"Tinh giản biên chế mới có thể cải cách được tiền lương, và đưa bộ máy cán bộ công chức về đúng với vị trí của mình" nguyên ĐBQH Lê Như Tiến nói.

Một tỉnh, một cơ quan có hai bộ máy thực hiện cùng một mục đích

Ông bình luận thế nào về câu chuyện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức mà ta đang thực hiện?

Bộ máy hành chính của ta hiện nay quá cồng kềnh, nặng nề, và số lượng cán bộ công chức quá đông. Qua các kì họp Quốc hội, cũng như ý kiến cử tri kết hợp với dư luận xã hội, đã có những tiếng nói bức xúc..

Không đất nước nào mà tiền thuế của dân, đồng lương để trả cho cán bộ công chức lại khổng lồ đến như vậy. Tinh giản biên chế mới có thể cải cách được tiền lương, và đưa bộ máy cán bộ công chức về đúng với vị trí của mình.

Hiện nay có tình trạng một vị trí công tác mà có đến 5, 6 người đảm nhiệm, dẫn đến tình trạng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, việc có thể bị bỏ sót, vì người này tưởng người kia làm. Điều này có đúng với quy định sử dụng nguồn nhân lực của thế giới hay không? Khi tinh giản biên chế, vị trí ấy chỉ có một người làm, đặc biệt lúc đó rất dễ quy trách nhiệm. 

Là ĐBQH, hẳn ông thu lượm được nhiều câu chuyện thực tế qua những chuyến giám sát, thị sát?

Tổ chức bộ máy trong thời gian vừa qua lúc thì nhập vào rồi lại tách ra. Dường như vẫn chưa có triết lí minh bạch về tổ chức nhà nước như thế nào là phù hợp.

Khi tôi đi nghiên cứu tổ chức bộ máy nhà nước ở Singapore, một bộ máy tinh giản nhất là nhỏ nhưng hiệu quả, trong một nhà nước hiệu quả nhất, và làm được những việc vĩ đại nhất. Chúng ta có thể học tập mô hình tổ chức bộ máy của Singapore.

{keywords}
ĐBQH Lê Như Tiến. Ảnh: VOV

Tổ chức lại bộ máy là việc cần làm ngay và gắn với việc xác định lại vị trí công tác của từng người. Học tập kinh nghiệm của các nước có tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương.

Quốc gia dù giàu mạnh đến mấy cũng không thể có đủ ngân sách để nuôi một bộ máy ăn lương cồng kềnh và phình to. Quốc gia dù giàu mạnh đến mấy cũng không thể có đủ ngân sách nếu yêu cầu chi luôn lớn hơn khả năng thu….

Đúng là chúng ta vẫn phân bổ ngân sách theo kiểu dàn đều, cào bằng. Việc phân bổ ngân sách theo kiểu này không tạo nên cú hích để kinh tế phát triển. Nên phân bổ theo tính hiệu quả của sử dụng ngân sách.

Chừng nào phân bổ theo tính hiệu quả mới kích thích được những đơn vị, ngành, địa phương phát triển theo hướng tích cực, chứ không phải chờ đợi ngân sách một cách bị động, hoặc khi không có ngân sách thì không hoạt động nữa. Bởi vì, ngân sách nhà nước chỉ là những cú hích tạo điều kiện ban đầu thôi. Bản thân các địa phương, bộ ngành phải chủ động trong việc sử dụng ngân sách có hiệu quả đồng thời tạo ra những giá trị thặng dư ngoài ngân sách.

Ông có biết chuyện thực hiện thí điểm nhất thể hóa của Quảng Ninh đang được dư luận quan tâm?

Tôi rất ủng hộ thí điểm của Quảng Ninh hoà nhập giữa cơ quan Đảng và Nhà nước. Không hà cớ gì mà một tỉnh, một cơ quan có hai bộ máy cùng làm với một mục đích như nhau.

Quốc hội, Nhà nước và Đảng hoá thân vào nhau để tiết kiệm được ngân sách, đầu tư và đặc biệt, tạo sức mạnh hợp lực lớn, hơn là để tách riêng thành 3 cơ quan độc lập.

Đó cũng chính là mục tiêu tinh giản biên chế.

Chính phủ kiến tạo, hành chính phục vụ

Vì sao việc chuyển từ hành chính công vụ sang hành chính phục vụ mãi vẫn chưa được như ý chí chính trị mà chúng ta đã đặt ra?

Hành chính công vụ chính là phục vụ cho mục đích công. Chuyển từ hành chính công vụ sang hành chính phục vụ, thì chữ phục vụ rõ ràng hơn. Tôi thích đổi từ công vụ sang phục vụ hơn.

Công chức, viên chức nhà nước không phải ăn lương để phục vụ hành chính công, mà chính là phục vụ nhân dân. Việc này là mục tiêu cao nhất, vừa là điểm khởi đầu cũng là điểm kết thúc của sự phục vụ nhân dân.

