Đây là một trong những câu chuyện được chia sẻ tại bàn tròn trực tuyến do Tuần Việt Nam tổ chức với sự tham gia của Đại sứ Lê Lương Minh - nguyên Tổng thư ký ASEAN, nguyên Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ và ông Đỗ Hùng Việt - Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao).  

XEM VIDEO:

 

Cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn

Thưa Đại sứ Lê Lương Minh, ông từng là Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ trong khi Việt Nam đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực (UVKTT) HĐBA 2008 - 2009. Bối cảnh thế giới và vị thế của Việt Nam hiện nay có gì khác so với thời điểm năm 2008?

Việt Nam đảm nhận cương vị UVKTT HĐBA 2008-2009 trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi rất sâu sắc và liên tục. Trong 2 năm ta đảm nhiệm công việc tại HĐBA gồm cả 2 tháng là Chủ tịch, hầu như những vấn đề nhạy cảm nhất liên quan đến những điểm nóng của thế giới đều nằm trong chương trình nghị sự.

Đó là vấn đề hạt nhân Iran, Triều Tiên, điểm nóng Trung Đông, các xung đột chính trị, sắc tộc tôn giáo ở Sudan, Bờ Biển Ngà… Và trong việc xử lý các điểm nóng đó, chúng ta đều thấy dáng dấp của cạnh tranh, ganh đua giữa các cường quốc.

Lần thứ hai ta tham gia công việc HĐBA năm nay, tình hình thế giới vẫn tiếp tục rất phức tạp. Trong khi những căng thẳng, xung đột cũ chưa được giải quyết thì lại xuất hiện những căng thẳng, xung đột mới liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo…

Các mối đe dọa an ninh truyền thống như chạy đua vũ trang, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt cũng như những mối đe dọa an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, khủng bố và dịch bệnh ngày càng trầm trọng.

{keywords}
Đại sứ Lê Lương Minh

Đặc biệt vấn đề Biển Đông rồi tranh chấp thương mại cũng như mâu thuẫn trong việc ứng phó dịch bệnh Covid-19 cũng gián tiếp làm tăng đối đầu Trung-Mỹ.

Với HĐBA, 2 lần Việt Nam tham gia với tâm thế là một nước thành viên có vai trò, uy tín cao trên trường quốc tế nhờ những thành tựu của công cuộc đổi mới toàn diện, hội nhập và sâu rộng. Việt Nam chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực tham gia phát huy vai trò của cơ chế đa phương và thể hiện là một đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, thành viên có trách nhiệm của LHQ.

Với tâm thế đó, 2 lần chúng ta được bầu vào HĐBA đều với số phiếu cao kỉ lục và thể hiện sự tin cậy của cộng đồng quốc tế.

{keywords}
Ông Đỗ Hùng Việt - Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao)

Trong bối cảnh như vậy, ông Đỗ Hùng Việt cho biết thêm về công tác chuẩn bị và tham gia HĐBA của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay?

Có thể nói hầu hết những vấn đề mà Đại sứ Lê Lương Minh đề cập đã được thảo luận tại HĐBA cách đây 10-12 năm hiện vẫn còn trong chương trình nghị sự. Bên cạnh đó lại xuất hiện một số vấn đề mới. Đặc biệt điều gây ra khó khăn hơn rất nhiều cho các thành viên HĐBA và Việt Nam nói riêng chính là sự cạnh tranh chiến lược gia tăng gay gắt giữa các nước lớn.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 làm đảo lộn các mối quan hệ quốc tế nói chung và cả hoạt động của LHQ, làm sâu sắc hơn mối nghi ngờ đối với vai trò chủ nghĩa đa phương của LHQ và HĐBA, chưa kể tạo ra khó khăn về mặt hoạt động vì không thể gặp gỡ thường xuyên, các nước đã phải tổ chức họp trực tuyến, khó tạo điều kiện cho đại biểu các nước gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi.

Trong bối cảnh đó, công tác chuẩn bị của Việt Nam được tiến hành từ rất sớm. Tại Bộ Ngoại giao cũng như các bộ ngành khác, chúng tôi phải có sự chuẩn bị, nghiên cứu, nhìn lại kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước; Nghiên cứu để xây dựng chủ trương, định hướng tham gia tại HĐBA trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến; Nghiên cứu để xây dựng lập trường của chúng ta trên tất cả các vấn đề mà HĐBA xem xét gần 60 các đề mục khác nhau.

Cán bộ ngoại giao xếp hàng chờ duyệt báo cáo

Theo Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức như thế nào?

