- Đảm bảo an ninh quốc gia và ngoại giao độc lập, tự chủ là mục đích mà cả Pháp và Việt Nam đều hướng tới.

Kỳ 1: 5 năm và tương lai chưa từng có cho "Đối tác chiến lược Việt-Pháp"

Biên độ cho tăng trưởng thương mại và đầu tư còn rất lớn.

Trao đổi thương mại giữa Pháp và Việt Nam chiếm phần nhỏ so với tổng kim ngạch mỗi nước. Năm 2016, Pháp nhập khẩu 509,2 tỉ € và xuất khẩu 443,3 tỉ €, trong đó nhập từ Việt Nam là 4,5 tỉ € (0,88% tổng kim ngạch nhập khẩu) và xuất sang Việt Nam là 1,5 tỉ € (0,34% kim ngạch xuất khẩu). Đầu tư của Pháp vào Việt Nam với 512 dự án còn hiệu lực với 2,8 tỉ USD vốn đăng kí so với tổng số 24748 dự án đầu tư nước ngoài có hiệu lực với 318,72 tỉ USD vốn đăng kí tính đến hết 2017.  

Các số liệu thống kê kim ngạch trao đổi thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ toàn cầu phản ánh thực tế của cả Pháp và Việt Nam: trao đổi thương mại tập trung với các nước láng giềng (không kể Mĩ và Trung Quốc), ít khả năng chiếm lĩnh thị trường xa về khoảng cách địa lí và khác biệt về văn hóa.

Với công cụ số và không gian mạng, đặc biệt là các ứng dụng khai thác dữ liệu lớn và kết nối vạn vật, các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có khả năng tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường còn rất nhiều tiềm năng này.

Việt Nam và Liên minh châu Âu, trong đó có Pháp, đã kết thúc đàm phán hiệp định tự do thương mại thế hệ mới EVFTA và đang chờ đợi quốc hội các nước châu Âu phê chuẩn. Khi hiệp định này được triển khai, với mức độ cam kết từ phía Việt Nam cao nhất từ trước tới nay, hi vọng rằng môi trường kinh doanh và các rào cản kinh doanh sẽ trở nên minh bạch hơn, chuẩn hóa hơn và đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ dần có tính cạnh tranh cao hơn, bảo vệ người lao động và môi trường tốt hơn để có thể hưởng lợi thế từ thị trường châu Âu rộng lớn. Tương tự, châu Âu và Pháp cũng sẽ có lợi ích từ việc thâm nhập vào thị trường Việt Nam, một thị trường không nhỏ với dân số trẻ, năng động và hội nhập sâu vào môi trường thế giới.

Hợp tác văn hóa, giáo dục, y tế và hợp tác phi tập trung với nền tảng hợp tác hướng tới các giá trị nhân bản

Muốn tận dụng hết các lợi thế của hợp tác kinh tế, mở cửa thị trường và tự do thương mại, Việt Nam cần phải có nền tảng con người có trình độ cao, có nền tảng văn hóa và hiểu biết sâu về thế giới.

Trong hợp tác với Pháp, sau hơn 30 năm Đổi mới, hai nước đã có những nền tảng rất tốt về hệ thống trao đổi văn hóa và văn minh, hệ thống đào tạo đại học và kĩ sư. Các chương trình song ngữ và đào tạo kĩ sư chất lượng cao theo chương trình các Trường lớn của Pháp cần phải được tiếp tục và mở rộng với sự tham gia của các doanh nghiệp công nghiệp thay vì chỉ tập trung trong hợp tác giữa các cơ sở đào tạo hai nước. Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội hay Đại học Việt – Pháp sắp kết thúc 10 năm hợp tác đầu tiên với kết quả là một trong những chương trình đào tạo công lập đầu tiên của Việt Nam được kiểm định quốc tế về chất lượng. Dự án này cần phải được tiếp tục với sự tham gia của hệ thống nghiên cứu và đào tạo bậc cao của Pháp để đảm bảo chất lượng và sự phát triển lâu dài.

Hợp tác phi tập trung là một đặc điểm khác cần phải được phát triển. Đây là hình thức hợp tác giữa các địa phương bên cạnh hợp tác chính phủ. Pháp và Việt Nam đều có mô hình quản lí nhà nước tập trung cao độ. Từ những năm 80, Pháp đã thay đổi mô hình quản lí, đưa quyền tự chủ về các địa phương cao hơn. Quá trình phi tập trung hóa giúp các địa phương phát triển năng lực, năng động hơn, giảm tính quan liêu và giảm gánh nặng cho chính quyền trung ương. Việt Nam có thể dựa vào hợp tác phi tập trung giữa các địa phương này để tham khảo một mô hình quản lí và phát triển lãnh thổ linh hoạt hơn.

Chính trị, an ninh quốc phòng và công nghiệp quốc phòng

Chính trị, an ninh quốc phòng và công nghiệp quốc phòng rõ ràng là một mảng rất quan trọng mà Pháp có thế mạnh. Nếu như Pháp là một trong những trụ cột của Liên minh châu Âu thì Việt Nam cũng là thành viên quan trọng trong Cộng đồng ASEAN.