Cơ quan hành chính là công bộc của dân, ăn lương để phục vụ dân, gồm tất cả đối tượng xã hội, chứ không phải là người đứng trên dân. Đó cũng là nhiệm vụ của họ, chứ không phải biến nhiệm vụ thành cơ chế xin cho. Lâu nay vẫn cứ có tình trạng, dân muốn xin dấu thì phải có gì thì tôi mới cho, thì bây giờ thay đổi lại, buộc họ phải phục vụ cho dân.

Nếu không phục vụ tốt, người dân có quyền phản ánh đến cơ quan thẩm quyền. Người đó sẽ không còn là vị trí công bộc của dân nữa.

Không thể là quan dân mà phải là người phục vụ dân. Đây cũng chính là điều mà tôi đau đáu rất nhiều. Tôi đã nói suốt hai nhiệm kì và trên các diễn đàn quốc hội rằng, cán bộ công chức có phải là của dân hay không, hay là o ép, hành dân?!

Có nhiều ý kiến cho rằng biên chế cồng kềnh còn là do Nhà nước ôm đồm, làm thay....

Có lần tôi phát biểu trên nghị trường, chúng ta tạo lập một chính phủ kiến tạo phát triển chứ không phải một chính phủ làm thay, chính phủ bao cấp và ôm đồm. Từ đó, doanh nghiệp sẽ hoạt động theo luật doanh nghiệp, luật thuế, luật sử dụng lao động và các luật khác.

Nói vậy để hiểu rằng, trên đầu doanh nghiệp lúc đó chỉ có luật, không có cơ quan trung gian như bộ chủ quản, hay lãnh đạo bộ này bộ kia chỉ đạo doanh nghiệp. Vì vậy, việc xóa bỏ bộ chủ quản, ngành chủ quản, thì các doanh nghiệp sẽ được cởi trói, tự do hoạt động theo khuôn khổ pháp luật.

Có như vậy, chúng ta mới trả về cho sự điều tiết của xã hội, điều chỉnh theo cơ chế thị trường giúp các doanh nghiệp cất cánh.

Giảm thiểu tối đa nhân sự "ký gửi"

Có phải chúng ta vẫn chưa có dàn công chức phục vụ như yêu cầu phát triển của thực tiễn đổi mới?

Tôi đã trả lời báo chí cũng như trên diễn đàn Quốc hội, những người cán bộ công bộc phải hết lòng vì dân chứ không phải chỉ nói những lời hay ý đẹp cho được lòng cấp trên, để rồi không làm gì thì có khi lại được nâng đỡ và thăng tiến. Trong khi có những người xả thân vì dân đôi khi lại bị thiệt thòi hơn, vì nhiều khi có làm sẽ có sai chỗ này, chỗ kia vì thế mà không được đánh giá đúng mức.

Đó là những tín hiệu cho thấy công tác tổ chức, đánh giá cán bộ không bình thường. Đây chính là cái cần phải khắc phục trong công tác đánh giá cán bộ.

Chuyện cán bộ, chỗ đứng chỗ ngồi chúng ta bàn nhiều rồi. Đất nước đổi mới mà con người vẫn chưa đổi mới thì làm sao có thể cất cánh được?

Thời gian qua chúng ta có sự tiến bộ, đổi mới, nhích lên, nhưng những bước nhích rất nhỏ. Chưa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội, chưa theo kịp sự đổi mới của đất nước và hoà nhập với thế giới.

Bởi vì ta quá dè dặt. Đó là tư duy vẫn đang tìm kiếm con đường đi cho phù hợp, nhưng cũng chính vì chúng ta không dám chịu trách nhiệm, không dám khẳng định mình.

Vì sao ở Đà Nẵng có một thời kì phát triển mạnh vì có người cán bộ như Nguyễn Bá Thanh, dám chịu trách nhiệm trước Trung ương và người dân Đà Nẵng. Nếu như ở đâu cũng như Đà Nẵng thì không có chuyện đùn đẩy và không dám chịu trách nhiệm như hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra được con đường đi đúng đắn.

Có phải chuyện tái cấu trúc nguồn lực con người ta làm mãi chưa xong là bởi tâm lý cả nể, bởi các "nhân sự ký gửi” bởi “con ông cháu cha”, bởi “ngồi nhầm chỗ” vẫn tồn tại phổ biến?

Đây là một việc khó. Chúng ta làm sao giữ được người làm việc tốt, người có tâm tài trí đức và loại ra khỏi bộ máy nhà nước những người vô dụng, chỉ ngồi đấy với vai trò “cây tầm gửi”. Chính chúng ta phải có những tiêu chuẩn rõ ràng, công khai minh bạch, chuẩn hoá được những tiêu chí đặt người đúng vị trí và phải đưa các tiêu chí ấy vào vị trí công tác.

Chẳng hạn những người làm văn hoá, như lĩnh vực chúng tôi phụ trách, cần phải am hiểu về văn hoá, xã hội, thế nào là xây dựng nền văn hoá mới, tạo điều kiện để văn hoá phát triển. Nếu cứ đưa những người kiểu con cháu các cụ cả mà không đúng lĩnh vực am hiểu thì sẽ khó mà phát triển.

Xin cám ơn ông.

Thùy Vân