Bối cảnh quan hệ giữa các nước lớn và giữa nhiều nhóm nước diễn biến rất phức tạp, cộng với tình hình thế giới và khu vực đều có những căng thẳng. HĐBA là nơi đưa ra những quyết định có ý nghĩa rất quan trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Việc xử lý quan hệ của chúng ta với các nước thành viên là thách thức rất lớn. Làm sao để Việt Nam bày tỏ quan điểm mà không ảnh hưởng đến quan hệ song phương, thậm chí còn góp phần tạo ra lòng tin, tạo cơ sở để chúng ta phát huy hơn mối quan hệ song phương đó.

Phương thức làm việc mới của HĐBA cũng là thách thức nhất định. Thay vì các cuộc họp trực tiếp, chúng ta phải tham gia trực tuyến. Thủ tục bỏ phiếu của HĐBA cũng thay đổi.

Đại sứ Lê Lương Minh chắc còn nhớ nhiệm kỳ trước, mỗi lần bỏ phiếu có thể nhìn quanh phòng để thấy ngay là ai giơ tay, ai bỏ phiếu gì. Nhưng hiện nay với thủ tục mới, các nước phải bỏ phiếu bằng văn bản trong vòng 24h, nên ta không biết các nước khác bỏ phiếu thế nào.

Đây là những cái mới chúng ta phải thích nghi trong quá trình triển khai. Nhưng với sự chuẩn bị kĩ lưỡng, bài bản, sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan và sự sát sao của các cấp lãnh đạo, ta đã thích ứng rất nhanh.

Trước đây, phái đoàn thường trực của chúng ta thường xuyên phải làm việc khuya. Tôi rất nhớ hình ảnh khi sang công tác tại New York, anh chị em cán bộ gần như ngồi xếp hàng để chờ Đại sứ Lê Lương Minh duyệt những báo cáo để gửi về nhà. 

{keywords}
Thứ trưởng Đặng Minh Khôi tại buổi thảo luận về vấn đề Trung Đông tháng 6/2020

Bây giờ, với hoạt động trực tuyến thì ngay tại đầu cầu Hà Nội, lãnh đạo của Bộ Ngoại giao có điều kiện tham gia trực tiếp nhiều hơn các hoạt động của HĐBA. Đây là điểm rất mới và ta đã tận dụng tốt để phát huy vai trò và sự chủ động tích cực của mình tại HĐBA. 

‘Phần thưởng’ cho những đêm dài không ngủ

Đại sứ Lê Lương Minh có còn nhớ kỷ niệm về những đêm không ngủ khi duyệt báo cáo?

New York và Hà Nội chênh nhau khoảng 12h. Khi HĐBA họp kết thúc vào buổi trưa hoặc chiều muộn, ngay lập tức các hãng truyền thông đã đưa tin về kết quả cuộc họp và thái độ của các nước. Vì thế việc phải có báo cáo kịp thời là rất quan trọng.

Thứ hai là tại HĐBA, quan điểm tham vấn - tức là tham vấn kín trước khi các nước ra hội trường họp chính thức rất quan trọng, quyết định đến thái độ bỏ phiếu của các nước.

Tôi còn nhớ ngày 31/7/2008 - ngày cuối cùng chúng ta đảm nhiệm cương vị Chủ tịch, HĐBA đang tham vấn về vấn đề gia hạn phái bộ an ninh của LHQ ở Bắc Darfur (Sudan). Đại sứ một cường quốc nói rằng chưa xin được chỉ đạo từ Ngoại trưởng của họ nên chưa thể xác định được phương châm bỏ phiếu.

Trong khi đó đã là 10h tối, các nước thúc ép là phải tổ chức họp công khai để bỏ phiếu. Bởi 12h nếu không thông qua được nghị quyết thì phái bộ hòa bình của LHQ không có ai quản lý, điều đó rất nguy hiểm.

Chúng ta phải tổ chức họp tham vấn khẩn cấp. Đến 11h đêm, vị đại sứ vẫn nói chưa có chỉ thị. Cuối cùng ta vẫn phải ra quyết định bỏ phiếu, họp công khai. Trước khi tôi thông báo như vậy, đại sứ của cường quốc đó viết một mảnh giấy đưa tôi. Anh em lo lắng nghĩ rằng đây chắc là phản ứng mạnh. Nhưng mở ra thì trong đó viết một câu: “Tôi cám ơn ngài Đại sứ về một quyết định rất đẹp”. Bởi vì chúng ta tôn trọng các nước, đã tham vấn rất chu đáo. 

Kỳ tới: Ứng xử với nước lớn không chọn bên mà chọn luật pháp quốc tế

Tuần Việt Nam

Điều ước của Đại sứ Mỹ nếu có cây đèn thần

Điều ước của Đại sứ Mỹ nếu có cây đèn thần

Nếu có cây đèn thần, tôi ước Việt Nam sẽ có thêm năng lực thực hiện hàng loạt hoạt động phát triển giáo dục, Đại sứ Mỹ chia sẻ với độc giả Tuần Việt Nam - báo VietNamNet.