- Nếu tình trạng tham nhũng đất đai không được kiểm soát, nhà nước không chỉ mất đi nguồn thu ngân sách, mà còn cả niềm tin của nhiều công dân.

Tôi có một người bạn, hiện đang là một nhà nghiên cứu kinh tế ở Berlin, Đức. Dạo gần đây anh không làm được việc gì, mà phải liên tục hỗ trợ về mặt pháp lý và tinh thần cho gia đình và hàng xóm của mình, là những cựu giáo chức của trường cấp 3 Trần Phú, Hải Phòng. Khu tập thể cũ của những giáo viên trường chuyên số một vùng Đông Bắc này nằm trong kế hoạch giải toả của thành phố, nhằm chuyển giao cho một công ty tư nhân phát triển khách sạn năm sao.

Tranh cãi nổ ra khi các giáo viên cho rằng thành phố đã thu hồi và đấu giá đất sai quy trình, lạm dụng biện pháp cưỡng chế sai mục đích, và đền bù chưa thỏa đáng cho các hộ di dời. Đại diện lãnh đạo thành phố thì cho rằng mình không sai trong các cuộc đối thoại, khiến Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc.

Rất nhiều sai phạm

Những ví dụ như trên có lẽ không còn quá hiếm ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt khi quá trình cải cách hành chính diễn ra mạnh mẽ trong thời gian qua. Cải cách cắt giảm biên chế, và đồng thời cũng khiến nhiều cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trước đây thuộc về nhà nước buộc phải cơ cấu lại, trở thành cổ phần hóa hoặc tư nhân hóa.

Một phần rất lớn đất đai của những đơn vị này, nhiều trong số đó ở những vị trị đắc địa, trở thành miếng mồi ngon cho các doanh nghiệp thân hữu. Trong những năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến những lùm xùm quanh câu chuyện cổ phần hóa Hãng Phim Truyện Việt Nam (VFS), di dời Ga Hà Nội, hay mâu thuẫn sử dụng đất ở một số vùng nông thôn ở Hà Nội,... tất cả đều xoay quanh vấn đề đất công sản. 

{keywords}
Hai cựu chủ tịch Đà Nẵng đã bị khởi tố điều tra, với cáo buộc có liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất công sản. Ảnh minh họa: Báo Thanh niên

Vụ việc ở trường cấp 3 Trần Phú, Hải Phòng có lẽ sẽ "êm thấm" hơn nếu không dính dáng tới khu tập thể của các cựu giáo chức. Nhưng còn những mảnh đất công khác trong số hơn 1,5 triệu hecta đất chuyên dụng (đã trừ đi số diện tích hiện nay đang sản xuất, sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp) do nhà nước quản lý ở các địa phương trên khắp cả nước?

Người dân sẽ có nhiều lý do để lo lắng khi từ cuối năm ngoái cho đến giữa năm nay, chiến dịch chống tham nhũng của Ban Kiểm tra Trung ương đã phát hiện rất nhiều sai phạm liên quan đến đất công sản, đặc biệt là dấu hiệu cho thấy một số doanh nghiệp tư nhân lũng đoạn vào cả hệ thống chính trị để có được những khoảng đất vàng với giá rẻ như cho.

Điển hình nhất chắc chắn là Đà Nẵng khi có đến hai cựu chủ tịch thành phố bị khởi tố điều tra, với cáo buộc có liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất công sản, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Gần đây, công luận tiếp tục xì xào khi có thông tin một công ty trực thuộc Thành ủy TP. HCM bán 30 ha đất cho Quốc Cường Gia Lai với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, theo hình thức chỉ định. Thành ủy TP. HCM sau đó đã ra công văn yêu cầu hủy bỏ thương vụ trên.

Những "nghi án" nhỏ hơn ở các địa phương khác có lẽ còn rất nhiều, khi Kiểm toán Nhà nước cho rằng sai phạm về quản lý đất đai chỉ riêng ở bảy địa phương (Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, TP HCM, Tp Cam Ranh - Khánh Hòa, Tp Sầm Sơn- Thanh Hóa) trong giai đoạn 2013 - 2016 đã lên đến hơn 8.300 tỷ đồng. 

Rõ ràng, nếu không kiện toàn lại hệ thống quản lý đất đai, thì nguồn tài nguyên cũng là  túi tiền của nhà nước sẽ tiếp tục bị bòn rút, đặc biệt là khi nền kinh tế mở rộng tất yếu sẽ dẫn đến nhu cầu chuyển giao đất đai để phục vụ cho phát triển. Tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta mới vào khoảng 35%, trong khi ở các nước phát triển hơn trong khu vực là 60 - 80%. Con số này hàm ý rằng tốc độ công nghiệp và đô thị hóa sẽ còn cao hơn trong giai đoạn sắp tới.

Không kiểm soát, không chỉ thất thu, còn mất niềm tin

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số đất ở đồng bằng chưa qua sử dụng hiện chỉ còn chiếm 0,67% diện tích đất cả nước, trong khi cấu phần này với đất chuyên dụng (nhà nước đang quản lý) là 5,5%, đất ở (cả đô thị và nông thôn) là 2,1%, và đất nông nghiệp là 82%. Việc nhà máy, khu công nghệ cao, khu đô thị mới tỉa dần đất đai thuộc các nhóm phía trên, vì thế, là điều tất yếu.

Thế nhưng để quá trình tất yếu này diễn ra công bằng và đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên, chính sách quản lý và chuyển giao đất đai, đặc biệt là đất công sản, cần phải được nhìn nhận và đánh giá lại. 

{keywords}

Đầm bãi Đoàn Văn Vươn sau cưỡng chế. Ảnh: Kiên Trung

Thứ nhất, cần đảm bảo rằng việc chuyển giao đất công sản thực hiện đúng các trình tự,  quy định của pháp luật và các hướng dẫn có liên quan của Đảng, trước khi có những thay đổi về chính sách hiện hành. Có thể thấy những sai phạm trong thời gian qua đều xuất phát từ việc chính quyền địa phương không tuân thủ nghiêm khắc quy trình làm việc, lợi dụng vị trí và chức vụ để làm lợi cho bản thân và gia đình.

Điểm thứ nhất dẫn đến yêu cầu hết sức quan trọng khác là xây dựng một hệ thống giám sát địa phương đủ mạnh. Sai phạm trong quản lý đất công là chỉ dấu cho tình trạng cát cứ chính sách ở một số địa phương, tạo ra hiện tượng "phép vua thua lệ làng". Để giải quyết vấn đề này, cần cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ: thứ nhất là tăng cường giám sát từ các cơ quan trung ương (gồm Ban Kiểm tra Trung ương thuộc Đảng và Thanh tra Chính phủ), và thứ hai, xây dựng được hệ thống giám sát từ dưới lên với người dân làm chủ thể chính.

Thứ ba, cần phải xem xét lại và điều chỉnh quy trình mua bán tài sản công, đặc biệt là đất đai. Trong bối cảnh quá trình cổ phần hóa đang được đẩy mạnh, đây là một ưu tiên cần cấp bách thực hiện sớm nhất có thể.

Nhắc đến những tranh cãi đất đai ở Hải Phòng, tôi lại nhớ đến câu chuyện "động trời" ở địa phương này cách đây 5 năm, ngay trước thềm những thảo luận liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai 2013. Ngày đó, ông Đoàn Văn Vươn, bức xúc vì cách xử lý của chính quyền huyện Tiên Lãng, đã tự biến nhà mình thành lũy chiến để phản đối. Kết thúc sự cố, ông Vươn phải đi tù, còn hàng loạt cán bộ huyện bị xử lý, kỷ luật.

Đất đai là lĩnh vực liên quan sát sườn đến quyền lợi người dân, là nơi dễ xảy ra xung đột và bất mãn nhất. Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết mâu thuẫn đất đai chiếm đến hơn 95% số đơn khiếu nại gửi cho bộ, chỉ riêng trong sáu tháng đầu năm 2017. Bởi thế, nếu tình trạng tham nhũng, lũng đoạn trong lĩnh vực này tiếp tục diễn ra tràn lan và không được kiểm soát, thì nhà nước không chỉ mất đi nguồn thu ngân sách, mà kéo theo đó là niềm tin của nhiều công dân.

Nguyễn Khắc Giang

Thêm ‘củi’ vào ‘lò’ để giữ ‘thành phố đáng sống’ Đà Nẵng

Thêm ‘củi’ vào ‘lò’ để giữ ‘thành phố đáng sống’ Đà Nẵng

Những dấu ấn đẹp đẽ, thiện cảm mà Đà Nẵng ghi được không phải do một vài cá nhân nào đó, và không thể mất đi.

Khi đất đai bị quan tham nhũng hợp pháp

Khi đất đai bị quan tham nhũng hợp pháp

Đất đai, nhà công sản là sở hữu toàn dân đã bị những kẻ có quyền lực biến chất biến thành của tư qua những công văn đóng dấu "Mật", "Tuyệt Mật".

Đổi đất lấy hạ tầng: Bỏ ngỏ câu hỏi giá đất

Đổi đất lấy hạ tầng: Bỏ ngỏ câu hỏi giá đất

Giá đất nào để đổi lấy hạ tầng vẫn là câu hỏi lớn vô cùng quan trọng trong cơ chế BT sửa đổi sắp tới bởi hầu hết các dự án hiện vẫn chưa quyết toán.

Dời ga Hà Nội: Băn khoăn chuyện quản lý “đất vàng”

Dời ga Hà Nội: Băn khoăn chuyện quản lý “đất vàng”

Vấn đề đáng quan tâm đằng sau câu chuyện di dời ga Hà Nội là cách chúng ta quản trị tài sản và đất công ra sao ở những chỗ “tranh tối tranh sáng”.

Làm gì với ‘đất vàng’ trụ sở bộ ngành sau di dời?

Làm gì với ‘đất vàng’ trụ sở bộ ngành sau di dời?

Bộ Tài chính sẽ là đầu mối thay mặt Chính phủ nắm giữ rồi tiến hành đấu giá công khai một số trụ sở có giá trị đất cao.

Gục trước ‘đạn bọc đường’, người chống tham nhũng thành kẻ bảo kê

Gục trước ‘đạn bọc đường’, người chống tham nhũng thành kẻ bảo kê

Tội phạm tham nhũng sẵn sàng ôm cả đống tiền để chạy tội, chạy án, thậm chí cao chạy xa bay trước khi bị phát hiện và xử lý.