Ở quy mô quốc tế, Pháp là một trong những nước đóng vai trò quan trọng trong các định chế quốc tế. Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các định chế quốc tế, các mối quan hệ đa phương. Vì thế hợp tác chính trị đối ngoại ở mức cao và thường xuyên với Pháp sẽ giúp Việt Nam có những kinh nghiệm và rút ngắn thời gian tìm hiểu và vận dụng vào việc tham gia vào các tổ chức đa phương. Một Việt Nam chủ động tích cực đóng góp vào định hình của trật tự thế giới vốn luôn có xu hướng dịch chuyển sẽ luôn được cộng đồng quốc tế chào đón và ghi nhận. 

Đảm bảo an ninh quốc gia và ngoại giao độc lập, tự chủ là mục đích mà cả Pháp và Việt Nam đều hướng tới. Trong một thế giới mà các giá trị phổ quát đang bị thách thức bởi sự chú ý thái quá vào lợi ích quốc gia mà quên đi trách nhiệm quốc gia với cộng đồng quốc tế thì việc chia sẻ, liên kết và hợp tác với các quốc gia có cùng giá trị tự do và độc lập là điều cần thiết.

Trong chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam, nguyên tắc 3 không đã được khẳng định. “Không tham gia liên minh, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự và không dựa vào nước này để chống lại nước kia” về một mặt nào đó là chính sách “trung lập”.

Nhưng chính sách “trung lập” không có nghĩa là chính sách thụ động. Việt Nam cần tự chủ về trang bị quốc phòng, đặc biệt là các trang bị có ý nghĩa răn đe cho bất cứ nguy cơ đối xứng và bất đối xứng nào. Sự tự chủ ấy hoàn toàn có thể xây dựng được trên cơ sở hợp tác quốc tế rộng rãi và với các chương trình hợp tác được tính toán với tầm nhìn xa, đảm bảo hiệu quả cả về thời gian hoàn thành, vốn đầu tư và giảm thiểu rủi ro.

Các chương trình hợp tác như vậy, ngoài mua sắm khai thác còn cần phải tính toán đến các hợp tác công nghiệp, nghiên cứu và phát triển công nghệ. Về ý này, có thể tham khảo Fukuzawa Yukichi, người sáng lập đại học Keio (Nhật Bản) trong “Khái quát một lí thuyết về nền văn minh” (1875):

“Người ta bắt đầu đặt mục tiêu phát triển nền văn minh Nhật Bản ngang hàng với phương Tây, thậm chí vượt qua họ. Để làm được điều này, nếu chỉ nhập khẩu các công nghệ đơn lẻ từ phương Tây là không đủ, chẳng hạn như cách Trung Quốc mua vũ khí của nước ngoài. Điều cốt lõi là Nhật Bản phải học được tinh thần ẩn chứa đằng sau công nghệ và tạo ra được các nền tảng tổ chức phù hợp.

Ý tưởng nhập khẩu để khai thác có thể hiểu đơn giản như sau: nếu nước Anh có một nghìn tàu chiến, vậy thì ta cũng có thể mua một nghìn tàu chiến, và như thế là ta ngang hàng nước Anh. Điều đó là không đủ. Đó là suy nghĩ của những người không hiểu được cốt lõi của vấn đề. Cần phải hơn thế rất nhiều.

Nghĩa là nếu có một nghìn tàu chiến thì phải có ít nhất mười nghìn tàu buôn. Khi đó sẽ cần ít nhất một trăm nghìn thủy thủ. Và muốn như thế thì phải có khoa học hàng hải. Thậm chí còn phải hơn thế nữa. Chỉ khi nào có được ngần đó người có khả năng, ngần đó người làm việc thực sự, và luật pháp phải được đặt đúng chỗ của nó, thương mại phát triển và xã hội phát triển với những điều kiện chín muồi thì lúc đó và chỉ lúc đó mới cần đến một nghìn tàu chiến. Ngược lại, nếu một quốc gia mua một nghìn tàu chiến thì đó là điều nhanh nhất dẫn đến kiệt quệ tài chính quốc gia.

Nền văn minh của một quốc gia không thể được đánh giá từ những bề mặt bên ngoài. Trường học, công nghiệp, quân đội và hải quân, tất cả đều là thể hiện trên bề mặt của nền văn minh. Không khó để tạo ra những dạng như vậy, tất cả đều có thể mua bằng tiền.

Nhưng đằng sau nó là khía cạnh tinh thần, cái này không thể nghe, không thể thấy, không thể mua, cũng không thể bán, không thể cho vay và không thể cho mượn. Vậy mà ảnh hưởng của tinh thần quốc gia đó lên chính đất nước đó lại rất lớn. Không có nó, trường học, công nghiệp, hay khả năng quân đội mất tất cả ý nghĩa. Điều đó thực sự là giá trị quan trọng nhất, nghĩa là tinh thần của một nền văn minh, đến lượt nó sẽ biến thành tinh thần độc lập của một dân tộc”.

Trần Bình (từ Paris)

5 năm và tương lai chưa từng có cho “Đối tác chiến lược Việt- Pháp”

5 năm và tương lai chưa từng có cho “Đối tác chiến lược Việt- Pháp”

Bối cảnh chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có nhiều điểm đặc biệt. Vấn đề đối ngoại gắn liền với an ninh quốc gia sẽ được nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm Pháp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm Pháp

Sáng 25/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội đi thăm chính thức Pháp.

Tổng bí thư sẽ thăm chính thức CH Pháp và thăm cấp Nhà nước CH Cuba

Tổng bí thư sẽ thăm chính thức CH Pháp và thăm cấp Nhà nước CH Cuba

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 25 đến ngày 27/3 và thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Cuba từ ngày 28 đến ngày 30/3.