cánh cửa phía sau 2019 đã khép lại. Tâm trạng ai cũng đầy ắp niềm vui và nỗi niềm. Chợt nhớ câu thơ của ông Tố Hữu gần sáu mươi năm trước: “Giã từ năm cũ bâng khuâng/Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường!”. Âu đấy cũng là cảm giác chung của mọi người buổi giao thừa năm cũ/năm mới.

Không bâng khuâng sao được. Một năm trôi qua với biết bao sự kiện xảy ra trong đời sống mỗi con người và của cả dân tộc để bây giờ nhìn lại, bâng khuâng và tiếc nuối chen lẫn niềm phấn khích lâng lâng trước thềm xuân mới.

Nhìn tổng thể, năm 2019 đất nước nhiều niềm vui. Nền kinh tế năm qua được cho là phát triển “ngoạn mục”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, sáng 21/10 nhấn mạnh: Tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới.

{keywords}
Niềm vui trước sự phát triển ngoạn mục của kinh tế đất nước trong năm qua chưa thể lấn át nỗi buồn trước những vấn đề bức xúc của xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Nguyên Xuân Phúc cho biết, các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực, toàn cầu. Nước ta được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh canh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.

Tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nêu 4 điểm lớn của thành tựu kinh tế xã hội đất nước năm 2019.

Tăng trưởng GDP đạt trên 7%, cao hơn kế hoạch đề ra là 6,6-6,8%, quy mô GDP lên 266 tỉ USD, bình quân đầu người đạt gần 2.800 USD/người; lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 3%, thấp hơn so với chỉ tiêu QH đề ra; bội chi ngân sách thấp chỉ ở mức 3,4%, trước đây có lúc 17-18%; tỷ lệ nợ công trên GDP giảm mạnh (xuống mức 55%).

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm, đầu tư, phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ nét. Trong đó chỉ tiêu nông thôn mới ‘về đích’ sớm hơn kế hoạch gần 2 năm.

Tiềm lực quốc phòng - an ninh tiếp tục được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu…

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nhất là phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh.

Tổng bí thư nhắc lại câu vẫn thường nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như hôm nay” để nói rằng, năm vừa qua đã có nhiều cố gắng.

Trong báo cáo Điểm lại cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 12/2019, Ngân hàng Thế giới (WB) dành những lời rất tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam: “Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019. Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019 - chỉ thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với năm 2018”.

Tuy nhiên, sau khi ca ngợi bằng những lời có cánh như trên, WB cảnh báo, nhiều doanh nghiệp hoạt động trên thị trường trong nước đang phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển của họ: “Vì không thể bỏ qua rủi ro về những ngày xấu trời, Chính phủ đã rất đúng khi chú trọng hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước, coi đó là kênh để bù đắp cho khi sức cầu bên ngoài suy giảm. Mặc dù vậy, doanh nghiệp tư nhân hoạt động ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, nhất là khó khăn trong huy động nguồn tài chính dài hạn”.

Một vấn đề khác được dư luận đặc biệt quan tâm trong năm qua là công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cuối năm lò thiêu tham nhũng vẫn cháy rực. Hai cựu phó thủ tướng, hai cựu bộ trưởng và một loạt cán bộ cao cấp khác từ trung ương đến địa phương bị kỉ luật. “Tới đây còn tiếp tục xử lý. Sắp tới các đồng chí chờ xem”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ.

Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nguyên nhân sâu xa đẩy một loạt những “quả đấm thép”, những đại dự án đi đến chỗ phá sản, bế tắc khiến hàng trăm ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước thất thoát, nợ công tăng nhanh, cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

Tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách đang chi phối hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp. Quyền lực thiếu kiểm tra, giám sát đã tạo cơ hội cho nhóm lợi ích phình to, trở thành tập đoàn lợi ích khi mà cả một tập thể lãnh đạo cấp ủy hay chính quyền “đồng thuận” thực hiện “đúng quy trình” những dự án dậy mùi tham nhũng, lợi ích nhóm. Cả một tập thể lãnh đạo ở Khánh Hòa, Đồng Nai vừa bị xử lý, liệu có còn dẫn chứng nào sinh động hơn?

Sự xuống cấp của văn hóa ứng xử, văn hóa học đường, sự gia tăng của bạo lực trong xã hội, sự trỗi dậy của mê tín dị đoan,… cũng đang là những vấn đề gây nhức nhối trong dư luận nhân dân.

Niềm vui trước sự phát triển ngoạn mục của kinh tế đất nước trong năm qua phần nào bị lấn át bởi nỗi buồn trước những vấn đề bức xúc của xã hội, gây mất lòng tin của người dân đặc biệt là việc xử lý tham nhũng, tiêu cực. Lò thiêu tham nhũng tuy đã cháy rực, không có vùng cấm nhưng dư luận vẫn mong mỏi sớm lôi ra ánh sáng những kẻ đang ẩn mình nhưng khéo léo che đậy để phủi trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về sai phạm do mình gây ra.

Nhưng sâu xa hơn cái mà người dân mong mỏi là một sự đổi mới trong cơ chế giám sát quyền lực, tuyển dụng nhân tài để loại khỏi bộ máy những kẻ cơ hội, thoái hóa biến chất, “chuột đội vỏ trứng” lừa dối dân, mưu lợi cá nhân, dòng họ và “cánh hẩu”.

Nhân dân tin và hy vọng như đã từng tin và hi vọng, năm 2020 tiếp tục sẽ là một năm thành công trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và hạnh phúc.

Nguyễn Duy Xuân