“Rút kinh nghiệm” là một câu chuyện dài ở nước ta. Dài đến mức mà Chủ tịch Quốc hội phải thốt lên rằng “rút hoài không hết”. Vậy, cái kinh nghiệm là cái gì mà khó rút đến thế?

Do không thực hiện được chủ trương “đất đổi đất” trong đền bù giải phóng mặt bằng dự án Hồ Tả Trạch, dẫn đến việc 10 năm nợ tiền đền bù dân, Chính phủ đã có tờ trình về việc sử dụng 77 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng để đền bù cho dân.

Sáng 16/8, tại buổi họp lấy ý kiến UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu: “Cho Chính phủ tiếp tục rút kinh nghiệm một lần nữa”.

“Rút kinh nghiệm” là một câu chuyện dài ở nước ta. Dài đến mức bà Chủ tịch Quốc hội phải thốt lên, rằng “rút hoài không hết”. Vậy, cái kinh nghiệm là cái gì mà khó rút đến thế?

{keywords}
Ảnh minh họa: Báo dantri

Kinh nghiệm trong câu chuyện dự án Hồ Tả Trạch, nguồn cơn dẫn đến câu cảm thán “rút hoài không hết” là do việc đền bù giải phóng mặt bằng theo chủ trương “đất đổi đất” đã phá sản khi mà không đủ quỹ đất để đền bù, dẫn đến người dân thiếu đất sản xuất để duy trì cuộc sống suốt 10 năm qua.

Thứ được hiểu là “kinh nghiệm” ở đây chính là phương án đền bù giải phóng mặt bằng đã được xây dựng mà không căn cứ theo điều kiện thực tế. Và đây không phải là một kinh nghiệm mới, không phải một bài học mà chỉ đến dự án này mới bắt đầu xuất hiện.

Nhắm vào một nguồn lực không rõ ràng, là diện tích đất không có thật, để làm căn cứ xây dựng chủ trương, đó là điều mà bất cứ ai cũng nhận ra sai trái, và nếu coi đó là kinh nghiệm, thì kinh nghiệm này đã được rút từ vài trăm năm trước, từ khi có câu thành ngữ “đếm cua trong lỗ” của người xưa.

Các cụ đã đúc kết từ thực tiễn rằng, kinh nghiệm là một thứ hoàn toàn cụ thể, là những sai lầm đã được khẳng định để không thể lặp lại. Bởi thế, làm gì có cái thứ kinh nghiệm “rút hoài không hết” như băn khoăn có lý của bà Chủ tịch Quốc hội.

Không phải bàn cãi thêm, rõ ràng cái thứ rút hoài không hết mà người ta vẫn đổ cho kinh nghiệm, thực chất là tâm thế của những người được giao trách nhiệm thực hiện dự án. Họ thực hiện nhiệm vụ mà không đặt lợi ích của người dân vào lựa chọn của mình.

Nếu xem lợi ích của người dân như là một lựa chọn ưu tiên, những người thực hiện dự án Hồ Tả Trạch dĩ nhiên phải xem xét dự án này sẽ khiến bao nhiêu người dân bị mất đất, cần bao nhiêu diện tích để đền bù, và diện tích đó sẽ từ đâu mà có? 10 năm trước, nếu những câu hỏi này được trả lời, sẽ không có việc UBTVQH phải chấp thuận chuẩn y một đề xuất từ Chính phủ, dẫu biết rằng nó không phù hợp.

Hậu quả của dự án Hồ Tả Trạch không xuất phát từ một yếu tố bất ngờ chưa có tiền lệ, để từ đó trở thành kinh nghiệm mới. Nó thuần túy khởi nguồn từ việc thực thi trách nhiệm thiếu chuẩn mực. Và đó là cố ý làm trái. Thiếu kinh nghiệm là một khái niệm hoàn toàn khác biệt đối với việc cố ý làm trái.

Xem ra điều cần rút ở đây, đúng ra, phải là một ngon roi quốc pháp.

Đã tới lúc, cần có một ngọn roi quốc pháp được rút ra để trừng trị những hành vi cố ý làm trái. Chỉ khi đối mặt với sự trừng trị thích đáng của pháp luật, người ta mới thể rút ra kinh nghiệm.

Các cụ dạy rằng, không sai lầm nào mà không phải trả giá!

Phạm Trung Tuyến