Không thể chỉ mình Chính phủ chuyển động, mà bên dưới cứ coi như việc của ai? Các “tư lệnh” bộ, ngành, người đứng đầu các cấp phải cùng chung tay, cùng vào cuộc, mới có thể tạo ra động lực mới cho quốc gia.

Qua một năm ai cũng nhìn rõ những chuyển động mới của Chính phủ “kiến tạo, liêm chính và hành động”.

Chính phủ quyết liệt tháo gỡ khó khăn, coi người dân và DN là chủ thể, là trung tâm của đổi mới, nhưng đã hé ra những bất cập của việc tháo được sợi dây này, lại như buộc thêm sợi dây kia.

Giảm thủ tục hành chính, mà bộ máy vẫn cồng kềnh, một số không nhỏ công chức yếu kém đạo đức, non về nghiệp vụ vẫn cứ chen chân ở các công sở. Vấp phải những cản lực ấy “con tàu kinh tế đất nước” sao tránh khỏi những nặng nề khi vận hành?

{keywords}

Trên lưng gánh quá nặng, ngành tài chính sẽ cân đối thu chi ngân sách quốc gia năm 2017 ra sao? Rõ ràng khi nguồn thu khó khăn, tiền bạc chi ra không thể phóng tay. Kế hoạch thu chi ngân sách của các bộ, ngành, tỉnh, thành phải đi vào căn cơ, kỷ cương. Phải đưa vào quá khứ việc cứ “chi trước, xin sau”. Càng phải gắn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong sử dụng ngân sách.

Người dân vỗ tay khi Chính phủ cân nhắc từng đồng ngân sách! Ai hay, có bộ, ngành vẫn cứ trình lên Chính phủ những đề án, dự án xa lạ, chưa cấp thiết nhưng lại ngốn nhiều bạc tiền ngân sách. Đất nước khó khăn, các địa phương tiết kiệm không bắn pháo hoa trong Tết Đinh Dậu, nhưng tỉnh nọ, thành phố kia vẫn để dư luận ỳ xèo về những trang trí đèn hoa như “phượng bay rồng múa” vừa tốn kém, vừa xa lạ, kệch cỡm liệu có nên?

Bộ Tài chính năm nào cũng đau đáu giải bài toán cân đối thu chi, nhưng ngân sách vẫn cứ bội chi nên rất cần rà soát các quy chế, quy trình chi tiêu có đúng, có trúng việc không?

Ngành thuế, hải quan phải ngó lại xem các khoản đã thu đủ, thu hết về cho ngân sách chưa. Báo cáo thành tích năm 2016 của các tập đoàn kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, về doanh số, lợi nhuận, về nộp ngân sách đều kêu như chuông, nhưng sau đó vẫn là điệp khúc xin cấp trên được để lại khoản này, miễn đóng góp khoản kia, sao có thể nói lo cho đất nước? Doanh thu của 33 tập đoàn, tổng công ty sụt giảm chỉ bằng 93% năm trước. DN lớn trụ cột là Tập đoàn Dầu khí (PVN) mà nộp về cho ngân sách 86 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 74,7% năm trước. Tổng Công ty công nghiệp Tàu thủy cứ nói SXKD vượt kế hoạch, ước lãi 117,7 tỷ đồng, nhưng ai hay lỗ do chi phí tài chính, khấu hao tài sản cố định quá lớn, lỗ do thuê thiết bị mặt bằng quá nhiều, nên tổng mức lỗ phát sinh năm 2016 lại tới 5.404 tỷ đồng, nghe giật mình thay! Hay Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất, chỉ tính lợi nhuận hợp nhất đã ước lỗ tới 628 tỷ đồng, đủ thấy ngân sách quốc gia năm 2017 tới đây sẽ còn khó khăn nhường nào?

Nhìn thẳng thực trạng của các tập đoàn, các tổng công ty lớn của Nhà nước đều còn yếu trong quản trị DN, và thực thi kỷ cương, kỷ luật tài chính. Thanh tra vào cuộc nơi nào cũng lộ ra sai phạm nọ, thiếu sót kia.

Những lỗ hổng trong cổ phần hóa DNNN đang đặt ra nhiều vấn đề không thể buông lỏng. Chậm chạp cổ phần hóa với đủ lý do nại ra đã đành, nhưng đáng ngại hơn là đây đó đã bày ra chuyện biến báo như “làm xiếc” trong định giá tài sản, đất đai ở những vị trí đắc địa để chuyển sang tay cá nhân. Đã thấy những đường ban lắt léo bạc tiền trong những mớ cổ phiếu, cổ phần không phải ai cũng mua bán được. Thực trạng nhỡn tiền ấy, các cơ quan, ngành chức năng đã vào cuộc vô tư chưa?

Ngân sách quốc gia thất thu ở những mảnh “đất vàng, đất kim cương” này là không nhỏ. “Lợi ích nhóm” trú ngụ ở cả đó, “sân trước, sân sau” cũng ẩn cả trong đó chứ đâu xa?

Nhìn thẳng vào thực trạng yếu kém trong điều hành trên mọi lĩnh vực để tìm kế sách, giải pháp.

Không thể chỉ mình Chính phủ chuyển động, mà bên dưới cứ coi như việc của ai? Các “tư lệnh” bộ, ngành, người đứng đầu các cấp phải cùng chung tay, cùng vào cuộc, mới có thể tạo ra động lực mới cho quốc gia.

Các bộ, ngành phải nhìn lại đội ngũ cán bộ đã chọn đúng người, xếp đúng chỗ chưa. Vai trò của bộ, ngành là xây dựng, làm chính sách, tạo hành lang cho Chính phủ đi vào kiến tạo, mà vẫn còn việc cứ “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” sao chấp nhận?

Người dân nhìn vào hành động của các “công bộc”, chứ không chỉ nghe những lời nói hay, những “phát ngôn” chấn động?

Đăng Quang/ theo Đại biểu Nhân dân

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt