Gần đây, sau khi dỡ bỏ chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, tôi thường đi lang thang trong các con phố ở nội thành Hà Nội để cảm nhận những tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh tế - xã hội.

Phố xá không còn đông đúc, vui nhộn như xưa. Cũng đúng thôi, người dân đã rất cảnh giác với dịch bệnh. Đó là điều đáng mừng.

Song, điều làm tôi ấn tượng nhất là nhiều cửa hàng đã đóng cửa. Người ta treo các tấm biển thông báo ngừng kinh doanh, hoặc dọn hết hàng hóa để lại các cửa hàng trống trơn, hoặc đơn giản là khóa cửa âm thầm rút đi.

Những cửa hàng như vậy có vẻ đang nhiều lên, không chỉ ở một con phố đơn lẻ ở Thủ đô.

Một người bạn tôi là chủ một cửa hàng quần áo cho biết, cô đã trả cửa hàng vì khách hàng rất ít, không đủ chi phí mặt bằng. Đó là quyết định khó khăn nhưng đã được đưa ra sau khi nhiều đồ đã giảm giá đến 70%, mức giảm cao nhất ở cửa hàng từ trước đến nay, mà vẫn không bán được.

{keywords}
Tổng bí thư yêu cầu ‘chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất phải phát triển’ là chỉ đạo rất đúng và trúng.

Rõ ràng, những tác động trước mắt hoặc triển vọng lâu dài của Covid-19 đã tác động rất lớn đến tâm lý của rất nhiều người, từ những chủ cửa hàng đến người mua nói chung.

Những biểu hiện này được thể hiện rất rõ ràng qua các số liệu thống kê, đặc biện trong tháng Tư vừa rồi, khi Việt Nam đã ngừng cấp visa cho khách ngoại quốc từ ngày 18/3, ngừng các chuyến bay quốc tế từ 22/3 và đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội trên cả nước từ ngày 1/4-22/4. Đó là điều lựa chọn hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn vì sức khỏe của nhân dân để phòng chống đại dịch Covid-19.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 giảm 20,5% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 10,3%), trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm tương ứng là 13,4% và giảm 15,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 50,4% và giảm 64,7%; doanh thu du lịch lữ hành giảm 93,2% và giảm 97,5%, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nói ngắn gọn là sức mua, một trong những trụ cột cho tăng trưởng kinh tế, rõ ràng đang có vấn đề rất nghiêm trọng. Hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh; nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa.

Trên thực tế, như một số giám đốc doanh nghiệp tư nhân kể với tôi, họ đã cho nhân viên nghỉ việc khi công ty “ngủ đông” vì thiếu sức mua, vì thiếu đơn hàng, vì trở thành nạn nhân của chuỗi cung ứng bị phá vỡ, và vì nhiều nguyên nhân khác do Covid-19.

Trong một số bài viết, tôi vẫn luôn cho rằng bảo vệ việc làm là một trong những yêu cầu cấp bách bậc nhất. Một số báo cáo thống kê đang cảnh báo điều này.

Báo cáo của 50 tỉnh thành cho thấy, có 4.239 DN bị ảnh hưởng với tổng số lao động bị ảnh hưởng là ần 372 ngàn người bao gồm bị mất việc, bị ngưng việc, bị giảm việc. Đó là báo cáo sơ bộ đến ngày 9/4.

Theo Tổng cục Thống kê, có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên; số lao động thất nghiệp trong quý 1 năm nay khoảng 1,1 triệu người. Đó là tính đến giữa tháng 4.

Cũng nói thêm, tỷ lệ thất nghiệp của Tổng cục Thống kê luôn chỉ vào khoảng 2%, một mức rất thấp, vì cơ quan này tính tỷ lệ thất nghiệp “theo chuẩn quốc tế”, không ăn nhập gì với thực tế ở Việt Nam, nơi không ít người có việc làm nhưng với mức lương không đủ cho những sinh hoạt tối thiểu nhất.

Bên cạnh đó, mới đây Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính đến cuối quý II ngày, khủng hoảng của Covid-19 có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6 đến 10,3 triệu lao động do giảm số giờ làm, giảm lương và mất việc.

Ước tính của ILO, nếu đúng, là hồi chuông cảnh báo rất mạnh mẽ trong bối cảnh có khoảng 54 triệu người có việc làm, bao gồm những người từ 15 tuổi trở lên, theo Tổng cục Thống kê năm 2019. Liệu có phải cứ trong 5 người có việc làm thì 1 người mất việc?

Gần đây, ngày 23/4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc về tình hình, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, ổn định phát triển kinh tế - xã hội và một số nội dung quan trọng khác. Tại cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, đại dịch Covid-19 là phép thử lớn nhất kể từ khi thành lập Liên Hợp Quốc, làm rung chuyển thế giới, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của loài người, hệ lụy của nó với những dự báo có thể còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009...

Ông yêu cầu: "Chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất phải phát triển, đời sống nhân dân được bảo đảm…”.

Cho nên, mặt trận kinh tế phải được đặc biệt chú ý để giúp doanh nghiệp, các hộ gia đình bảo vệ được việc làm thì mới giúp nhiều người vượt qua đại dịch này.

Cho đến gần đây, sau những thành công không thể phủ nhận trong chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu “mở mặt trận thứ hai” để cứu nền kinh tế. Hôm vừa rồi, tại Hải Phòng, Thủ tướng nhắc lại: “Nhất định chúng ta sẽ tiếp tục chiến thắng trên tất cả các mặt trận, không chỉ trên mặt trận chống dịch bệnh Covid-19, mà còn chiến thắng trên lĩnh vực kinh tế, ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”. Ông nói, nhiệm vụ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, khẳng định vị trí Việt Nam trên trường quốc tế là nhiệm vụ của tất cả chúng ta, trước hết đối với lịch sử dân tộc và trách nhiệm đối với gần 100 triệu dân.

Đó là một mệnh lệnh bắt buộc, chỉ bàn tiến, không bàn lùi.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các chuyên gia, tư vấn trong nước, quốc tế xây dựng và hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nghị quyết này sẽ tiếp tục tập trung rà soát, xác định cụ thể đối tượng cần hỗ trợ, tránh tình trạng trục lợi chính sách, đồng thời khắc phục triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt ở cấp cơ sở.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục tổng hợp, phân tích, đánh giá những ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, của từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương và khu vực doanh nghiệp, người lao động thuộc các thành phần kinh tế để đưa ra các giải pháp chính xác và kịp thời, nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tự chủ, phát triển bền vững hơn, có sức chống chịu và khả năng thích ứng với các biến động của bối cảnh bên trong và bên ngoài của nền kinh tế, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

Rõ ràng, cả hệ thống đang vào cuộc quyết liệt, nhưng vẫn có tỉnh, có nơi chưa tạo điều kiện cần thiết cho người dân và doanh nghiệp.

Tổng bí thư yêu cầu ‘chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất phải phát triển’ là chỉ đạo rất đúng và trúng. Chỉ mong rằng “mặt trận thứ hai” – giảm đau kinh tế - được thực hiện đồng bộ và quyết liệt, như mặt trận chống dịch.

Tư Giang

Chống dịch như chống giặc nhưng cứu kinh tế phải hơn cứu hỏa

Chống dịch như chống giặc nhưng cứu kinh tế phải hơn cứu hỏa

 - Khôi phục những gì đã mất do khủng hoảng kinh tế gây ra cần thống nhất trên quan điểm chỉ khôi phục những điều tốt đẹp, những giá trị đã được chứng minh để đất nước phát triển trong giai đoạn tiếp theo.